Rosatom giới thiệu công nghệ tương lai tiềm năng cho hợp tác với Việt Nam
Trong 2 ngày 20-21/2 tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga đã diễn ra Diễn đàn Công nghệ Tương lai Moskva năm 2025 với các gian trưng bày cũng như các phiên thảo luận của Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom thu hút được sự chú ý lớn.

Gian trưng bày của Tập đoàn Rosatom.
Phóng viên TTXVN tại LB Nga đã có cuộc phỏng vấn với bà Ekaterina Soltseva, Giám đốc về Công nghệ lượng tử, được xem là “bộ não” trong các dự án hợp tác quốc tế của Rosatom, về “công nghệ của tương lai” này và triển vọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tiên tiến này.
Bà Soltseva cho biết, công nghệ lượng tử hay cụ thể hơn là điện toán lượng tử cho phép tăng gấp nhiều lần quá trình tối ưu hóa trong bất kỳ lĩnh vực nào. Trong công nghiệp điện thì vấn đề tối ưu hóa luôn được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt.
Điện toán lượng tử được sử dụng rất rộng rãi, trong rất nhiều lĩnh vực, không chỉ điện nguyên tử, mà còn trong chế tạo thuốc, chế tạo vaccine, tạo ra những vật liệu mới cho những sản phẩm công nghiệp mới, nhằm một mục tiêu là giúp con người sống khỏe hơn, sống thọ hơn, cuộc sống nói chung trở nên tiện nghi và dễ dàng hơn.
Hiện nay tại Rosatom đang phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ lượng tử trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Lĩnh vực này còn mới mẻ và chưa có một xếp hạng cụ thể nào đối với các nước. Trên thế giới hiện nay chỉ có ba quốc gia có máy tính lượng tử hoạt động tại tất cả 4 nền tảng (chuỗi siêu dẫn, ion, nguyên tử trung hòa và photon), đó là Trung Quốc, Mỹ và Nga. Trên thế giới chỉ có 6 nước có máy tính lượng tử từ 50-Qubit trở lên, trong đó có Nga. Nga có hai máy tính như vậy ở hai nền tảng: ion, nguyên tử trung hòa.

Gian trưng bày của các tập đoàn và viện nghiên cứu hàng đầu LB Nga trong lĩnh vực vật liệu.
Bà Soltseva cho biết rất hoan nghênh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ lượng tử, hai bên có thể bắt đầu từ việc Rosatom mời các nhà khoa học của Việt Nam đến dự hội nghị quốc tế lớn nhất về công nghệ lượng tử của Rosatom sẽ tổ chức vào tháng 7 tới tại Moskva. Đây sẽ là cơ hội tốt để phía Rosatom có thể giới thiệu về ứng dụng công nghệ tương lai này tại Nga.
Rosatom tin rằng cho đến khi hai bên hợp tác tích cực trong lĩnh vực điện hạt nhân thì những dự án tiên phong của Rosatom về công nghệ lượng tử đã chứng tỏ được hiệu quả và sẽ được đưa vào dự án hợp tác của hai nước Việt Nam và LB Nga.
Ngoài ra, Rosatom cũng hợp tác với các trường đại học trên thế giới, phát triển ngành đào tạo công nghệ lượng tử trong khuôn khổ BRICS, đây cũng là một diễn đàn quốc tế nữa để phát triển hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực tiên tiến này.
Lãnh đạo Rosatom nhấn mạnh sẵn sàng tiếp đón các nhà khoa học Việt Nam tại Hội nghị, giới thiệu các phòng thí nghiệm công nghệ lượng tử của mình và thảo luận cơ hội hợp tác.