Từ 'Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối', nghĩ về trách nhiệm thanh niên hiện nay
Mặt trời chưa bao giờ tắt, chỉ đang chờ chúng ta thắp sáng trở lại.

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đang thu hút rất nhiều sự chú ý.
Ánh sáng trong lòng đất
Có những câu chuyện, những khoảnh khắc không thể chỉ sống trong ký ức. Chúng phải được kể lại, phải vang lên giữa không gian đầy âm thầm của thời đại. Bộ phim "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" chính là một trong những câu chuyện như thế. Không phải chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, đó là một lời nhắc nhở, một tiếng gọi thức tỉnh về lý tưởng, về sức mạnh tinh thần mà chúng ta có thể mang trong mình, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Phim không chỉ là một cái nhìn về cuộc chiến, mà là hành trình đi vào lòng đất, nơi mà bóng tối che phủ, nhưng ánh sáng của lòng kiên cường vẫn không bao giờ tắt.
Năm 1967, khi chiến tranh tại miền Nam Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, xã Bình An Đông (Củ Chi) trở thành một trong những điểm nóng trên chiến trường. Địa đạo Củ Chi không chỉ là công trình quân sự mà còn là biểu tượng của ý chí và tinh thần kiên cường, nơi những chiến sĩ cách mạng bám trụ, bất chấp sự truy lùng gắt gao của quân đội Mỹ.
Trong lòng đất, đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy vẫn kiên cường bám trụ, không chỉ chiến đấu mà còn bảo vệ những bí mật chiến lược có thể xoay chuyển cục diện chiến tranh. Đó là một không gian hoàn toàn khác – nơi bóng tối ngự trị, nơi sự ngột ngạt và thiếu thốn trở thành thử thách, nhưng trong chính đó, ánh sáng của lòng yêu nước, của niềm tin vào tương lai vẫn sáng mãi.
Địa đạo không phải là một không gian đơn thuần chỉ để trú ẩn. Nó là nơi mà từng ngày sống, từng bữa ăn, từng hơi thở đều trở thành một cuộc đấu tranh sinh tồn. Mỗi khoảnh khắc trong lòng đất là một thử thách về thể xác và tinh thần, khi cuộc sống nơi đây không có đủ không khí trong lành, không có ánh sáng, chỉ có bóng tối và sự mệt mỏi.
Nhưng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, sự kiên cường không chỉ được thử thách, mà lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tinh thần chiến đấu không đơn giản là việc đối mặt với kẻ thù, mà là sự chiến đấu với chính bản thân mình – khi sức khỏe cạn kiệt, khi tinh thần đã gần như suy sụp, nhưng một niềm tin lớn lao vẫn cháy trong họ: "Nếu địa đạo còn tồn tại, cách mạng chưa thất bại."
Lý tưởng của những chiến sĩ trong địa đạo không cần phải kêu gọi, không cần phải ra lệnh. Đó là một sự thầm lặng trong hành động, trong quyết tâm bám trụ và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Không có lời hẹn ước, không có những cái ôm dưới ánh trăng. Nhưng trong lòng đất chật hẹp ấy, tình yêu vẫn nảy nở – tình yêu của Ba Hương và Tư Đạp là một minh chứng rõ ràng về điều đó.
Một cái nhìn, một lời thì thầm, một sự an ủi trong giờ phút cận kề cái chết. Tình yêu đó không chỉ là sự động viên tinh thần, mà còn là ngọn lửa nhỏ nhưng ấm áp giúp họ kiên cường bám trụ và chiến đấu. Dù trong bóng tối, họ vẫn tìm thấy được ánh sáng của sự hy sinh, của lòng kiên cường và sự sống.
Chúng ta không cần sống trong bóng tối để thấy được ánh sáng
Chúng ta – những người trẻ hôm nay – sống trong một thời đại khác. Không còn tiếng súng, không còn địa đạo, không còn kẻ thù trước mắt. Nhưng thử thách vẫn còn. Và điều đáng sợ là, trong một xã hội có quá nhiều lựa chọn, con người lại dễ lạc mất chính mình. Ta không thiếu thông tin, không thiếu công cụ, không thiếu cơ hội. Nhưng có lẽ ta đang thiếu một điều – đó là lý tưởng.
