Nhiều ngành không có sinh viên theo học, Trường ĐH Nam Cần Thơ nêu lý do

Theo đại diện Trường ĐH Nam Cần Thơ, việc thu hút sinh viên theo học ở một số ngành còn khó khăn do ngành còn mới và công tác tuyển sinh chưa thực sự hiệu quả.

Trường Đại học Nam Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động đào tạo theo Quyết định số 1335/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2013.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao; thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ tư vấn và phù hợp với nhu cầu xã hội theo hướng ứng dụng trong các lĩnh vực sức khỏe, kinh tế-xã hội, kỹ thuật-công nghệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời tham gia hội nhập vào khu vực Đông Nam Á.

Hiện Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang là Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ và Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng là Chủ tịch Hội đồng trường.

 Trường Đại học Nam Cần Thơ tọa lạc tại số 168, đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)

Trường Đại học Nam Cần Thơ tọa lạc tại số 168, đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)

Một số ngành không có sinh viên theo học

Theo Báo cáo thường niên năm 2024, quy mô đào tạo của Trường Đại học Nam Cần Thơ là 26.869 sinh viên. Trong đó có 20.928 sinh viên đang theo học và 5.941 sinh viên tuyển mới năm 2024.

Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm đối với người học năm đầu của nhà trường là 0,89%. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 57,79% và tốt nghiệp đúng hạn đạt 51,53%.

Năm 2024, Trường Đại học Nam Cần Thơ tuyển sinh 8.235 chỉ tiêu trình độ đại học cho 42 ngành đào tạo. Trong đó, có 3 ngành mới gồm: Y học dự phòng, Điều dưỡng và Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, điểm chuẩn 3 ngành mới này lần lượt là 19 điểm; 19 điểm; 16 điểm (thang điểm 30).

Dù được mở mới năm 2024 nhưng ngày 17/3/2025, phóng viên truy cập vào website Trường Đại học Nam Cần Thơ chỉ hiển thị đề án mở ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; không thấy đề án mở ngành của ngành Y học dự phòng và Điều dưỡng.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết: “Nhà trường thực hiện công tác mở ngành theo quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT về trình tự và thủ tục đăng ký mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Với các ngành khoa học sức khỏe, Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng đã tuân thủ các quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tất cả các ngành được nhà trường mở đều được công khai trên trang thông tin điện tử của trường theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 02/2022.

Tuy nhiên, tại thời điểm nhà trường nhận được quyết định cho phép đào tạo của 2 ngành Điều dưỡng và Y học dự phòng trình độ đại học là thời gian nhà trường đang chuyển đổi website từ giao diện cũ sang giao diện mới nên thông tin về đề án mở ngành của 2 ngành trên chưa được cập nhật lên kịp thời. Hiện tại nhà trường đã công khai 2 đề án trên theo đúng quy định trên trang thông tin điện tử của nhà trường tại địa chỉ: https://nctu.edu.vn/news/de-an-dang-ky-mo-nganh-dieu-duong-trinh-do-dai-hoc; https://nctu.edu.vn/news/de-an-dang-ky-mo-nganh-y-hoc-du-phong-trinh-do-dai-hoc”.

 Số chỉ tiêu tuyển sinh và sinh viên nhập học 3 ngành mới mở năm học 2024-2025 của Trường Đại học Nam Cần Thơ. (Ảnh: NTCC)

Số chỉ tiêu tuyển sinh và sinh viên nhập học 3 ngành mới mở năm học 2024-2025 của Trường Đại học Nam Cần Thơ. (Ảnh: NTCC)

Ngoài ra, theo Biểu mẫu 18 về công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2023-2024 (Báo cáo ba công khai) cho thấy một số ngành tại nhà trường không có sinh viên theo học, gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kỹ thuật Y sinh, Luật, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu và Quản lý bệnh viện.

Để làm rõ thêm thông tin, phóng viên đã đặt câu hỏi với Trường Đại học Nam Cần Thơ về những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải trong việc thu hút sinh viên theo học các ngành nói trên. Đồng thời, phóng viên cũng đề cập đến việc liệu nhà trường có đang xem xét khả năng tạm ngừng hoặc đóng một số ngành đào tạo do không có sinh viên theo học hay không.

Chia sẻ về việc này, đại diện nhà trường cho biết: “Trường gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên theo học ở một số ngành do nhiều yếu tố khác nhau. Đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (trình độ thạc sĩ) và ngành Luật (trình độ thạc sĩ), do thời gian nhà trường thông báo tuyển sinh là thời điểm gần cuối năm, công tác tuyển sinh và truyền thông đến người học chưa thực sự hiệu quả đã dẫn đến số lượng hồ sơ đăng ký theo học chưa đạt kỳ vọng.

Ở bậc đại học, ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu ghi nhận số lượng hồ sơ đăng ký thấp, không đủ điều kiện để mở lớp do nhu cầu theo học của sinh viên còn hạn chế. Còn ngành Quản lý bệnh viện đa phần số lượng người học quan tâm ngành ở trình độ sau đại học nên rất ít sinh viên đăng ký ngành đào tạo này ở hệ đại học chính quy.

