Cú hích để phát triển du lịch xanh Thủ đô

Hội nghị thượng đỉnh P4G là một cơ hội tốt để Hà Nội giới thiệu những sáng kiến và mô hình du lịch xanh của mình.

ĐBQH . Bùi Hoài Sơn cho rằng, du lịch xanh đã trở thành một lựa chọn có trách nhiệm, thể hiện nhận thức mới về hài hòa giữa phát triển và gìn giữ môi trường sống. (Nguồn: Quốc hội)

ĐBQH . Bùi Hoài Sơn cho rằng, du lịch xanh đã trở thành một lựa chọn có trách nhiệm, thể hiện nhận thức mới về hài hòa giữa phát triển và gìn giữ môi trường sống. (Nguồn: Quốc hội)

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, Hà Nội mang trong mình chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa phong phú và khát vọng vươn mình mạnh mẽ, vì vậy việc xây dựng một chiến lược truyền thông hiệu quả là chìa khóa để quảng bá văn hóa, du lịch và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách quốc tế.

Cần chiến lược truyền thông hiệu quả

Du lịch xanh không còn là một xu hướng nhất thời, mà đã trở thành một lựa chọn có trách nhiệm, thể hiện nhận thức mới của nhân loại về sự hài hòa giữa phát triển và gìn giữ môi trường sống. Trong bối cảnh đó, Hà Nội với lịch sử nghìn năm, không gian xanh đan xen trong lòng đô thị, cùng những vùng ven mang đậm hồn quê Việt Nam đang nắm trong tay tiềm năng to lớn để phát triển du lịch xanh, qua đó quảng bá một hình ảnh Thủ đô xanh, thân thiện và đầy sức sống trong mắt bạn bè quốc tế.

Hà Nội có những lợi thế tự nhiên và văn hóa rất đặc biệt để xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Chỉ cần bước ra khỏi trung tâm thành phố một chút, chúng ta đã có thể chạm vào những làng nghề truyền thống, cánh đồng ven sông Hồng, khu nông nghiệp sinh thái ở Sóc Sơn, Ba Vì, hay khu bảo tồn thiên nhiên như khu danh thắng Hương Sơn, Vườn quốc gia Ba Vì. Đây không chỉ là tài nguyên du lịch, mà còn là không gian sống văn hóa, nơi thiên nhiên, con người và văn hóa cộng đồng gắn bó mật thiết với nhau.

Bên cạnh đó, chính nội đô Hà Nội cũng ẩn chứa những “lá phổi xanh” quý giá, từ hồ Tây, công viên Thống Nhất, công viên Yên Sở đến hệ thống cây xanh rợp bóng trên những con phố cổ kính. Việc thiết kế các tour du lịch đi bộ, đạp xe khám phá di sản, tour ẩm thực xanh, hay hoạt động trải nghiệm văn hóa ở không gian mở sẽ là những hướng đi rất phù hợp với tinh thần của du lịch xanh, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, vừa giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn về nhịp sống và chiều sâu văn hóa của Hà Nội.

Hội nghị thượng đỉnh P4G với chủ đề về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một cơ hội không thể tốt hơn để Hà Nội giới thiệu những sáng kiến và mô hình du lịch xanh của mình. Thay vì chỉ giới thiệu những điểm đến thông thường, chúng ta có thể tổ chức các hoạt động thực địa tại những mô hình nông nghiệp sạch, làng nghề sinh thái, không gian sáng tạo kết hợp yếu tố môi trường... Điều quan trọng là du khách không chỉ đến để xem, mà còn được trải nghiệm, tham gia, từ đó, mang về một hình ảnh Hà Nội gần gũi, tử tế, biết gìn giữ những giá trị chung của nhân loại.

Để tiềm năng đó trở thành hiện thực, Hà Nội cần có chiến lược rõ ràng, gắn kết các ngành văn hóa – du lịch – môi trường – giao thông – nông nghiệp trong một tư duy phát triển bền vững chung. Đặc biệt, cần đầu tư cho giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, từ người dân địa phương đến doanh nghiệp và du khách.

Nếu làm được điều đó, Hà Nội không chỉ đi đúng hướng của xu thế phát triển toàn cầu, mà còn khẳng định được bản sắc riêng: một thành phố xanh trong tâm hồn, xanh trong hành động, xanh trong cách đối xử với thiên nhiên, văn hóa và con người. Đó chính là giá trị cốt lõi để Hà Nội trở thành điểm đến bền vững, đáng sống và đáng nhớ trong lòng thế giới.

