Tổng kết năm Thìn đáng nhớ của giảng viên trẻ trường Công nghệ
Trước khi tạm biệt 'năm tuổi', Huy Sơn chính thức nhận bằng thạc sĩ của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nam giảng viên trẻ đã có một năm 2024 vô cùng bận rộn và đáng nhớ với nhiều dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp và cuộc sống.
Hai tuần trước khi khép lại năm Giáp Thìn 2024, Nguyễn Huy Sơn chính thức nhận bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET). Đây là ngôi trường mà anh đã gắn bó suốt nhiều năm, từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, học viên cao học rồi trở thành giảng viên tạo nguồn.
Sinh năm Canh Thìn 2000, Huy Sơn hiện là giảng viên tại VNU-UET và là nghiên cứu viên tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ Tri thức (Knowledge Technology Laboratory – KTLab). Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy mà anh tập trung theo đuổi là trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.
Tại trường Công nghệ, tân thạc sĩ giảng dạy các môn như Tin học cơ sở, Cơ sở dữ liệu, Cấu trúc dữ liệu & Giải thuật cho sinh viên trường Công nghệ. Ngoài ra, anh phụ trách một số lớp Tin học cơ sở cho sinh viên các trường Luật, Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đánh dấu việc “tròn hai con giáp”, trong năm qua, Sơn đã nhận được học bổng thạc sĩ từ một quỹ đổi mới sáng tạo, đi thực tập nghiên cứu tại Viện Tin học Quốc gia Nhật Bản (National Institute of Informatics – NII) và có chuyến công tác châu Âu để thuyết trình tại ECML PKDD - một trong những hội nghị đầu ngành của lĩnh vực học máy và khai phá tri thức.
Năm 2024 cũng là một năm đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị. Anh đã luôn nỗ lực cân bằng giữa việc theo đuổi đam mê cá nhân với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Là một giảng viên trẻ, Sơn còn có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động sôi nổi của khoa, của trường, hay hỗ trợ tổ chức các kỳ thi. Mỗi hoạt động đều mang đến những trải nghiệm quý báu, giúp anh trưởng thành hơn trong “năm tuổi”.
Tính đến mùa xuân 2025, Sơn đã gắn bó với VNU-UET được sáu năm rưỡi. Từ khi học cử nhân ngành Khoa học máy tính (Chương trình Chất lượng cao) tại trường, anh đã là gương mặt nổi bật bởi liên tục nhận học bổng khuyến khích mỗi học kỳ dành cho top 8% sinh viên xuất sắc nhất, nhiều học bổng doanh nghiệp, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp, cùng nhiều hoạt động từ nghiên cứu khoa học, tình nguyện cho đến văn nghệ, thể thao.
Bên cạnh đó, từ những ngày còn là sinh viên năm nhất, Sơn đã tích cực làm gia sư, trợ giảng để tích lũy kinh nghiệm và trang trải chi phí sinh hoạt tại Hà Nội. Dù có nhiều thành tích học thuật và hoạt động phong trào, anh lại hướng đến những dự định khác, chưa từng nghĩ nhiều đến việc trở thành một giảng viên sau này.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong, Sơn cho biết đến gần đến ngày tốt nghiệp đại học, anh vẫn còn nhiều băn khoăn về con đường tương lai. Nhờ những lời khuyên và sự quan tâm tận tình của Tiến sĩ Lê Hoàng Quỳnh tại KTLab, Sơn mới có dịp suy nghĩ thấu đáo và lựa chọn con đường sư phạm cho mình.
Tiến sĩ Lê Hoàng Quỳnh cũng là giảng viên hướng dẫn, người đã dìu dắt anh từ năm ba đại học, luôn đồng hành và truyền cảm hứng cho anh trong suốt hành trình trưởng thành trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Bên cạnh đó, Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục, luôn ủng hộ và dành cho anh những lời khuyên quý báu.
Anh cũng cảm thấy bản thân may mắn khi được trưởng thành, quen biết và làm việc trong môi trường có nhiều hình mẫu của những nhà sư phạm, nhà khoa học đáng quý, từ trong nước đến quốc tế. Trong đó, điển hình là hai giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ của Sơn là Tiến sĩ Lê Hoàng Quỳnh và Tiến sĩ Lê Đức Trọng, cũng như các thành viên trong gia đình anh.
“Mình từng có thời gian trải nghiệm môi trường năng động tại các doanh nghiệp, tham gia nhiều dự án và thu được những bài học quý báu. Công việc nghiên cứu và giảng dạy tại trường đại học, nếu so với làm việc ở các công ty công nghệ lớn, có thể gặp nhiều khó khăn, hạn chế hơn về mặt nào đó. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, mình nhận thấy môi trường này phù hợp với giá trị sống và những mục tiêu dài hạn mà bản thân hướng đến”, Sơn giải thích.
Tại trường đại học, các học phần mà Sơn phụ trách có nhiều sinh viên đa dạng về độ tuổi và khả năng chuyên môn, có những người hơn anh gần 10 tuổi, có cả những lưu học sinh nước ngoài. Điều đó khiến Sơn đôi lúc gặp lúng túng trong việc xưng hô và đưa ra cách giảng phù hợp.
Nhưng đổi lại, tất cả đều là trải nghiệm đáng quý vì hầu hết các bạn sinh viên đều cố gắng và chịu khó học tập. Anh cũng trải nghiệm nhiều tình huống hài hước khi sinh viên xin nộp bài muộn, đi muộn hay nghỉ học.
Theo Sơn, lợi thế của giảng viên trẻ là khả năng dễ dàng thấu hiểu và gắn kết với sinh viên, có thể dễ dàng trao đổi và học hỏi từ sinh viên. Do đó, anh thấy rằng việc trở thành giảng viên không chỉ là cơ hội phát triển trong công việc mà còn giúp mình trưởng thành hơn về con người. Anh cũng rất thấy hạnh phúc và trân trọng khi nhận được những lời hỏi thăm, lời chúc của sinh viên vào các dịp như sinh nhật, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay Tết Nguyên đán.
Năm mới 2025, Sơn bước sang tuổi 25 - cột mốc đánh dấu sự trưởng thành trong quãng thời gian tuổi trẻ của mỗi người. Anh muốn dành tâm huyết để hoàn thành những công việc, dự án còn dang dở, đồng thời nỗ lực hết mình với vai trò một giảng viên tại VNU-UET. Bên cạnh đó, anh cũng đang từng bước hiện thực hóa những ước mơ ấp ủ bấy lâu và hy vọng sẽ có dịp chia sẻ khi đạt được thành tựu nhất định.
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 sắp đến, tân thạc sĩ Huy Sơn gửi tới các bạn độc giả trẻ của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong lời chúc một năm mới tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và gặt hái được nhiều thành công!