Tự hào khi tiếng Việt được giảng dạy ở xứ người

Thời gian qua, cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vị thế của tiếng Việt ngày càng được đánh giá cao ở các nước, qua đó, góp phần tạo nên 'sức mạnh mềm' của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các sứ giả tiếng Việt được vinh danh tại Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương vừa qua. (Ảnh: PV)

Các sứ giả tiếng Việt được vinh danh tại Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương vừa qua. (Ảnh: PV)

Cô giáo người Lào và niềm say mê với tiếng Việt

Đầu tháng 9/2024, chị Lanny Phetnion, hiện là giảng viên Khoa tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào háo hức sang Việt Nam dự Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), Bộ Ngoại giao phối hợp với các đơn vị tổ chức. Tại buổi lễ, chị là một trong năm người được tôn vinh là Sứ giả tiếng Việt, ghi nhận những đóng góp không nhỏ của chị trong việc quảng bá tiếng Việt trong môi trường quốc tế.

Kể về hành trình đến với tiếng Việt của mình, Lanny Phetnion cho biết, cơ duyên với tiếng Việt đến vào năm chị học lớp 12, khi chị đạt giải cao trong một cuộc thi học sinh giỏi và được tặng học bổng cho chương trình tiếng Việt của Đại học Quốc gia Lào. Lúc đầu cũng đắn đo nhưng sau chị quyết định đăng ký tham gia. “Nhiều người hỏi tôi học tiếng Việt làm gì, học xong liệu có sử dụng đến hay không, liệu có kiếm được việc làm hay không? Tuy nhiên, vì tình yêu với tiếng Việt, tôi vẫn quyết định đi học ngoại ngữ này”, chị Lanny nhớ lại.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu dự Lễ Tôn vinh tiếng Việt và khai trương Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại Pháp tháng 7/2024. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu dự Lễ Tôn vinh tiếng Việt và khai trương Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại Pháp tháng 7/2024. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN)

Càng tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Việt, chị Lanny càng thêm say mê. Qua tiếng Việt, chị cũng được biết nhiều hơn và thêm yêu hơn văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đến năm thứ 4 ở Đại học Quốc gia Lào, chị được cử tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Được tiếp xúc trực tiếp với người Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để tìm hiểu về đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực… Việt Nam, tiếng Việt của chị cũng được nâng cao hơn.

Sau năm năm học, tiếng Việt đã trở nên thân thuộc như ngôn ngữ mẹ đẻ của chị Lanny. Tốt nghiệp, chị được nhận làm giảng viên tại Khoa tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Ngoài công việc chính, để góp phần giúp tiếng Việt được lan tỏa và nhiều người biết đến hơn, chị mở một trung tâm dạy tiếng Việt tại Lào, làm người dẫn chương trình Thời sự tiếng Việt tại Đài Truyền hình Quốc gia Lào.

Ngoài ra, chị đã tham gia hỗ trợ phiên dịch cho nhiều đoàn công tác Việt Nam sang thăm và làm việc tại Lào, dẫn chương trình tiếng Lào - Việt cho các sự kiện. Chị còn lập các kênh dạy tiếng Việt trên các mạng xã hội, biên soạn sách học tiếng Việt cho không chỉ người Lào mà còn cả người nước ngoài ở Lào có chung niềm yêu thích. Chị cũng tích cực lan tỏa những nét đẹp trong sinh hoạt, phong tục, tập quán của Việt Nam cho những người xung quanh. Lanny nói rằng, đây cũng là cách để chị góp phần vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.

Đưa tiếng Việt gần hơn tới bạn bè quốc tế

Trong khi đó, sự gắn bó đối với việc dạy và học tiếng Việt ở môi trường nước ngoài của TS. Nguyễn Thế Dương lại xuất phát phát từ mong muốn giúp con em người Việt Nam ở Australia giữ được tiếng Việt, qua đó giữ được sợi dây gắn bó của các con với cội nguồn.

Ban đầu, anh Nguyễn Thế Dương cùng vợ là ThS. Hoàng Thị Thu Thủy chỉ tổ chức các lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em là người Việt ở gần nhà. Sau đó, anh đã cùng hai đồng nghiệp biên soạn bộ sách có tên “Tiếng Việt của em”, được xuất bản vào năm 2019.

TS Nguyễn Thế Dương luôn tìm cách để những lớp học tiếng Việt của con em kiều bào trở nên sinh động, lôi cuốn. (Ảnh: NVCC)

TS Nguyễn Thế Dương luôn tìm cách để những lớp học tiếng Việt của con em kiều bào trở nên sinh động, lôi cuốn. (Ảnh: NVCC)

Cùng với bộ sách “Tiếng Việt của em”, anh Nguyễn Thế Dương và chị Hoàng Thị Thu Thủy còn mở một ngôi trường mang tên Yêu Tiếng Việt, chuyên dạy tiếng Việt cho trẻ em NVNƠNN theo hình thức trực tuyến. Cái tên xuất phát từ tình yêu mạnh mẽ của anh Dương với tiếng Việt và cũng là mong muốn cháy bỏng mà anh muốn truyền tới cho các em học sinh của trường. “Đó là điều quan trọng nhất, là lý do chúng tôi đặt tên trường là Yêu Tiếng Việt. Khi yêu thì sẽ tìm cách để tìm hiểu, sẽ có những phương pháp, cách thức truyền đạt cho phù hợp, hiệu quả nhất”, anh kể lại.