Trong thời đại mà hình ảnh và thông điệp có thể lan tỏa khắp thế giới chỉ trong tích tắc, truyền thông không còn là một công cụ phụ trợ, mà đã trở thành mũi nhọn chiến lược để các thành phố khẳng định vị thế, lan tỏa giá trị và chạm đến trái tim của công chúng toàn cầu. Với Hà Nội – một Thủ đô mang trong mình chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa phong phú và khát vọng vươn mình mạnh mẽ, việc xây dựng một chiến lược truyền thông hiệu quả là chìa khóa để quảng bá văn hóa, du lịch và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách quốc tế.

Theo ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Hà Nội cần tận dụng thời điểm “vàng” như Hội nghị thượng đỉnh P4G để truyền thông có trọng điểm, đồng bộ và sáng tạo. (Ảnh: Thành Long)

Theo ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Hà Nội cần tận dụng thời điểm “vàng” như Hội nghị thượng đỉnh P4G để truyền thông có trọng điểm, đồng bộ và sáng tạo. (Ảnh: Thành Long)

Định vị Hà Nội như một điểm đến “văn hóa sống”

Chiến lược truyền thông của Hà Nội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, đa kênh, đa cảm xúc, với ba định hướng cốt lõi: Thứ nhất, phải kể được câu chuyện của Hà Nội một cách hấp dẫn và chân thực. Mỗi góc phố, mỗi món ăn, mỗi người dân đều có thể trở thành nhân vật trong một câu chuyện văn hóa đầy sức lay động. Đó có thể là câu chuyện về một nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc giữ nghề qua bao thế hệ, một bác xích lô già kể chuyện phố cổ, hay hình ảnh người trẻ Hà Nội đang sáng tạo nghệ thuật trong không gian cũ… Những câu chuyện ấy, nếu được kể bằng ngôn ngữ hiện đại – video ngắn, podcast, ảnh động, mạng xã hội sẽ dễ dàng chạm tới trái tim của du khách, đặc biệt là giới trẻ toàn cầu đang tìm kiếm trải nghiệm “thật” và “gần”.

Thứ hai, cần định vị Hà Nội như một điểm đến “văn hóa sống”, nơi du khách không chỉ đến để xem, mà để sống cùng, hòa vào và cảm nhận. Truyền thông phải làm nổi bật được tính trải nghiệm trong du lịch văn hóa: từ những tour đạp xe quanh hồ Tây vào buổi sớm, đến lớp học làm tranh dân gian, trải nghiệm nấu ăn truyền thống, hay đêm nghệ thuật đương đại trong lòng phố cổ. Khi hình ảnh Hà Nội được truyền tải qua chính cảm xúc và trải nghiệm thật của du khách – đặc biệt là các KOLs, travel bloggers, người nổi tiếng quốc tế, sức lan tỏa sẽ vô cùng mạnh mẽ và tự nhiên.

Thứ ba, phải biết tận dụng thời điểm “vàng” như Hội nghị thượng đỉnh P4G để truyền thông có trọng điểm, đồng bộ và sáng tạo. Đây là dịp để Hà Nội không chỉ hiện diện trên các kênh truyền thông chính thống, mà còn tạo ra các chiến dịch truyền thông số, truyền thông tương tác với chủ đề xuyên suốt: Hà Nội – Thành phố sáng tạo, xanh và bản sắc. Những hoạt động truyền thông này không nên chỉ dừng lại ở “giới thiệu”, mà cần mang tính “kết nối và đối thoại” cho phép người dân Hà Nội, du khách quốc tế và cộng đồng mạng cùng tham gia, chia sẻ, đồng sáng tạo nội dung về thành phố.

Nếu xây dựng được một chiến lược truyền thông vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa đầy cảm xúc và tính tương tác, Hà Nội sẽ không chỉ “được biết đến” mà còn “được yêu mến” trên bản đồ du lịch văn hóa thế giới. Quan trọng hơn, đó sẽ là cách để mỗi người dân Thủ đô từ nghệ nhân đến người trẻ, từ doanh nghiệp đến người làm truyền thông, cùng nhau viết tiếp câu chuyện văn hóa Hà Nội bằng niềm tự hào và khát vọng lan tỏa giá trị Việt ra toàn cầu.

