Hội thảo bàn về vấn đề văn hóa tuân thủ pháp luật
Làm thế nào để mọi người cảm thấy pháp luật là một điểm tựa, luôn tin tưởng tự giác chấp hành; cần làm gì để tuân thủ pháp luật trở thành nét văn hóa trong đời sống xã hội… là nội dung được đưa ra phân tích, thảo luận tại Hội thảo 'Bàn về thuật ngữ, nội hàm, tiêu chí đánh giá, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật' do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL&TGPL, Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 14/4 tại TP HCM.

Hội thảo bàn về “văn hóa tuân thủ pháp luật” do Cục PBGDPL&TGPL tổ chức.
Cần thiết xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật
Cụm từ “văn hóa tuân thủ pháp luật” được đề cập trong Thông báo 108-KL/TW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, trong đó yêu cầu “đổi mới công tác PBGDPL và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật”.
Vấn đề văn hóa tuân thủ pháp luật được Tổng Bí thư nêu ra trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; yêu cầu của Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu, bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ là bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm và tiêu chí xây dựng, đo lường văn hóa tuân thủ pháp luật.
Theo Cục PBGDPL&TGPL, thời gian qua hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, dân trí ngày càng được nâng cao, công tác PBGDPL được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân nhận thức còn chưa cao, bản thân hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi vẫn còn một số bất cập. Một số văn bản pháp luật còn chồng chéo, thiếu nhất quán, chưa sát thực tế hoặc khó áp dụng, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận, tuân thủ.
Đồng thời, việc xử lý vi phạm pháp luật ở một số nơi còn chưa nghiêm, thiếu kịp thời hoặc không triệt để, tạo ra cảm giác “nhờn luật”. Một số văn bản pháp luật chưa thực sự phù hợp với đời sống xã hội cũng khiến việc tuân thủ, thực hiện gặp khó khăn trên thực tế. Hành vi vi phạm pháp luật trong một số cán bộ, công chức đã làm suy giảm vai trò nêu gương… Điều này ảnh hưởng đến niềm tin vào pháp luật. Do vậy, việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật là hết sức cần thiết.
Từ đó, Cục PBGDPL&TGPL đưa ra quan điểm, văn hóa tuân thủ pháp luật được hiểu là thói quen, lối sống, giá trị, chuẩn mực, niềm tin và hành vi được hình thành, duy trì và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng, thể hiện thái độ tích cực và ý thức tự giác, chủ động của cá nhân, tổ chức trong thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật; đồng thời không thực hiện những điều mà pháp luật cấm.
Nhiều ý kiến đóng góp
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Cương (Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp) cho rằng, văn hóa tuân thủ pháp luật có thể định nghĩa là thói quen, lối sống được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng. Các cá nhân, tổ chức phải luôn có ý thức, chủ động, tự giác thực hiện đúng và đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, đồng thời kiềm chế không làm những điều mà pháp luật cấm.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tuân thủ pháp luật không đồng nghĩa thụ động tuân thủ. Văn hóa tuân thủ pháp luật trong điều kiện mới, trong kỷ nguyên mới, phải bao hàm cả khía cạnh tích cực tuân thủ pháp luật một cách tích cực, chủ động phát hiện ra những hạn chế, bất cập của quy định pháp luật. Phải chủ động đề xuất, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền việc thay đổi để pháp luật mang lại lợi ích tốt nhất cho sự phát triển chung của xã hội.
TS Cương nhấn mạnh, người dân không nên coi pháp luật là rào cản hay công cụ cưỡng chế thuần túy, mà phải xem đó là phương tiện, chuẩn mực điều chỉnh hành vi công bằng, khách quan. Hành vi tuân thủ pháp luật mang tính tự giác, chủ động, trách nhiệm. Nếu cá nhân là “đơn vị hạt nhân” thì cộng đồng chính là “bộ lọc và khuếch đại” văn hóa tuân thủ pháp luật, nơi các hành vi tuân thủ được khuyến khích, lan tỏa và thể chế hóa.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, cần phải cắt nghĩa được giữa ý thức pháp luật, tuân thủ pháp luật và văn hóa tuân thủ pháp luật. Tuân thủ pháp luật chỉ là một phần của văn hóa tuân thủ pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (Nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp) cho rằng, biểu hiện của văn hóa tuân thủ pháp luật thông qua các yếu tố như: Đặc điểm tâm lý cá nhân (trình độ văn hóa, khí chất, nhu cầu, lợi ích, lòng tự trọng,…), văn hóa truyền thống…

GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh trong bài: Hoàng Quý)
GS.TS Nguyễn Minh Đoan, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhìn nhận văn hóa tuân thủ pháp luật là tình cảm không khoan dung với những hành vi vi phạm pháp luật; có thái độ đúng đối với pháp luật (không sợ hãi, không coi thường pháp luật), không tẩy chay, khích bác, cản trở những người tích cực tham gia các hoạt động pháp luật…
Kết thúc Hội thảo, TS Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL nói, Hội thảo mong muốn được lắng nghe, chia sẻ ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia cũng như những người làm công tác chuyên môn về thuật ngữ “Văn hóa tuân thủ pháp luật”. Hiện nay chưa có một khái niệm cụ thể hay kết luận nào về thuật ngữ này, mà chỉ là mới đưa ra để lấy ý kiến đóng góp. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo nhằm lấy thêm nhiều ý kiến, từ đó đúc kết và đề xuất để cấp có thẩm quyền chính thức có các văn bản về vấn đề văn hóa tuân thủ pháp luật.
Tại Hội thảo, cũng có ý kiến cho rằng, để tuân thủ pháp luật trở thành một nét văn hóa thì cần hội tụ nhiều yếu tố như: Cần xây dựng hệ thống luật pháp hoàn thiện, công khai, minh bạch, sát thực tế, phù hợp với lợi ích của đại đa số người dân, bảo đảm tính công bằng; tuyên truyền, GDPB kiến thức pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân một cách gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ… Đặc biệt, người dân cũng cần nỗ lực để không ngừng học hỏi để nâng cao nhận thức về pháp luật một cách đầy đủ…