Đến nay, Trường Yêu Tiếng Việt đã thu hút hàng nghìn học sinh từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; từ những nước như Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản đến những nơi có rất ít người Việt sinh sống như French Guiana, Cameroon, Ả rập Xê-út đăng ký theo học. Trong số này, không ít người nước ngoài có niềm yêu thích và mong muốn học tiếng Việt. TS. Nguyễn Thế Dương hiện là Giám đốc điều hành của Trường.

Lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam

Ngôn ngữ được xem là một trong những yếu tố quan trọng “định vị” một dân tộc. Chính vì vậy, việc lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc không chỉ trong cộng đồng NVNONN mà còn tới bạn bè quốc tế góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.

Tại Australia, anh Nguyễn Thế Dương cho hay, không kể tiếng Anh, tiếng Việt hiện là ngôn ngữ phổ biến thứ 3 ở Australia. Tiếng Việt hiện đã được dạy trong một số trường học ở Australia và nhiều trường cộng đồng đã mở các lớp tiếng Việt cho các em học sinh ở Australia. Điều này cho thấy vị thế ngày càng lớn của tiếng Việt cũng như sự quan tâm của Chính phủ, của cộng đồng, của người dân ở Australia đến tiếng Việt.

Chị Lanny Phetnion. (Ảnh: PV)

Chị Lanny Phetnion. (Ảnh: PV)

Tại Mỹ, ngày 11/6/2024, Hội đồng Giám sát TP và quận hạt San Francisco, bang California, Mỹ đã thông qua Nghị quyết quyết định tiếng Việt được sử dụng như một trong những ngôn ngữ chính thức của thành phố này. Với nghị quyết này, TP San Francisco sẽ sử dụng thêm tiếng Việt trong các dịch vụ công như phiên dịch, thông báo, văn bản trên trang web. Ngoài TP San Francisco, tiếng Việt cũng đã được sử dụng tương đối rộng rãi trong các dịch vụ công như y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội… tại nhiều TP ở Mỹ, nhất là những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo như: Quận Cam, California, Houston, Texas hay Seattle, Washington.

Bà Trần Hồng Vân - Sứ giả tiếng Việt năm 2023: Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và Australia nói riêng, duy trì văn hóa - ngôn ngữ Việt mang lại rất nhiều lợi ích về mặt tình cảm, văn hóa, trí tuệ và kinh tế… Với nước sở tại Australia, duy trì ngôn ngữ - văn hóa Việt là góp phần tăng cường tính đa văn hóa, đa ngôn ngữ - một đặc tính của Australia và Chính phủ và người dân đều thấy tự hào. Ngoài ra, duy trì ngôn ngữ - văn hóa Việt, cũng như các ngôn ngữ cộng đồng khác cũng giúp tăng sự cảm thông, hiểu biết, hòa nhập và phát triển giữa các sắc dân sống tại Australia.

Không chỉ được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức, trong những năm gần đây, tiếng Việt còn được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học hoặc các trường cấp tiểu học, trung học ở nhiều nước như một ngoại ngữ. TS. Ngô Như Bình - nguyên giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm Chương trình tiếng Việt, bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á, Đại học Harvard cho biết, hiện tiếng Việt được giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu của Mỹ, trong đó có 6 trường thuộc Ivy League là Cornell, Harvard, Brown, Yale, Columbia và University of Pennsylvania. Tổ chức các trường đại học giảng dạy tiếng Việt tại Mỹ được thành lập vào năm 1993 nhằm phối hợp hoạt động của các trường và các cá nhân trong lĩnh vực này. Tại Đại học Harvard, chương trình tiếng Việt được thành lập tại bộ môn Ngữ văn và văn minh Đông Á năm 2024.

Tại Đại học Ca’Foscari ở TP Venice, Italia, bộ môn tiếng Việt cũng đã được đưa vào giảng dạy tại Khoa châu Á và Bắc Phi học. Còn tại Hàn Quốc, kể từ năm 2013, Bộ Giáo dục nước này quy định, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, tiếng Việt cùng 8 ngôn ngữ khác là ngoại ngữ thứ hai. Ở Hàn Quốc có 4 cơ sở đào tạo tiếng Việt và ngành Việt Nam học, đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt ngày càng nhiều của các sinh viên và việc số lượng người Hàn sang Việt Nam sinh sống và làm việc ngày càng tăng lên.

Bà Vũ Thị Bích Diệp - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Italia:

“Văn hóa là nền tảng cốt lõi tạo nên bản sắc và giá trị của một dân tộc. Đó không chỉ là sự kết tinh của những truyền thống, phong tục, tập quán mà còn là tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh của con người qua bao thế hệ. Việc bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc trở thành một trách nhiệm thiết yếu, không chỉ để giữ gìn những giá trị truyền thống mà còn để khẳng định vị thế và tiếng nói của dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới. Tại Italia, các tổ chức và trung tâm văn hóa ở Milan, Rome, Turin cung cấp các lớp học về ngôn ngữ, nghệ thuật truyền thống và lịch sử văn hóa Việt Nam. Các hoạt động này góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam trong cộng đồng địa phương”.

An Khuê

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-hao-khi-tieng-viet-duoc-giang-day-o-xu-nguoi-post538364.html
Zalo