ChatGPT vượt mốc 400 triệu người dùng hàng tuần

Số lượng người dùng hoạt động hàng tuần của OpenAI đã tăng 33% kể từ đầu tháng 2/2025, vượt mức 400 triệu người dùng. Cùng với đó, số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng ChatGPT gói trả phí đã tăng gấp đôi, lên 2 triệu người.

Theo Reuters, những con số ấn tượng này được công bố trong bối cảnh OpenAI đang đối mặt với sự cạnh tranh từ DeepSeek và nhiều đối thủ khác.

ChatGPT vượt mốc 400 triệu người dùng hoạt động hàng tuần. Ảnh: TechCrunch.

ChatGPT vượt mốc 400 triệu người dùng hoạt động hàng tuần. Ảnh: TechCrunch.

ChatGPT tạo nên cơn sốt AI tạo sinh từ cuối năm 2022 và nhanh chóng cán mốc 100 triệu người dùng hàng tuần từ nửa đầu năm 2023. ChatGPT mất thêm hơn một năm để đạt 200 triệu người dùng và mất ba tháng để đạt con số hiện nay.

Ông Sam Altman, đồng sáng lập kiêm CEO OpenAI cho biết công ty đang hướng tới mục tiêu đạt một tỷ người dùng hoạt động hàng tuần. Giới chuyên gia cho rằng, đây là kế hoạch tăng trưởng khá tham vọng của OpenAI để cạnh tranh với các đối thủ mới nổi như DeepSeek của Trung Quốc hay Grok của xAI.

DeepSeek đã thu hút sự chú ý của giới công nghệ toàn cầu khi ra mắt ngày 20/1 vừa qua với mô hình R1. Nhiều chuyên gia và người dùng đánh giá R1 có phản hồi nhanh hơn, chính xác hơn so với các công cụ AI đình đám như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google hay Llama của Meta. Thậm chí, trong một số bài kiểm tra, mô hình DeepSeek R1 được cho là ngang bằng hoặc vượt qua mô hình AI tiên tiến o1 của OpenAI.

Ngay sau khi phát hành rộng rãi R1, ứng dụng DeepSeek đạt 22,15 triệu người dùng hàng ngày tính đến 31/1/2025, vượt qua con số 16,95 triệu người dùng của Doubao từ ByteDance. Còn số người dùng ChatGPT vào thời điểm trên là 53,23 triệu người dùng.

Mặc dù chưa bằng một nửa số người dùng hàng ngày so với sản phẩm của OpenAI, DeepSeek được cho là ứng dụng AI có tốc độ phát triển nhanh nhất. Các phiên bản ứng dụng cho hệ điều hành Android và iOS của sản phẩm này ra mắt lần lượt vào ngày 8 và 10/1/2025, từ con số 0 đã đạt trên mức 20 triệu người dùng chỉ sau gần 20 ngày. Chính nhu cầu về DeepSeek tăng đột biến gây ra không ít khó khăn cho ChatGPT, sau khi một lượng người dùng nhất định, đặc biệt là ở khu vực châu Á, thử nghiệm chatbot mới đến từ Trung Quốc.

Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt AI dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp AI đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.

Theo Tech Wire Asia, AI có khả năng phân tích và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó cung cấp cho doanh nghiệp thông tin quan trọng và phân tích chi tiết để hỗ trợ quyết định kinh doanh.

"AI có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng AI để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu," bà Karamouzis nói.

Do đó, các khoản đầu tư vào AI hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ AI.

Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp AI. Một minh chứng rõ nét hơn, Nhà Trắng yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo tính an toàn của các sản phẩm AI trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chatgpt-vuot-moc-400-trieu-nguoi-dung-hang-tuan-38518.html
Zalo