5 dấu mốc đáng ghi nhớ của kinh tế TP. Hồ Chí Minh qua 50 năm

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức bình chọn trực tuyến (tại địa chỉ https://binhchon50sukien.hochiminhcity.gov.vn) 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu, nổi bật của TP. Hồ Chí Minh qua 50 năm phát triển. Trong 50 sự kiện được chọn, lĩnh vực kinh tế có 5 sự kiện. Đây chính là những dấu mốc kinh tế đáng nhớ của người dân thành phố qua 50 năm phát triển.

TP. Hồ Chí Minh đã có những bước đi mang tính đột phá về kinh tế, mạnh dạn ''phá rào'', thực hiện ''cởi trói'' về cơ chế để giúp sản xuất ''bung ra''.

TP. Hồ Chí Minh đã có những bước đi mang tính đột phá về kinh tế, mạnh dạn ''phá rào'', thực hiện ''cởi trói'' về cơ chế để giúp sản xuất ''bung ra''.

Từ ''xé rào'' phá bỏ cơ chế giá lỗi thời

Dấu mốc kinh tế đáng lưu ý đầu tiên là việc lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh xé rào phá bỏ cơ chế giá mua gạo lỗi thời vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Tài liệu từ UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh đi theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (thường được gọi là kinh tế bao cấp). Sau một thời gian, cơ chế này bộc lộ những điểm không phù hợp, dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế và khó khăn trong đời sống xã hội.

Câu chuyện mua lúa giá thị trường tưởng đơn giản nhưng là quyết định rất táo bạo. Giám đốc Công ty Lương thực thành phố đã đưa cả đoàn xe xuống Đồng bằng sông Cửu Long mua lúa giá 2,5 đồng/kg. Gạo chở về Sài Gòn bán theo giá kinh doanh (giá mua thực tế + chi phí xay xát + chi phí vận tải + thặng số thương nghiệp).

Cú ''phá giá'' này đã đẩy giá lúa khắp Đồng bằng Nam bộ lên 2,5 đồng/kg. Giá chỉ đạo 0,52 đồng/kg bị vô hiệu hóa. Không bao lâu sau, mức phá giá đó lan ra cả nước. Không lùi được nữa. Sự đột phá của Công ty Lương thực thành phố không chỉ cứu cái bao tử người dân thành phố mà còn cứu nông dân cả nước khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá ư lỗi thời. Bên cạnh đó, khoảng thời gian 10 năm đầu sau giải phóng, thành phố đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cản trở. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe nguyện vọng, thắc mắc của dân rồi cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn ''phá rào'', thực hiện ''cởi trói'' về cơ chế để giúp sản xuất ''bung ra''.

Trước những khó khăn ngày càng gay gắt vào năm 1982 – 1983, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã chủ trương tìm mọi cách để thông tin, báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ với Trung ương về hướng đổi mới đã xuất hiện từ thực tiễn. Bộ Chính trị sau đó đã họp, phân tích tình hình và ủng hộ cách làm của TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này không chỉ ''minh oan'' cho cách làm ăn được gọi là ''phá rào'', ''làm lén'' của Thành phố khi đang cố vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng của đất nước thời bao cấp, mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta về sau này.

Đến những mô hình kinh tế tiên phong

Dấu mốc kinh tế thứ hai là thành lập khu chế xuất đầu tiên của cả nước là khu chế xuất Tân Thuận vào cuối năm 1991, đã mở ra cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đến Việt Nam, tạo nên đợt đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Thành công của khu chế xuất Tân Thuận và sau đó là khu chế xuất Linh Trung đã để lại dấu ấn sâu đậm, mở đường cho TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thành lập nhiều khu công nghiệp khác với 5 mục tiêu kinh tế cụ thể: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành. Từ sự thành công này, thành phố đã xây dựng và phát triển các khu công nghiệp ven thành phố, một gợi ý thành công để phát triển các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành cả nước.

Một quyết định đột phá

Trước tình trạng nông dân không chịu bán lúa với giá quy định 0,52 đồng/kg, trong khi giá thị trường cao hơn nhiều, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo, quyết định sử dụng ngân sách để hỗ trợ Công ty lương thực TP. Hồ Chí Minh do bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) làm Giám đốc, để bà dùng danh nghĩa cá nhân mua lúa của dân theo giá thỏa thuận 2,5 đồng/kg, đảm bảo nguồn lương thực cho người dân thành phố.

Dấu mốc kinh tế thứ ba là việc thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon CO.OP) vào giữa năm 1989. Đây là quyết định có tính “bước ngoặt” của lãnh đạo thành phố, bởi từ một liên hiệp hợp tác xã nhỏ, số vốn ít ỏi, Saigon CO.OP đã vươn mình trở thành một tập đoàn bán lẻ hiện đại, với 123 siêu thị, đại siêu thị, 700 cửa hàng tiện lợi, 4 trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại, thuộc top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương, hệ thống khách sạn, bất động sản thương mại ở 43 tỉnh, thành phố, với 14.000 lao động, đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng/năm; tổng tài sản hơn 20.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng, phục vụ trên 1 triệu lượt khách hàng hàng ngày. Saigon Co.op cũng là đơn vị kinh tế tập thể lớn nhất nước, đáp ứng tích cực, vững chắc vào bình ổn thị trường TP. Hồ Chí Minh và các địa phương, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh, tình huống bất khả kháng.

Dấu mốc kế nữa là chương trình “Bình ổn thị trường” góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung hàng hóa, được TP. Hồ Chí Minh triển khai lần đầu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ 2002. Từ nhiệm vụ ổn định giá cả mùa lễ, tết bằng giải pháp ứng vốn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong dự trữ hàng hóa, chủ động đặt hàng sản xuất…, đến nay chương trình đã trở thành công cụ điều tiết thị trường bằng nguồn lực thị trường, theo quy luật thị trường; kiên trì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có khả năng tiêu dùng sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.

Dấu mốc thứ năm là việc khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào năm 2000. Việc ra đời của trung tâm chính thức đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động có tổ chức với mục tiêu xây dựng một kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Sau 24 năm thành lập, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam có bước tiến vượt bậc, không chỉ ở số lượng doanh nghiệp, mà còn có tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch.

Doãn Thiệu

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/5-dau-moc-dang-ghi-nho-cua-kinh-te-tp-ho-chi-minh-qua-50-nam-175561-175561.html
Zalo