Một số ngành có sinh viên đăng ký nhưng không đủ mở lớp nên trường đã tư vấn các bạn qua các ngành khác cùng khối ngành đào tạo và đáp ứng đủ điều kiện nhập học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như theo điểm chuẩn của nhà trường.

Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật Y sinh còn khá mới nên nhiều thí sinh chưa hiểu rõ về vai trò và tiềm năng của ngành này trong thực tiễn, gây ảnh hưởng đến mức độ quan tâm và đăng ký học. Trong năm tuyển sinh 2024, trường đã bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên với 15 sinh viên, tạo tiền đề phát triển hơn về ngành Kỹ thuật Y sinh của trường.

Ngoài ra, đối với các ngành chưa đủ số lượng để mở lớp như đã nêu, nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp để nâng cao nhận thức của thí sinh và phụ huynh về tầm quan trọng và cơ hội nghề nghiệp của các ngành học này.

Đồng thời, nhà trường sẽ triển khai chính sách học bổng toàn phần hoặc bán phần dành cho sinh viên theo học; đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy, cập nhật chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho người học. Nhà trường kỳ vọng sẽ tuyển đủ và mở lớp trong năm nay, do đó hiện chưa có kế hoạch đóng các ngành nói trên”.

Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 cho thấy Trường Đại học Nam Cần Thơ có thông tin quyết định mở ngành Kỹ thuật Y sinh từ ngày 13/3/2021. Năm bắt đầu đào tạo và năm gần nhất trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành này là năm 2021.

 Ngành Kỹ thuật Y sinh tại Trường Đại học Nam Cần Thơ được tuyển sinh từ năm 2021, tuy nhiên, đến năm 2024 trường mới bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên. (Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh 2024)

Ngành Kỹ thuật Y sinh tại Trường Đại học Nam Cần Thơ được tuyển sinh từ năm 2021, tuy nhiên, đến năm 2024 trường mới bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên. (Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh 2024)

Chú trọng nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 01) về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải chốt số liệu vào ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Tiêu chí 6.1, Thông tư 01 quy định: Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

Theo Báo cáo thường niên năm 2024 của Trường Đại học Nam Cần Thơ, năm 2024, trường triển khai 115 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp bộ, tỉnh và 114 đề tài cấp cơ sở với tổng kinh phí thực hiện đạt 3,52874 tỷ đồng.

Đồng thời, nhà trường sở hữu 35 bài báo khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận, không nằm trong danh mục Web of Science, Scopus và bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Tổng số bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Scopus và Web of Science tất cả các lĩnh vực là 76 bài, tăng 45 bài so với năm 2023.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2024 chiếm tỷ trọng 0,405% nguồn thu học phí của trường, năm 2023 đạt 0,3%. Số công bố khoa học/giảng viên là 265/1085 và số công bố bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Scopus và Web of Science/giảng viên là 76/1085.

Như vậy, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của Trường Đại học Nam Cần Thơ trong 2 năm gần đây đạt tổng 0,705%.

Một số đề tài nghiên cứu tiêu biểu của Trường Đại học Nam Cần Thơ đã được ứng dụng vào thực tiễn gồm:

1. Nước rửa tay kháng khuẩn DNC: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu thuộc DNC đã nghiên cứu và sản xuất thành công nước rửa tay kháng khuẩn mang thương hiệu DNC. Sản phẩm này đã được Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y Tế công nhận và cấp phép lưu hành trên thị trường.

2. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe DNC NAMCTGU: Sản phẩm này được phát triển nhằm hỗ trợ giảm acid uric máu, hạn chế nguy cơ viêm khớp do gout và giảm nhẹ các cơn đau do gout gây ra. Sản phẩm đã được Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y Tế cấp phép lưu hành và hiện đang được phân phối bởi Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ.

3. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe DNC GAN Đây là sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng gan, bảo vệ và giải độc gan, đặc biệt phù hợp cho những người suy giảm chức năng gan do viêm gan, xơ gan, men gan cao hoặc thường xuyên sử dụng bia rượu. DNC GAN cũng đã được Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y Tế cấp phép và đang được phân phối rộng rãi trên thị trường.

4. Hệ thống Quản lý Công việc DNC: Được phát triển bởi Trung tâm Phát triển và Ứng dụng Phần mềm DNC, hệ thống này giúp tối ưu hóa quy trình quản lý công việc nội bộ, nâng cao hiệu suất làm việc của các phòng ban trong trường.

5. Hệ thống Đăng ký VSTEP DNC: Do Trung tâm Phát triển và Ứng dụng Phần mềm DNC triển khai, hệ thống này hỗ trợ sinh viên trong việc đăng ký và quản lý kỳ thi VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency).

Theo đại diện Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhà trường chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học với mục tiêu tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý và giảng dạy trong nhà trường. Những sản phẩm trên thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

An Vy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-nganh-khong-co-sinh-vien-theo-hoc-truong-dh-nam-can-tho-neu-ly-do-post250457.gd
Zalo