Ngành du lịch Thủ đô đang đứng trước cơ hội phát triển mới. (Nguồn: Baodautu)

Ngành du lịch Thủ đô đang đứng trước cơ hội phát triển mới. (Nguồn: Baodautu)

Cơ hội dù quý giá đến đâu cũng chỉ thực sự trở thành giá trị khi được chuyển hóa bằng tầm nhìn, kế hoạch cụ thể và hành động kiên trì. Với Hà Nội, việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G không chỉ là một điểm sáng trong đối ngoại, mà còn là một cú hích quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch và văn hóa phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp và có chiều sâu, từ đó từng bước nâng cao vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.

Để làm được điều đó, Hà Nội cần triển khai đồng bộ một số kế hoạch và hành động chiến lược, tập trung vào năm trụ cột sau: Đầu tiên, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển du lịch, văn hóa dài hạn, gắn chặt với tầm nhìn Thủ đô sáng tạo và xanh.

Văn hóa không chỉ là nội dung để khai thác, mà phải là linh hồn dẫn đường cho mọi hoạt động du lịch. Do đó, các sản phẩm du lịch của Hà Nội cần được phát triển trên nền tảng văn hóa bản địa từ ẩm thực, làng nghề, nghệ thuật truyền thống cho đến lối sống đô thị. Những tuyến du lịch theo chủ đề như “Hà Nội – Thành phố sáng tạo”, “Hà Nội – Vẻ đẹp di sản sống” hay “Hà Nội – Kết nối làng nghề” cần được thiết kế bài bản, hấp dẫn và hướng đến du lịch có trách nhiệm.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch và hệ sinh thái dịch vụ đi kèm, đảm bảo chất lượng và trải nghiệm đồng bộ. Hà Nội cần quan tâm hơn đến việc cải thiện giao thông kết nối, nâng cấp hệ thống thông tin du lịch thông minh, phát triển các trung tâm thông tin văn hóa, du lịch tại các điểm đến trọng điểm. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành dịch vụ, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, nghệ nhân, nhân viên ngành du lịch là yếu tố then chốt để nâng tầm trải nghiệm của du khách.

Bên cạnh đó, thúc đẩy mô hình kết hợp công – tư trong phát triển sản phẩm du lịch mới và bảo tồn di sản. Chính quyền có vai trò kiến tạo chính sách, trong khi cộng đồng doanh nghiệp và người dân chính là chủ thể sáng tạo và vận hành. Hà Nội nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch văn hóa, làng nghề, không gian sáng tạo; tạo cơ chế để người dân tham gia bảo tồn khai thác di sản một cách hài hòa, bền vững.

Ngoài ra, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, không chỉ ở cấp chính phủ mà cả ở cấp thành phố, tổ chức và cộng đồng sáng tạo. Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò là Thành phố sáng tạo của UNESCO bằng việc tổ chức các sự kiện quốc tế, các liên hoan, tuần lễ văn hóa, chương trình giao lưu nghệ thuật đa quốc gia. Những hoạt động này sẽ vừa giúp tăng cường đối thoại văn hóa, vừa tạo ra sân chơi toàn cầu để Hà Nội khẳng định vị thế một trung tâm văn hóa quốc tế.

Cuối cùng, chúng ta cần chú trọng truyền thông chiến lược và xây dựng thương hiệu du lịch, văn hóa Hà Nội một cách nhất quán, sáng tạo, có cảm xúc. Hà Nội cần kể câu chuyện của mình bằng chính trải nghiệm của du khách, bằng hình ảnh người dân thân thiện, môi trường trong lành, giá trị di sản được tôn vinh và lối sống đậm đà bản sắc. Một thương hiệu Hà Nội vừa sâu lắng vừa hiện đại, vừa cổ kính vừa sáng tạo, sẽ là cầu nối đưa Thủ đô đến gần hơn với thế giới.

Tôi tin rằng, nếu biến cơ hội thành hành động cụ thể, khi văn hóa trở thành nguồn lực và mục tiêu phát triển, Hà Nội không chỉ thu hút được du khách, mà còn khơi dậy được niềm tự hào trong mỗi người dân Thủ đô. Chính điều đó sẽ tạo nên một Hà Nội mạnh mẽ, bền vững và đầy cảm hứng không chỉ là điểm đến, mà là một tầm vóc văn hóa trên bản đồ thế giới.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cu-hich-de-phat-trien-du-lich-xanh-thu-do-311169.html
Zalo