Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang trên mặt trận giáo dục
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giáo viên (GV) - những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận giáo dục đã chiến đấu với khí phách và lý tưởng cách mạng. Cùng với đó, những học sinh (HS), sinh viên (SV) cũng học tập và cống hiến, góp phần viết nên trang sử tự hào của giáo dục cách mạng Việt Nam. Ngày nay, sống trong hòa bình và đổi mới, các thế hệ GV, HS, SV mãi khắc ghi công lao to lớn ấy và ra sức học tập, cống hiến để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước.

Học sinh nỗ lực học tập, tiếp nối truyền thống cách mạng của thế hệ trước
Mãi khắc ghi
Ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng Lao động Việt Nam đã xác định: Phong trào đấu tranh của GV, HS, SV trong vùng tạm chiến là một mặt trận, bộ phận đặc biệt quan trọng của phong trào đấu tranh chính trị công khai trong lòng địch, một trong những lực lượng nòng cốt để xây dựng liên minh công - nông - trí thức trong mặt trận thống nhất. Trường học trong vùng tạm chiếm thường là nơi bùng nổ các phong trào đấu tranh công khai chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Ở Tân An, Trường Thanh Tiến và Huỳnh Ngọc là nơi có phong trào HS, SV khá mạnh, xây dựng được lực lượng nòng cốt trong HS và tổ chức các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong và ngoài trường học. Một số nhóm HS của Trường Thanh Tiến, Huỳnh Ngọc được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động. Năm 1956-1957, Chi đoàn Thanh niên Lao động Trường Thanh Tiến và Chi đoàn Thanh niên Lao động Trường Huỳnh Ngọc chính thức được thành lập. Hai chi đoàn này thường xuyên phối hợp tổ chức đấu tranh, lôi cuốn HS các trường khác đòi thành lập hiệu đoàn, chống quân sự hóa học đường, chống khủng bố, cứu tế đồng bào chạy loạn,...
Gắn liền với phong trào HS ở Tân An, tỉnh Long An là những hoạt động yêu nước, ủng hộ cách mạng của đội ngũ nhà giáo. Những GV ở vùng kháng chiến về dạy học trong vùng địch kiểm soát, dù bị mật thám theo dõi vẫn tìm cách lồng ghép nội dung giáo dục yêu nước và tinh thần dân tộc qua các môn Văn, Sử, Địa, khước từ giảng dạy môn Giáo dục công dân (môn học nhằm tuyên truyền các luận điệu chính trị phản động của địch).
Tại huyện Đức Hòa, phong trào yêu nước của GV, HS, SV ngày càng phát triển. Nhiều nhà riêng của thầy, cô giáo trở thành nơi in truyền đơn bằng máy in tự chế hay nơi nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng. HS tham gia rải truyền đơn, làm báo tường đăng tải những bài viết đả kích sự bất công, tham nhũng trong chính quyền Sài Gòn, ca ngợi công cuộc kháng chiến,...
Có những HS dũng cảm, kiên trung, không ngại hy sinh. Ngày 14/8/1964, hai nữ sinh Trường Trung học Thị xã Tân An gồm Lê Thị Mai và Nguyễn Thị Cẩm đặt mìn hẹn giờ để diệt bọn cố vấn Mỹ và Philippin tại trụ sở và anh dũng hy sinh. Ngày 04/6/1969, nữ sinh Trường Trung học Bến Lức, chị Mai Thị Non giấu mìn trong cặp sách đi thẳng vào dinh quận trưởng Bến Lức để trừng trị bọn ác ôn. Mìn nổ, diệt nhiều binh lính và cảnh sát địch, chị Mai Thị Non hy sinh ở tuổi 18. Được biết, chị Mai Thị Non tham gia lực lượng vũ trang mật ở huyện Bến Lức từ năm 1964, lúc mới 13 tuổi.
Hoạt động đấu tranh yêu nước của GV, HS, SV góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến, bồi đắp những giá trị đặc sắc vào lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Giáo dục cách mạng Long An - Kiến Tường.
Phấn đấu xứng đáng với thế hệ trước
Viết tiếp trang sử vẻ vang của giáo dục tỉnh, GV, HS, SV ra sức phấn đấu, cống hiến để xứng đáng với các thế hệ đi trước. Là người con trong gia đình có truyền thống cách mạng, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Nhung - GV Trường Mầm non Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), tự hào tiếp nối, nỗ lực thực hiện sứ mệnh của GV. Cô Nhung cho biết: “Ông bà ngoại tôi có 8 người con thì 3 người con trai hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, được ghi danh liệt sĩ, 2 người con gái được nhận Huân chương Kháng chiến. Bà ngoại tôi là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Là GV, tôi tận tụy, hết lòng vì các em và không ngừng nỗ lực, cống hiến mỗi ngày”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Nhung - giáo viên Trường Mầm non Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện
Trong quá trình giảng dạy, cô Nhung xem khó khăn là động lực để rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Cô cố gắng xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và đầy yêu thương cho trẻ, tích cực tham gia các phong trào thi đua, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. “Với tôi, tiếp nối truyền thống không chỉ là giữ gìn những giá trị tốt đẹp mà còn làm mới, vun đắp mỗi ngày bằng tất cả tình yêu thương, sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm” - cô Nhung cho biết.
Là HS giỏi quốc gia môn Lịch sử, Nguyễn Thanh Nhã - HS lớp 11V, Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An), cũng tự hào tiếp nối truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước. Nhã chia sẻ: “Là thế hệ sinh ra trong thời bình, được thụ hưởng thành quả cách mạng của thế hệ trước, em không ngừng nỗ lực học tập và mong muốn lan tỏa niềm đam mê môn Lịch sử đến với mọi người”.
Từ những năm tháng kháng chiến đầy gian lao, GV, HS, SV trở thành những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận giáo dục. Tinh thần cách mạng của những người đi trước sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ sau để tiếp nối truyền thống cách mạng, góp phần cho sự nghiệp giáo dục ngày càng đổi mới và phát triển./.