Từ câu chuyện DeepSeek, Việt Nam nên học Trung Quốc điều gì về phát triển AI?

Cách tiếp cận của DeepSeek theo kiểu 'con nhà nghèo', giải quyết vấn đề với nguồn vốn nhỏ. Đó có thể là một nguồn cảm hứng để Việt Nam làm điều gì đó tương tự.

Sự ra đời của DeepSeek đã tạo ra một cơn địa chấn lớn, không chỉ với thị trường trí tuệ nhân tạo (AI), mà còn tác động mạnh đến giới công nghệ toàn cầu. Chỉ trong vòng 20 ngày đầu ra mắt, DeepSeek đã thu hút hơn 20 triệu người dùng, lập kỷ lục về tốc độ phát triển.

“Cơn bão” DeepSeek đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn: Trung Quốc đã làm gì để có thể rút ngắn khoảng cách về AI với Mỹ nhanh đến vậy? Và quan trọng hơn, Việt Nam có thể học hỏi gì từ chiến lược này?

DeepSeek là thành quả kế hoạch nhiều năm của Trung Quốc

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, trước khi DeepSeek xuất hiện, nhiều nhận định cho rằng, Trung Quốc đã bị Mỹ bỏ xa trong lĩnh vực AI, đặc biệt là sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Báo cáo AI Index năm 2023 từng đánh giá, Trung Quốc đã tụt lại khoảng 3-5 năm so với Mỹ trong cuộc đua Generative AI (AI tạo sinh).

Tuy nhiên, với sự ra đời của DeepSeek, “bức tranh” này đã thay đổi. Chỉ trong vòng 1 năm, Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn cho thấy khả năng tăng tốc đáng kinh ngạc trong lĩnh vực AI tạo sinh.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, thành công này không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà là minh chứng cho một chiến lược quốc gia bài bản, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và giới nghiên cứu.

Cơn "địa chấn" DeepSeek là một trong những sự kiện có tác động lớn tới giới công nghệ toàn cầu đầu năm 2025. Ảnh: Shutterstock

Cơn "địa chấn" DeepSeek là một trong những sự kiện có tác động lớn tới giới công nghệ toàn cầu đầu năm 2025. Ảnh: Shutterstock

Trên thực tế, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành siêu cường AI vào năm 2035, với tổng giá trị nền kinh tế AI nội địa ước tính đạt 300 tỷ USD. Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI tại Trung Quốc đạt 62%, cao gấp đôi so với Mỹ. Điều này cho thấy, Trung Quốc không chỉ tập trung vào nghiên cứu mà còn thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai AI vào thực tiễn.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, DeepSeek là thành quả không chỉ của chiến lược AI đơn thuần mà phải nằm trong một chiến lược tổng thể về khoa học công nghệ của Trung Quốc.

Chia sẻ góc nhìn cá nhân, PGS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu cách làm khoa học công nghệ của người Trung Quốc, ông không cảm thấy bất ngờ với sự ra đời của DeepSeek. “Mọi người bất ngờ nhưng đối với tôi thì không. Khi ChatGPT ra đời cách đây 2 năm, tôi chờ đợi Trung Quốc sẽ ra một cái gì đó đặc biệt, khác ChatGPT”.

Bình luận về DeepSeek, theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt, Trung Quốc chọn thời điểm rất tốt cho sự ra đời của công cụ AI này. “Không phải tình cờ mà khi tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đắc cử, Trung Quốc đẩy DeepSeek ra ngay trước khi chính quyền Trump công bố dự án Stargate vài tiếng. DeepSeek được tung ra ở thời điểm rất phù hợp, để đánh vào thị trường chứng khoán Mỹ”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Ái Việt dự đoán, Trung Quốc có thể còn nhiều “quân bài” khác chưa lộ diện, nhưng điều chắc chắn là nước này có một lộ trình phát triển khoa học công nghệ rất rõ ràng và được thực hiện một cách kiên trì.

Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài cũng cho rằng, Trung Quốc đã rất thành công trong việc chọn thời điểm ra đời của DeepSeek. “Các công ty Mỹ đang thổi lên câu chuyện về mô hình ngôn ngữ lớn một cách thái quá. DeepSeek xuất hiện giống như một cái tát kịp thời. Điều này cho thấy họ phải có chiến lược, không phải chiến lược của một doanh nghiệp mà đây phải là chến lược của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Mỹ”, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam nhận định.

Việt Nam học gì từ Trung Quốc về phát triển AI?

Theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt: “Nếu chỉ nhìn tham vọng AI ở câu chuyện DeepSeek, chúng ta chưa thấy được chiều sâu suy nghĩ của người Trung Quốc. Đó là thể toàn diện, thống nhất với nhau”.

Lý giải kỹ hơn, PGS.TS Nguyễn Ái Việt cho hay, khoa học là một hệ sinh thái mà các thành phần liên hệ với nhau. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ của Trung Quốc nằm trong một hệ sinh thái liên kết với nhau chặt chẽ, không thể xê dịch, nhờ vậy mới có thể đi đến thắng lợi.

Trên thực tế, "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2050", do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố từ năm 2009 đã vạch ra hướng đi chi tiết, huy động sự tham gia góp sức của 3.000 nhà khoa học. Sau một thời gian thực hiện, chương trình này được đánh giá thành công, vượt chỉ tiêu đề ra ở nhiều mặt.

DeepSeek là thành quả từ chiến lược khoa học công nghệ lâu dài của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

DeepSeek là thành quả từ chiến lược khoa học công nghệ lâu dài của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài cho hay, câu chuyện thành công của DeepSeek chỉ là kết quả mà chúng ta có thể nhìn thấy ở một vấn đề lớn hơn. Để có được một sản phẩm như DeepSeek, cần đến cả một hệ thống hỗ trợ, từ doanh nghiệp, hệ thống khoa học, cho đến câu chuyện mang tầm vóc quốc gia, trong đó có vai trò không thể thiếu của nhà nước.

Theo Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, cách tiếp cận của DeepSeek theo kiểu “con nhà nghèo”, giải quyết vấn đề với nguồn vốn nhỏ. Đó có thể là một nguồn cảm hứng để Việt Nam làm điều gì đó tương tự.

Đóng góp thêm góc nhìn, GS Trần Thanh Long (đại học Warwick, UK) cho hay, DeepSsek cho thấy rõ chiến lược của Trung Quốc.

Nếu nhìn từ khía cạnh công nghệ, đó là thành công của sự sáng tạo khi vài năm trở lại đây nước này bị cấm nhập khẩu thiết bị phần cứng cao cấp để phát triển AI. Do vậy, khi làm DeepSeek, họ bắt buộc phải dùng mô hình nhỏ hơn, với thuật toán thông minh hơn, nhờ vậy mới đánh bại được ChatGPT và Open AI.

Trước khi DeepSeek ra đời, thế giới nghĩ rằng phải đầu tư thật nhiều tiền vào máy móc, vào các trung tâm AI, dữ liệu. Xu hướng đó không hẳn sẽ thành công, hướng đi như DeepSeek mới có cơ hội lâu dài, với việc sử dụng thuật toán nhỏ hơn, mô hình nhỏ hơn, nhưng khéo hơn”, GS Trần Thanh Long chia sẻ.

Sự thành công của DeepSeek còn ở việc chứng minh cho thế giới thấy khả năng của mã nguồn mở. Điều này giúp mở ra cơ hội sử dụng và sáng tạo AI cho tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo. Mới đây, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển dổi số cũng đã được ban hành, như một làn gió mới, thổi bùng khát vọng vươn mình bằng việc phát triển khoa học, công nghệ.

Nghị quyết 57 cũng nêu rõ tầm quan trọng và một số mục tiêu cụ thể cho việc phát triển AI tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi từng ngày, cuộc cạnh tranh AI toàn cầu (giữa Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và phần còn lại) qua câu truyện DeepSeek đặt ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm về việc Việt Nam cần phải làm gì, để không bỏ lỡ thời cuộc và có chỗ đứng trên bản đồ công nghệ thế giới.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-cau-chuyen-deepseek-viet-nam-nen-hoc-trung-quoc-dieu-gi-ve-phat-trien-ai-2371711.html
Zalo