Chuyên gia bật mí nguyên tắc '3 khoảng' khi sắp xếp nguyện vọng để chắc đỗ đại học

Chuyên gia gợi ý, thí sinh nên lập một bảng danh sách các nguyện vọng xét tuyển đại học, tự sắp xếp trước, tránh sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển. Thí sinh có thể chia các nguyện vọng thành 3 khoảng chính để tăng cơ hội trúng tuyển.

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới, trong đó có việc bỏ xét tuyển sớm. Nếu như những năm trước, dù chưa tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đã "chắc suất" trúng tuyển vào một số trường đại học, thì năm nay tất cả các phương thức xét tuyển đều sẽ xét chung 1 đợt theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Điều này khiến không ít thí sinh băn khoăn về việc sắp xếp nguyện vọng để chắc đỗ trong mùa tuyển sinh năm nay.

Mùa tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới (Ảnh minh họa)

Mùa tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới (Ảnh minh họa)

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên THPT tại Hà Nội cho biết: “Những năm trước có đến 90-95% học sinh của tôi có kết quả trúng tuyển sớm, các em vẫn gọi đây là “bảo hiểm”, “ô dù”. Học sinh chỉ cần tập trung đỗ tốt nghiệp là đã đủ điều kiện nhập học đại học. Nhưng năm 2025, Bộ GD-ĐT bỏ hẳn xét truyển sớm. Tuy nhiên, chiến thuật sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học cũng không có gì khác biệt nhiều so với những năm trước.

Khi sắp xếp nguyện vọng, các em nên chia thành 3 nhóm. Tôi vẫn nói với học sinh, nhóm thứ nhất là “cầu may”, các em nên đặt những nguyện vọng mình thích nhất, và mức điểm vẫn nằm trong tầm với. Nhóm thứ 2 là nhóm nguyện vọng “thực tế”, tức là những nguyện vọng các em có cơ hội trúng tuyển, điểm thi của các em tương đương, hoặc dao động quanh mức điểm của các năm trước. Thứ 3 là nhóm nguyện vọng “đảm bảo an toàn”, để các em chắc chắn có trường để học”.

Thầy Công cho biết, với quy tắc lọc ảo và xét tuyển của Bộ GD-ĐT sẽ lấy các nguyện vọng từ cao xuống thấp, do đó thí sinh cần chắc chắn rằng những nguyện vọng thích nhất, thích hơn sẽ phải đặt trên để tăng cơ hội thí sinh được theo học những ngành nghề mình yêu thích.

“Nguyện vọng 1 bao giờ cũng là nguyện vọng các em yêu thích nhất, nhưng không phải là những nguyện vọng ảo tưởng. Ở nguyện vọng này, điểm trúng tuyển hàng năm có thể cao hơn một chút so với cái điểm quy đổi hoặc điểm của thí sinh năm nay. Song cơ hội của các em vẫn có, do đó, nên mạnh dạn đặt ở nguyện vọng 1. Khi sắp xếp nguyện vọng hãy ưu tiên những ngành mình thích hơn ở phía trước, để sau khi trúng tuyển, các em sẽ cảm thấy yêu thích, đam mê, theo đuổi ngành học đó. Đừng để tình trạng học đại một trường đại học. Nếu cố chấp học một ngành không yêu thích, rất có thể các em sẽ bỏ dở giữa chừng hoặc ra trường làm những công việc khác gây lãng phí thời gian và tiền bạc", thầy Công nói thêm.

Ths Hoàng Thanh Hà, Ban Tuyển sinh ĐH Kinh tế quốc dân khuyên thí sinh nên lập một bảng danh sách các cái nguyện vọng và tự sắp xếp trước, tránh sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển.

Theo Ths Hoàng Thanh Hà, thí sinh có thể chia các nguyện vọng thành các khoảng. Trong đó, khoảng thứ nhất là những nguyện vọng yêu thích, hoặc những ngành có mức điểm chuẩn cao, các ngành hot mà thí sinh mong muốn trúng tuyển. Trong đó, nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất và giảm dần mức độ ưu tiên ở những nguyện vọng sau.

Ở khoảng thứ hai, thí sinh nên đăng ký các nguyện vọng có điểm chuẩn trúng tuyển ngang với điểm thi hoặc hoặc là những ngành ít hot hơn.

Để chắc chắn đỗ, thí sinh nên có khoảng nguyện vọng thứ 3, đây là những ngành có điểm chuẩn thấp hơn so với điểm thi.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, Nguyễn Gia Bảo, sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn có tâm lý chọn trường, chọn ngành theo phong trào, xu hướng hoặc định hướng của gia đình mà chưa biết rõ bản thân mình thích gì hay có thế mạnh ở những lĩnh vực nào.

Trải qua 3 năm học đại học, Gia Bảo cho rằng, nếu chọn sai ngành học, chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt kèm theo tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc. Do đó, ngay từ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cần tìm hiểu thật kỹ về các ngành nghề, các trường, cũng như chương trình học, quan trọng nhất là hiểu được thế mạnh của bản thân, biết mình thực sự muốn gì để sắp xếp các nguyện vọng cho phù hợp.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-bat-mi-nguyen-tac-3-khoang-khi-sap-xep-nguyen-vong-de-chac-do-dai-hoc-post1195622.vov
Zalo