Tư duy phản biện: Kỹ năng sống còn của thời đại 5.0
Trong thời đại thông tin nhiễu loạn và công nghệ lên ngôi, tư duy phản biện đã trở thành điều kiện sống còn của bất kỳ ai muốn tồn tại vững vàng trước cơn lốc dữ liệu.

Sách Nhập môn tư duy phản biện: Kỹ năng thực chiến trong kỷ nguyên số. Ảnh: Hoàng Yến.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tin giả có thể lan truyền nhanh gấp 6 lần tin thật. Những dòng tiêu đề giật gân, video cắt ghép khéo léo hay lời khuyên nghe “có vẻ đúng” đang dần thay thế lý trí trong các quyết định của con người. Nhà tâm lý học Daniel Kahneman từng chỉ ra: phần lớn quyết định của chúng ta đến từ cảm tính, chứ không phải từ suy nghĩ lý trí.
Trong bối cảnh ấy, tư duy phản biện chính là bộ lọc giúp chúng ta giữ sự sáng suốt giữa hỗn độn. Khả năng đặt câu hỏi đúng chỗ: “Thông tin này đến từ đâu?”, “Bằng chứng đâu?”, “Có góc nhìn nào khác không?”, chính là bước đầu tiên giúp ta suy nghĩ độc lập, ra quyết định đúng đắn.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, cuốn sách Nhập môn tư duy phản biện: Kỹ năng thực chiến trong kỷ nguyên số (bản dịch từ Critical Thinking: An Introduction của Alec Fisher) được thiết kế bài bản như một “phòng tập tư duy”, giúp người học rèn luyện các kỹ năng phản biện qua hệ thống bài tập, câu hỏi, sơ đồ tư duy và hướng dẫn đánh giá lập luận.
Đồng hành cùng sự kiện phát hành sách, tọa đàm “Bật” tư duy - “Tung” phản biện tổ chức ngày 13/4 đã tạo ra một không gian thực hành tư duy sống động, giúp người tham dự bóc tách các kiểu ngụy biện, kiểm tra tính xác thực của thông tin và rèn luyện kỹ năng thuyết phục cùng các chuyên gia.

Á hậu Thúy Vân tại tọa đàm “Bật” tư duy - “Tung” phản biện tổ chức ngày 13/4. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.
Á hậu quốc tế Thúy Vân - Đại sứ văn hóa đọc của TP.HCM, nhiệm kỳ 2023-2024 - chia sẻ: “Tư duy phản biện không phải là việc nghi ngờ tất cả, càng không phải là thói quen cãi cố cho bằng được. Tư duy phản biện là để hiểu rõ mình đang làm gì, vì điều gì và liệu điều đó có thật sự ý nghĩa với cuộc sống của mình không. Trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ, tư duy phản biện càng cần thiết vì chỉ khi có lý lẽ vững vàng, ta mới không bị cuốn theo những thông tin sai lệch hay quyết định vội vã do máy móc gợi ý”.
Biết hoài nghi đúng lúc, đọc kỹ trước khi chia sẻ, đặt câu hỏi trước lời khuyên, kiểm chứng trước khi tin là thói quen chúng ta nên rèn luyện mỗi ngày để tạo ra một tâm thế sống vững vàng trước mọi luồng thông tin. Đó chính là tư duy phản biện - thứ kỹ năng mềm mà thực ra... rất cứng.
Trong thời công nghệ đang ngày càng tác động tới việc con người đưa ra quyết định, giữ được sự sáng suốt trong suy nghĩ cũng là cách ta giữ được bản lĩnh của chính mình. Và tất cả, bắt đầu từ một câu hỏi giản đơn nhưng không dễ trả lời: “Tôi có chắc không?”.