Phát huy giá trị di sản văn hóa
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa (DSVH). Tinh thần xuyên suốt của Bộ Quy tắc là nâng cao trách nhiệm đạo đức, chuyên môn và ý thức nghề nghiệp của những người đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực DSVH, đồng thời lan tỏa nhận thức xã hội về giá trị và tầm quan trọng của di sản với sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ Quy tắc nhấn mạnh người làm công tác DSVH không được lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi cá nhân; phải có ý thức đấu tranh với hành vi sai trái, tiêu cực; chống lại việc buôn bán trái phép DSVH hoặc các hành động phi đạo đức trong lĩnh vực DSVH...
Việc ban hành Bộ Quy tắc là một bước đi kịp thời và cần thiết trong bối cảnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang đứng trước nhiều thách thức, khi không ít di sản đã và đang bị xâm hại, biến dạng, thậm chí là mai một ngay trước mắt chúng ta.
Mỗi di sản, dù là vật thể hay phi vật thể, đều ẩn chứa những giá trị nhân văn, tinh thần, lịch sử và nghệ thuật mà nhiều thế hệ cha ông đã gìn giữ, sáng tạo và truyền lại. Đó là những đình làng, chùa cổ, nhã nhạc cung đình, ca trù, áo dài truyền thống, nghề thủ công, nghi lễ dân gian… Di sản sống trong đời sống cộng đồng, trong nếp ăn, nếp ở, trong tập quán và ứng xử văn hóa của mỗi người. Khi một di sản bị mai một hay bị ứng xử sai lệch, là mất mát vô cùng lớn với xã hội, với đất nước.
Thực tế cho thấy, nhiều di sản, cả vật thể và phi vật thể, đã bị tổn thương bởi chính sự thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn mực trong ứng xử: Đã xảy ra một số vụ xâm hại di tích để phục vụ mục đích thương mại; một số lễ hội bị thương mại hóa quá mức; một số hiện vật quý bị thất lạc hoặc bị làm giả; một số DSVH phi vật thể bị trình diễn méo mó, không đúng bản chất… Vì vậy, người làm công tác di sản hoặc quản lý văn hóa cần phải thật sự phát huy tốt vai trò giám sát, định hướng và bảo vệ những giá trị ấy.
Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử không chỉ nhằm chấn chỉnh hoạt động nghề nghiệp, mà còn là lời nhắc nhở và cam kết mạnh mẽ về việc những giá trị văn hóa phải được gìn giữ bằng lương tâm, trách nhiệm và sự tôn trọng từ mỗi cá nhân.
Việc giữ gìn phát huy giá trị di sản giúp mỗi người sống sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về cội nguồn và hình thành nhân cách văn hóa. Với cộng đồng, di sản là sợi dây vô hình kết nối, là nền tảng của sự đoàn kết và tự hào dân tộc. Trên bình diện quốc gia, di sản là “tấm hộ chiếu” giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế, là nguồn lực phát triển du lịch bền vững.
Ở một góc nhìn khác, Bộ Quy tắc không chỉ dành riêng cho người làm công tác chuyên môn, mà còn cho tất cả chúng ta. Bằng cách xây dựng những chuẩn mực rõ ràng, mang tính giáo dục và định hướng xã hội, Bộ Quy tắc này góp phần nâng cao ý thức chung của cộng đồng trong việc gìn giữ di sản. Bởi di sản không chỉ là tài sản của ngành Văn hóa, mà là của toàn dân tộc, toàn xã hội và mỗi người đều có vai trò trong việc bảo vệ, phát huy và truyền lại cho thế hệ sau.