Tiến sĩ Phan Duy Anh tạo dấu ấn khoa học xã hội trong môi trường ĐH về kỹ thuật

Tiến sĩ Phan Duy Anh là người duy nhất trong số các nhà khoa học xã hội được vinh danh lại làm việc trong một trường đại học về kỹ thuật.

Tiến sĩ Phan Duy Anh, giảng viên môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại bộ môn Lý luận Chính trị, khoa Khoa học Ứng dụng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), là một trong chín nhà khoa học trẻ vinh dự nhận Giải thưởng "Khuê Văn Các" năm 2024.

Đây là năm đầu tiên Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai giải thưởng này nhằm vinh danh các nhà khoa học trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Điều đặc biệt, Tiến sĩ Phan Duy Anh là người duy nhất trong số các nhà khoa học xã hội được vinh danh nhưng lại đang công tác tại một trường đại học kỹ thuật.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cảm xúc khi nhận giải thưởng, Tiến sĩ Duy Anh cho biết: "Tôi bất ngờ ngay từ khi biết mình lọt vào top 18, vì đây là lần đầu tiên giải thưởng được tổ chức, số lượng hồ sơ nộp về rất nhiều, trong khi tôi không làm việc trong môi trường chuyên ngành. Khi biết mình đạt giải, tôi vô cùng vui mừng, vinh dự và tự hào. Đây là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi".

Chủ nhân Giải thưởng Khuê Văn Các 2024 cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô, lãnh đạo nhà trường và khoa Khoa học Ứng dụng, các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình, những người đã luôn quan tâm, động viên và đồng hành cùng anh trên con đường nghiên cứu đầy thử thách nhưng cũng đầy vinh quang này.

 Tiến sĩ Phan Duy Anh là một trong chín nhà khoa học trẻ vinh dự nhận Giải thưởng "Khuê Văn Các" năm 2024. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Duy Anh là một trong chín nhà khoa học trẻ vinh dự nhận Giải thưởng "Khuê Văn Các" năm 2024. Ảnh: NVCC

Hành trình khơi nguồn đam mê với Chính trị học và tạo dấu ấn trong môi trường kỹ thuật

Sinh ra tại Nghệ An, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Tiến sĩ Phan Duy Anh từ nhỏ đã sớm bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với lịch sử và chính trị. Những bộ phim như Tam Quốc diễn nghĩa, Bao Thanh Thiên không chỉ là giải trí mà còn khơi dậy sự tò mò về quyền lực, chiến lược và tư duy chính trị. Khi học tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, anh tiếp tục nuôi dưỡng đam mê qua việc học chuyên Sử và tìm hiểu sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và các vấn đề chính trị.

Năm 2008, khi Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành Chính trị học, chàng trai Phan Duy Anh khi ấy nhận ra đây là cơ hội để theo đuổi niềm đam mê. Ban đầu, anh nghĩ rằng Chính trị học chủ yếu giống như triết học Mác - Lênin, tập trung vào lý thuyết và các quan điểm chính trị. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu hơn, anh nhận ra rằng đây là một ngành khoa học nghiên cứu về đời sống chính trị, giúp con người hiểu rõ hơn về quyền lực và cách thức vận hành của xã hội.

Năm 2015, một bước ngoặt quan trọng đến với Tiến sĩ Phan Duy Anh khi Trường Đại học Thủ Dầu Một (tại Bình Dương) quyết định mở ngành Chính trị học. Được sự giới thiệu của thầy giáo, giảng viên trẻ quyết định rời Hà Nội vào miền Nam để nhận nhiệm vụ đầy thử thách này. Với tinh thần dấn thân và không ngại khó khăn, Tiến sĩ Phan Duy Anh đã góp phần đặt nền móng cho ngành học mới tại đây.

Sau đó, anh chuyển công tác về Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và đã gắn bó với ngôi trường này từ năm 2018 cho đến nay. Dù đây là môi trường đặc thù không phải chuyên về khoa học xã hội, giảng viên trẻ vẫn tận dụng tốt các cơ hội nghiên cứu, hợp tác khoa học và tham gia các hội thảo chuyên môn.

 Tiến sĩ Phan Duy Anh tham gia Hội thảo “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân" (tổ chức vào 12/2024, tại tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Duy Anh tham gia Hội thảo “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tấm gương trọn đời vì nước, vì dân" (tổ chức vào 12/2024, tại tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Duy Anh chia sẻ, công tác trong một trường đại học có thế mạnh về khoa học kỹ thuật, điều này đặt ra không ít khó khăn bởi sinh viên khối ngành kỹ thuật thường có xu hướng tập trung vào các môn chuyên ngành và ít quan tâm đến các môn lý luận chính trị. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc làm sao để các bài giảng trở nên hấp dẫn, giúp sinh viên nhận thức rõ vai trò của Chính trị học trong đời sống và công việc.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Tiến sĩ Phan Duy Anh thể hiện khả năng sáng tạo trong giảng dạy.

