Viết tiếp câu chuyện hòa bình - khát vọng cống hiến của sinh viên Việt Nam
Nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử, cũng là lúc các thế hệ sinh viên Việt Nam đang từng bước viết tiếp trang sử hào hùng theo cách của riêng mình bằng tri thức, trách nhiệm, và khát vọng cống hiến.
Những gương mặt thắp sáng tinh thần Việt
Nguyễn Thị Phương Huyền - Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Công nghệ Sài Gòn là một trong những gương mặt tiêu biểu được vinh danh với Giải thưởng ‘Sao Tháng Giêng’. Với Huyền, đây là thành tích, là lời khẳng định cho hành trình nghiêm túc và tận tâm với học tập, hoạt động xã hội và cống hiến cho cộng đồng.

Nguyễn Thị Phương Huyền - Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Ảnh: NVCC
Cô chia sẻ: “Tình yêu đất nước với mình không ồn ào, mà thể hiện qua từng hành động nhỏ: Học tập nghiêm túc, tổ chức những hoạt động có ý nghĩa, và luôn nỗ lực trở thành một mắt xích tích cực trong tập thể sinh viên”.
Từ những chuyến tình nguyện vùng sâu vùng xa cho đến những đêm thức trắng lên kế hoạch chiến dịch, Phương Huyền thấm thía một bài học sâu sắc: trí tuệ thực sự có giá trị khi phục vụ con người – nhất là những mảnh đời yếu thế.
Còn với Nguyễn Đặng Linh Chi - thủ khoa khối B00 toàn quốc năm 2024, hành trình tri thức lại được khởi nguồn từ đam mê với những điều nhỏ bé trong tự nhiên. Từ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Hóa đến thành viên đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia, Linh Chi không ngừng nỗ lực, vượt qua áp lực học tập bằng sự kiên trì và một quan niệm giản dị: “Học tập là hành trình lâu dài, không phải lúc nào cũng đi lên, nhưng chỉ cần không bỏ cuộc, thì dù có nghỉ chân, ta vẫn đang bước tiếp”.
Tình yêu của cô với ngành Y – ngành học cao quý nhưng đầy thử thách – là minh chứng rõ ràng cho khát vọng cống hiến bằng năng lực chuyên môn, bằng tri thức để góp phần bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình bằng tri thức và hành động
Hòa bình hôm nay là thành quả của bao thế hệ đi trước, nhưng giữ gìn và phát triển nền hòa bình ấy lại là trách nhiệm của những người trẻ – đặc biệt là trí thức trẻ. Đối với Phương Huyền, trí thức trẻ là lực lượng “kết nối giữa khoa học và đời sống, giữa tri thức và nhân văn, giữa hiện tại và tương lai”. Những sáng kiến xã hội, sân chơi học thuật hay hoạt động đổi mới sáng tạo do sinh viên khởi xướng chính là cách để tri thức trở nên sống động, hữu ích, và đầy tính nhân văn.

Nguyễn Đặng Linh Chi (ngành Y Khoa, trường ĐH Y Hà Nội).
Linh Chi cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, trí thức trẻ chính là “nguồn năng lượng đổi mới của đất nước”. Cô mong muốn sinh viên sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi năng lực liên ngành, tinh thần trách nhiệm, tư duy phản biện và nhất là lòng yêu nước gắn liền với hành động cụ thể.
Chọn học để cống hiến, chọn trách nhiệm thay vì thờ ơ
Sinh viên hôm nay không trực tiếp cầm súng gìn giữ hòa bình, nhưng đang ngày ngày vun đắp một nền hòa bình bền vững hơn – bằng sự thấu hiểu, bằng sáng tạo, bằng cách kết nối tri thức với đời sống, và bằng lòng trắc ẩn với cộng đồng.

Nguyễn Thị Phương Huyền (bên phải) trên hành trình 'Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2025'.
Khi những lớp sinh viên chọn học để cống hiến, chọn trách nhiệm thay vì thờ ơ, chọn tình yêu nước được thể hiện qua từng hành động nhỏ, họ đang lặng lẽ viết tiếp câu chuyện hòa bình theo cách của những người trẻ thời đại mới.
Và ở mỗi lớp học, mỗi phòng lab, mỗi chiến dịch thiện nguyện – chúng ta đều thấy hình ảnh của những người trẻ đang góp phần dựng xây một Việt Nam hòa bình, sáng tạo, tử tế và đáng sống hơn mỗi ngày.