Từ chiến trường đến đời thường

Chiến tranh đã lùi xa vừa tròn 50 năm, những thương binh, cựu chiến binh năm xưa trở về với cuộc sống đời thường vẫn phát huy khí phách 'anh bộ đội Cụ Hồ' trong thời bình. Tháng 4 này, chúng tôi đã gặp những anh hùng của một thời hoa lửa, đến hôm nay vẫn sống trọn vẹn tình nghĩa với đồng đội, đồng chí của mình. Họ còn mang nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm về những thiệt thòi của những người đồng đội năm xưa.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Anh hùng LLVTND, Đại tá Tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, Cụm trưởng Cụm tình báo H63) trong ngày hội ngộ tháng tư lịch sử. Ảnh: Hồng Phúc

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Anh hùng LLVTND, Đại tá Tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, Cụm trưởng Cụm tình báo H63) trong ngày hội ngộ tháng tư lịch sử. Ảnh: Hồng Phúc

50 năm vẹn nguyên “ngọn lửa” thanh niên

Gặp lại Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thôn (SN 1949, bí danh Hai Thôn) hiện đang nghỉ hưu, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi được ông chia sẻ cảm xúc bồi hồi khi vừa có dịp gặp lại đồng đội, đồng chí ở Đoàn Thanh niên các Cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Ông Hai Thôn tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi làm giao liên. Ông nói: “Mới đó thôi, đất nước thống nhất đã 50 năm, tôi mừng vì gặp lại anh Nguyễn Hữu Châu (con trai trưởng cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ), anh Nguyễn Minh Triết (nguyên Chủ tịch nước) và nhiều đồng chí, đồng đội ở các cơ quan Trung ương Cục miền Nam của những ngày tháng 4 lịch sử”.

“15 năm hiến dâng tuổi thanh xuân ở chiến trường Bắc Tây Ninh và 50 năm trách nhiệm, nghĩa tình, Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam mãi mãi là những tấm gương ngời sáng tinh thần yêu nước, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”

(Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết)

Cũng theo anh hùng Nguyễn Văn Thôn, ngày ấy ông là chiến sĩ tình báo, binh vận ở sân bay Biên Hòa. Kỷ niệm mãi không quên là ông nhận được lệnh tổ chức đánh phá kho vũ khí và máy bay địch trong sân bay Biên Hòa. Vụ nổ gây chấn động đến cả chính trường ở nước Mỹ. Sau đó, đồng đội trong đơn vị bị bắt, kẻ thù cũng lần ra cả ông và đưa về trại giam Chí Hòa, đày ra Côn Đảo…Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, Anh hùng Hai Thôn tiếp tục sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh Phường 14, quận Tân Bình và trở thành tấm gương mẫu mực của “người lính Cụ Hồ” trong giáo dục truyền thống, nêu gương sáng cho con cháu và người dân địa phương.

Những năm gần đây, khi ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hai Thôn vẫn tự học, chịu khó nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong sinh hoạt và tham gia tích cực các hoạt động của Hội cựu chiến binh và phong trào do địa phương phát động.

Là đồng đội, đồng chí, hiện còn sát cánh cùng nhau trong CLB Truyền thống kháng chiến Đoàn Thanh niên các Cơ quan Trung ương Cục miền Nam, ông Nguyễn Hữu Châu - Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB rất xúc động khi chia sẻ với chúng tôi về nhiệt huyết tuổi trẻ, cùng những năm tháng hàng ngàn đoàn viên, thanh niên miền Nam sinh hoạt tại Chiến khu R.

Đối với ông Châu, không thể ngờ rằng ở tuổi U60, U70, thậm chí U90, gần 400 đồng chí, đồng đội của ông từ khắp cả nước đã có một sự hội ngộ trọng đại về Thành phố mang tên Bác đúng vào dịp 50 năm thống nhất non sông. Hơn thế nữa, đây còn là dịp để đồng đội gặp nhau, nhớ lại một thời hào hùng của một thế hệ đã cống hiến cả thanh xuân (có người mới 13, 14 tuổi đã lên chiến khu), dấn thân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hi sinh để đổi lấy độc lập tự do.