"Các môn Lý luận chính trị thường bị xem là khô khan, khó hiểu, đặc biệt với sinh viên khối kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề không nằm ở bản thân môn học mà ở cách giảng dạy", giảng viên trẻ chia sẻ.

Do đó, để thay đổi nhận thức của sinh viên, Tiến sĩ Phan Duy Anh luôn tìm cách làm mới cách giảng dạy, giúp môn học trở nên hấp dẫn hơn. Vị giảng viên trẻ luôn áp dụng nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn, kết nối bài giảng với các vấn đề thời sự và xã hội, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò của chính trị học trong cuộc sống. Các phương pháp sáng tạo như ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tình huống thực tế, trò chơi và làm việc nhóm được anh triển khai nhằm giúp sinh viên hứng thú hơn trong học tập.

Ngoài ra, Tiến sĩ Phan Duy Anh luôn khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, tranh luận, và phản biện để rèn luyện tư duy sắc bén. Ba câu hỏi "Là gì?", "Như thế nào?" và "Tại sao?" luôn là kim chỉ nam trong các bài giảng của anh, nhằm thúc đẩy sinh viên hiểu sâu vấn đề thay vì học thuộc lòng.

Với quan niệm “chỉ dạy tốt khi nghiên cứu tốt,” Tiến sĩ Phan Duy Anh luôn dành thời gian đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Đến nay, nhà khoa học trẻ Phan Duy Anh là tác giả chính/đồng tác giả của 48 bài báo khoa học, sáu sách chuyên khảo và nhiều chương sách, đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Hồ sơ năng lực của vị giảng viên trẻ được Ban tổ chức Giải thưởng "Khuê Văn Các" đánh giá cao, không chỉ về số lượng công trình mà còn về chất lượng nghiên cứu.

Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sĩ Phan Duy Anh còn đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Chi bộ Sinh viên 07, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà Khoa học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các hoạt động học thuật và phát triển cộng đồng.

Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn

 Theo Tiến sĩ Phan Duy Anh, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ số, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cần có ba yếu tố then chốt: Tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Phan Duy Anh, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ số, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cần có ba yếu tố then chốt: Tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Duy Anh nhận định rằng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ngày càng nhận được sự chú ý và đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế cũng như phát triển nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với không ít thách thức, như hạn chế về kinh phí, một số nhà khoa học chưa phát triển đầy đủ kỹ năng công bố quốc tế, và khó khăn trong việc khẳng định giá trị thực tiễn của các nghiên cứu.

Để giải quyết những vấn đề này, nhà khoa học trẻ Phan Duy Anh đề xuất cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.

Tiến sĩ Phan Duy Anh cũng nhấn mạnh rằng trong kỷ nguyên công nghệ số, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cần chủ động thay đổi và không ngừng hoàn thiện bản thân. Điều này bao gồm việc tự học, nâng cao kỹ năng viết nghiên cứu, tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh, làm quen với quy trình công bố quốc tế và xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu liên ngành.

Tiến sĩ Phan Duy Anh chia sẻ thêm rằng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ số, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cần có ba yếu tố then chốt: Tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn.

Tâm trong là luôn giữ vững niềm đam mê nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời coi trọng đạo đức và liêm chính trong khoa học. Trong thời đại công nghệ số, việc bảo vệ và phát triển đạo đức nghiên cứu, đặc biệt là liêm chính học thuật, là điều kiện tiên quyết để tạo dựng một môi trường nghiên cứu lành mạnh.

Trí sáng là khả năng vượt qua ranh giới của từng lĩnh vực để mở rộng nghiên cứu liên ngành, lựa chọn những chủ đề phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Việc này không chỉ giúp mở rộng tư duy mà còn tạo điều kiện để khoa học xã hội và nhân văn đóng góp một cách thiết thực hơn cho xã hội.

Hoài bão lớn là các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn không nên bó hẹp mình trong những khuôn khổ nhỏ bé, mà cần nuôi dưỡng khát vọng vươn xa, hòa nhập với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Tiến sĩ Phan Duy Anh không chỉ khẳng định bản thân mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ yêu thích Chính trị học. Giải thưởng Khuê Văn Các là cột mốc quan trọng trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy của anh, đồng thời là động lực thúc đẩy vị giảng viên trẻ 9x này tiếp tục học hỏi, dấn thân, và không ngừng đổi mới, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của khoa học xã hội.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tien-si-phan-duy-anh-tao-dau-an-khoa-hoc-xa-hoi-trong-moi-truong-dh-ve-ky-thuat-post248849.gd
Zalo