Không phải lý tưởng cao xa, hô hào. Mà là một niềm tin giản dị vào điều đúng đắn, vào sự đóng góp, vào giá trị bản thân. Có người hỏi: “Ngày nay, sống vì lý tưởng là điều xa xỉ sao?” Câu trả lời không nằm ở những bài phát biểu, mà ở chính lựa chọn mỗi ngày của chúng ta.
Khi một bạn trẻ dấn thân vào hoạt động cộng đồng, không vì điểm rèn luyện mà vì lòng trắc ẩn. Khi một nhóm sinh viên chọn làm đề tài về môi trường sống của người lao động nhập cư. Khi một bạn kỹ sư khởi nghiệp không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì muốn thay đổi một điều gì đó cho cộng đồng. Đó là lý tưởng. Thứ lý tưởng không cần được rao giảng, mà cần được sống.
Có lần, một cựu chiến binh nói với tôi: “Tụi tui ngày xưa sống dễ lắm. Chỉ cần biết ai là bạn, ai là thù. Giờ tụi nhỏ sống khó hơn, vì kẻ thù giấu mặt.” Quả thật, trong thế giới ngày nay, không có một chiến tuyến rõ ràng. “Kẻ thù” có thể là sự vô cảm, là chủ nghĩa cá nhân cực đoan, là cám dỗ hưởng thụ, là áp lực thành công khiến người ta kiệt sức mà quên mất ước mơ đầu tiên.
Chúng ta có thể có tất cả, nhưng cũng có thể mất đi rất nhanh – nếu không biết mình là ai, đang sống vì điều gì. Đó là lúc những ký ức từ địa đạo trở thành lời nhắc nhở âm thầm: Lý tưởng không chết. Nó chỉ đang ngủ quên, chờ được đánh thức.
Trong cuộc sống hiện đại đầy sự xô bồ và thay đổi nhanh chóng, có thể nhiều người trẻ cảm thấy mất phương hướng, nhưng hãy nhớ rằng, thế hệ cha ông từng sống trong lòng đất mà không gục ngã. Nếu họ có thể đứng vững, chúng ta, những người sống trên mặt đất này, chẳng lẽ không thể đứng vững?
Trong mỗi người trẻ hôm nay, hãy để một phần nào đó của “địa đạo” sống lại: không phải để trốn tránh, mà là để nhớ mình đến từ đâu. Để biết cúi đầu trước lịch sử, và ngẩng đầu trước tương lai.
Những nhân vật trong "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" không chỉ là những người chiến sĩ, mà là hình ảnh tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần, cho khát vọng sống và chiến đấu vì một lý tưởng lớn lao của dân tộc Việt Nam. Họ chiến đấu không chỉ vì đất nước mà còn vì niềm tin vào tương lai, vào một ngày mai sáng tươi hơn. Và đối với chúng ta hôm nay, nếu mỗi người trẻ đều mang trong mình một chút tinh thần đó, một chút ngọn lửa trong bóng tối, thì tương lai sẽ không còn là điều gì quá xa vời.
Chúng ta không cần sống trong bóng tối để thấy được ánh sáng. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng ánh sáng đó không tự nhiên mà có. Mặt trời chưa bao giờ tắt – nó chỉ đang chờ chúng ta thắp sáng trở lại.
Năm 1967, ở chiến trường Bình An Đông, huyện Củ Chi, quân Mỹ lên kế hoạch cho trận càn lớn nhất từ trước đến nay. Mỗi lần Mỹ đổ quân chỉ tìm và diệt xong rút, nhưng lần này máy bay và xe tăng Mỹ bao vây nã bom đạn ngày đêm, dường như quyết tấn công quyết liệt vào địa đạo Củ Chi, chặt đứt đường giao liên của quân đội ta.
Nhận nhiệm vụ bảo vệ cho các chiến sĩ tình báo thực hiện nhiệm vụ truyền tài liệu mật tối quan trọng của Mỹ là 21 người du kích Củ Chi - 21 người nông dân đứng lên cầm súng. Đối đầu với họ là đội quân Mỹ thiện chiến hàng đầu thế giới.
Đó là câu chuyện mà Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối kể lại, nằm trong câu chuyện lớn là cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc để giành hòa bình, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.