Petrovietnam nhớ Bác
Trong chuyến thăm Azerbaijan năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ khát vọng lớn lao về một 'khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku', qua đó định hình tầm nhìn chiến lược cho ngành dầu khí Việt Nam. 66 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc lịch sử ấy, ngọn lửa nhiệt huyết mà Người nhen lên vẫn cháy mãi, soi đường cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng lượng nước nhà hôm nay.
Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc vừa giải phóng đã đứng trước yêu cầu kiến thiết, phát triển kinh tế. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định Việt Nam phải xây dựng một nền công nghiệp dầu khí tầm cỡ quốc tế. Người tranh thủ các chuyến công du nước ngoài để học hỏi về lĩnh vực năng lượng mới mẻ này – năm 1957, Bác thăm một giàn khoan dầu ở Albania và nhà máy lọc dầu ở Bulgaria, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến tương lai dầu khí của đất nước. Đỉnh cao của sự chuẩn bị ấy là chuyến thăm Liên Xô năm 1959, trong đó điểm dừng chân quan trọng nhất chính là Baku (Azerbaijan) – nơi được mệnh danh là “thủ đô dầu mỏ” của Liên bang Xô viết.
Trên chuyến bay đến Baku, khi máy bay băng qua vùng biển Caspi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ xuống mặt biển và nói: “Biển dầu đấy”. Người không chỉ nhìn thấy tài nguyên, mà quan trọng hơn, thấy được vận mệnh của một ngành công nghiệp tương lai.

Bác Hồ thăm Azerbaijan năm 1959 (Ảnh tư liệu)
Một câu nói – cả mục tiêu và phương pháp
Trong chuyến thăm lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn truyền đi một thông điệp và khát vọng mạnh mẽ trong buổi làm việc với các lãnh đạo và kỹ sư dầu khí Azerbaijan: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu... Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku ngày nay”.
Trong câu nói đó, có đủ “tứ trụ” của một bản thiết kế chiến lược: Nguyện vọng – một ước mơ cháy bỏng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về một ngành công nghiệp dầu khí vững mạnh. Mục tiêu là xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí độc lập, phát triển bền vững. Giải pháp: Việt Nam cần sự giúp đỡ từ Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng trong việc chuyển giao công nghệ và phát triển ngành. Phương pháp: Tiếp thu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chủ động làm chủ công nghệ trong tương lai.
Câu nói của Bác không chỉ là một dự cảm đúng đắn về tiềm năng tài nguyên, mà là bản thiết kế tinh thần cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Từ đây, ngành dầu khí Việt Nam được thai nghén trong tâm thế kháng chiến, nhưng hướng về một tương lai độc lập – tự chủ về năng lượng.