“Trong suốt những năm ở Chiến khu R đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên đã làm việc, chiến đấu hết mình, với khẩu hiệu hành động "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" và "Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" - ông Châu bồi hồi nhớ lại.

Trong những năm 1966-1967, để đáp ứng tình hình mới, ngày 26/3/1966, Đoàn ủy Đoàn Thanh niên các cơ quan Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Trong Ban Thường trực lúc đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Chia sẻ với chúng tôi, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rất xúc động, ông mừng vui không chỉ được gặp lại các đồng chí của mình, trong đó có Anh hùng LLVTND, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) mà còn muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến những thế hệ đi trước, những tấm gương trực tiếp lãnh đạo đoàn thanh niên thời ấy, những cha anh, lớp anh hùng đi trước đã hy sinh thầm lặng nhưng to lớn để dìu dắt, đào tạo lớp trẻ trưởng thành trong lửa đạn.

Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong mỏi, những thế hệ đoàn viên, thanh niên của chiến khu R năm xưa, cho đến hôm nay vẫn tiếp tục là niềm tự hào, là tấm gương sáng để lớp trẻ noi theo. Đó là những năm tháng tuổi trẻ mà ông và đồng đội, đồng chí rất tự hào. “15 năm hiến dâng tuổi thanh xuân ở chiến trường Bắc Tây Ninh và 50 năm trách nhiệm, nghĩa tình, Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam mãi mãi là những tấm gương ngời sáng tinh thần yêu nước, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” - nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhắn nhủ. Ông mong mỏi thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống, phát huy sức trẻ, tinh thần của thanh niên để gìn giữ thành quả của cách mạng, nhất là ra sức tri ân, nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng...

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh và các đồng đội luôn đau đáu công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đó là sự tri ân cho các liệt sĩ đã hi sinh.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh và các đồng đội luôn đau đáu công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đó là sự tri ân cho các liệt sĩ đã hi sinh.

Nghĩa tình với đồng chí, đồng đội

Những ngày tháng tư lịch sử, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh tổ chức về nguồn tại chiến trường Bù Gia Mập năm xưa, tại tỉnh Bình Phước. Đại tá Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội cho biết, chuyến về nguồn gồm nhiều cựu chiến binh, trong đó có các đồng chí từng tham gia chiến đấu trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến như: Trung tướng Lưu Phước Lượng - nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng Bộ Quốc phòng; Trung tướng, Anh hùng LLVTND Lê Thái Bê - nguyên Chính ủy Trường Sỹ quan Lục Quân 2 ...

Cá nhân tôi không đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, mà tôi đau đáu một nỗi niềm khi nhìn hoàn cảnh đồng chí, đồng đội của mình kể từ khi phục viên vẫn đang phải bươn chải cuộc sống khó khăn ở cái tuổi đã gần đất xa trời. Nhìn cảnh ấy, bất cứ ai cũng không thể cầm được lòng.

(Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh)

Đối với những người lính Cụ Hồ, việc trở về thăm lại chiến trường xưa sau 50 năm giải phóng mang một ý nghĩa đặc biệt, hơn nữa còn là dịp để đoàn về nguồn tri ân với nhân dân đã từng dùm bọc, cưu mang bộ đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. “Chúng tôi đã đến thăm, tặng quà 21 thương, bệnh binh, người có công với cách mạng và trao nhiều phần tri ân cho người dân xã Đắk Ơ.

Nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu cũng đã được đoàn về nguồn gửi tặng cho cán bộ, chiến sĩ của 5 đồn biên phòng: Đắk Bô, Đắk Nô, Đắk Ka, Bù Gia Mập và Đắk Ơ. Những người lính quý trọng nhất là đồng chí, đồng đội của mình. Thăm lại chiến trường xưa, là dịp chúng tôi ôn lại những kỷ niệm oanh liệt, hào hùng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây cũng là dịp để mỗi người lính thể hiện tình cảm, sự tri ân của đoàn với thương binh, bệnh binh và bà con nhân dân có công với cách mạng đang sinh sống trên mảnh đất hoa lửa một thời” - Đại tá Trần Thế Tuyển xúc động cho biết.

Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cựu chiến binh Nguyễn Đức Trịnh (SN 1958, thương binh hạng 1) đã tham gia cách mạng ngay khi còn rất trẻ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trịnh trở về sống cùng gia đình ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, nhưng vẫn không nguôi nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Bởi vì, đối với ông, việc may mắn trở về với gia đình sau chiến tranh là một may mắn lớn lao so với những người lính đã hi sinh xương máu ở chiến trường. Vì vậy, ông tâm sự mong muốn dành thời gian công sức tuổi già còn lại để đền ơn đáp nghĩa, tri ân đối với đồng đội còn sống và cả những thân nhân của những đồng đội đã hi sinh".

“Mấy ngày vừa rồi, tôi với các đồng chí Phạm Hào, Nguyễn Xuân Minh, Lương Đức Nhị, và một số đồng chí nữa đang nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, hỗ trợ giúp cho các đồng đội hiện nay còn vướng mắc trong giải quyết hồ sơ người có công”. Nói đoạn, giọt nước mắt người cựu chiến binh lăn dài: “Thương lắm đồng chí, đồng đội của mình, ở chiến trường trở về giấy tờ thất lạc, hồ sơ còn chờ rà soát. Không ít đồng chí của tôi đến nay có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, một số đã già yếu, nhưng còn phải đợi hỗ trợ chính sách”.

Đại tá Trần Thế Tuyển (thứ 8, từ trái qua phải) cùng các đồng chí, đồng đội thăm lại chiến trường xưa, chụp ảnh lưu niệm tại Đồn Biên phòng Đắc Nô, tỉnh Bình Phước vào tháng 4/2025. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại tá Trần Thế Tuyển (thứ 8, từ trái qua phải) cùng các đồng chí, đồng đội thăm lại chiến trường xưa, chụp ảnh lưu niệm tại Đồn Biên phòng Đắc Nô, tỉnh Bình Phước vào tháng 4/2025. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong suốt những năm ở Chiến khu R đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên đã làm việc, chiến đấu hết mình, với khẩu hiệu: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" và "Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

(Ông Nguyễn Hữu Châu)

Là người tích cực đồng hành cùng ông Trịnh trong công tác hỗ trợ đồng đội trong những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh (hiện sinh hoạt tại Đảng bộ Phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cá nhân tôi không đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, mà tôi đau đáu một nỗi niềm khi nhìn hoàn cảnh đồng chí, đồng đội của mình kể từ khi phục viên vẫn đang phải bươn chải cuộc sống khó khăn ở cái tuổi đã gần đất xa trời. Nhìn cảnh ấy, bất cứ ai cũng không thể cầm được lòng.”. Ông Minh và ông Trịnh cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước, Quân đội ta rất quan tâm tới chính sách cho người có công, trong đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2017/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng”. Những người cựu chiến binh chỉ mong muốn, các địa phương quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh các khâu rà soát, giải quyết hồ sơ người có công cho nhiều đồng chí, đồng đội của mình đang còn vướng mắc chế độ.

Chia sẻ với chúng tôi, cựu chiến binh Phạm Hào (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) kể, từ khi rời quân ngũ đã gần như dành trọn gần 20 năm để tìm kiếm, kết nối, vận động hỗ trợ cho những đồng chí, đồng đội. Ông Hào không giấu được xúc động, tâm sự: “Bao nhiêu năm đã qua, người mất người còn, có những người lính trở lại thời bình với hai bàn tay trắng, không còn người thân thích phải sống bằng nghề xe ôm, đạp xích lô, xe ba gác. Nhìn những hoàn cảnh ấy, chúng tôi không cầm được nước mắt”. Cũng như những cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Đức Trịnh, ông Phạm Hào cho biết, khi còn sức, còn minh mẫn ngày nào những người cựu chiến binh sẽ luôn hướng về đồng đội và thân nhân của họ. Đây là tấm lòng của những người lính Cụ Hồ trở về giữa đời thường, tiếp tục phát huy nghĩa tình đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ đồng chí, đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ, con em các gia đình người có công.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-chien-truong-den-doi-thuong-10304671.html
Zalo