Bác Hồ thăm mỏ dầu ở sát bờ biển Baku (Ảnh tư liệu)
Hoàn thành ước nguyện của Bác Hồ
Những năm tháng chiến tranh ác liệt không làm lung lay quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí. Được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Chính phủ, ngành Dầu khí non trẻ luôn nhận được chỉ đạo sát sao: phải “hết sức giúp đỡ, bắt tay vào cùng làm, coi đó là việc chung của đất nước mà làm đến nơi, đến chốn. Chính sự quyết tâm từ lãnh đạo cấp cao đã tiếp thêm sức mạnh cho những “người đi tìm lửa” kiên trì bám trụ, âm thầm chuẩn bị nguồn nhân lực, kỹ thuật trong thời chiến, để khi hòa bình lập lại có thể “đi tắt, đón đầu” xây dựng ngành một cách thần tốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan Phòng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Dầu khí Việt Nam - Azerbaijan, tọa lạc tại Phòng 265, tầng 2 của Trường Đại học Dầu mỏ và Công nghiệp Quốc gia Azerbaijan
Ngay sau ngày thống nhất đất nước 2/9/1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập, mở ra trang mới cho hoạt động dầu khí trên phạm vi cả nước. Những mũi khoan đầu tiên đã được triển khai ở cả miền Bắc và miền Nam, bước đầu phát hiện những tín hiệu của “vàng đen” trong lòng đất mẹ.
Sau gần hai thập kỷ gieo mầm và nỗ lực không ngừng, ngành Dầu khí Việt Nam đã gặt hái “trái ngọt” đầu tiên. Ngày 19/4/1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam đã chính thức được khai thác tại Giếng khoan 61, thuộc mỏ Tiền Hải C, tỉnh Thái Bình, thắp lên ngọn lửa xanh báo hiệu triển vọng tài nguyên khí đất Việt. Cùng thời điểm này, sự kiện Liên doanh dầu khí Việt – Xô (Vietsovpetro) ra đời tiếp tục tạo cú hích lớn cho công tác thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam.
Ngày 24/5/1984, mũi khoan của Liên doanh đã phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại cấu tạo Bạch Hổ ngoài khơi Vũng Tàu. Sự kiện “đổi đời” này giúp Việt Nam bước chân vào hàng ngũ các nước sản xuất dầu mỏ. Đến tháng 6/1986, thùng dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, đánh dấu mốc son chói lọi: lần đầu tiên dòng“vàng đen”từ biển Đông được đưa về đất mẹ - Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 6/9/1988, Vietsovpetro bắt đầu khai thác dầu từ tầng móng mỏ Bạch Hổ, đưa sản lượng những năm sau tăng vọt
Những “kỳ tích” liên tiếp xuất hiện. Ngày 6/9/1988, các chuyên gia Việt – Xô đã phát hiện trữ lượng dầu khổng lồ trong tầng đá móng granit mỏ Bạch Hổ, vốn xưa nay được coi là “tầng đáy” không có dầu. Phát hiện độc nhất vô nhị này nhanh chóng được ghi nhận là một trong những dấu mốc quan trọng bậc nhất lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam, không chỉ giúp mang về nguồn ngoại tệ quý giá giữa lúc đất nước khó khăn, mà còn đóng góp lớn cho khoa học địa chất dầu khí, mở ra hướng đánh giá mới về tiềm năng dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở Bạch Hổ ngày 7/3/1985 được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví von như “nàng công chúa ngủ dưới đáy biển được những chàng hoàng tử Việt – Xô đánh thức”, ngọn lửa từ giếng dầu tựa nàng công chúa hóa thân, “mang lại ấm no, hạnh phúc cho nước ta”. Trong khoảnh khắc thiêng liêng khi ngọn lửa dầu khí vọt cao sáng rực chân trời ấy, Thủ tướng đã xúc động nghẹn ngào: “Giá Bác Hồ được chứng kiến cảnh tượng này!” – câu nói khiến mọi người khi ấy lặng đi vì xúc động, bởi ước nguyện năm xưa của Bác giờ đây đã trở thành hiện thực.

Chai dầu đầu tiên lấy lên từ thềm lục địa được Tổng lãnh sự Liên Xô ở Vũng Tàu đem đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng
50 năm Petrovietnam: Từ tầm nhìn đến hiện thực
Bước sang những thập niên tiếp theo, Petrovietnam phát triển toàn diện chuỗi công nghiệp dầu khí theo đúng định hướng mà Bác Hồ mong muốn: từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí thượng nguồn đến mở rộng sang khí thiên nhiên, điện và năng lượng tái tạo, từ xây dựng các nhà máy lọc – hóa dầu đến hệ thống tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Từ chỗ phải trông cậy hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài, đến nay Petrovietnam đã làm chủ được những công nghệ hiện đại, phức tạp bậc nhất của ngành dầu khí thế giới, làm chủ độ sâu hàng nghìn mét dưới biển khơi, đồng thời vươn ra hợp tác quốc tế, tìm dầu trên khắp các châu lục. Petrovietnam hiện có đội ngũ gần 60.000 lao động chất lượng cao, đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Hơn nửa thế kỷ phấn đấu đã đưa Việt Nam trở thành nước có tên trên bản đồ dầu khí, đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Tổ quốc và cải thiện đời sống nhân dân.
Nhiều năm, ngành Dầu khí đóng góp đến 30% ngân sách quốc gia và tiếp tục có những đóng góp lớn, quan trọng kéo dài cho đến tận ngày nay. Hiện nay, Petrovietnam vẫn đóng góp lớn cho GDP cả nước, trung bình 9-10%; nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-9,5% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước, trong bối cảnh quy mô của nền kinh tế đã được mở rộng hơn rất nhiều.

Một góc Cảng Vietsovpetro, TP Vũng Tàu.
Hiện nay, sản xuất, cung ứng của Petrovietnam đáp ứng trên 70% nhu cầu xăng dầu, trên 70-80% nhu cầu phân đạm, trên 75% thị phần LPG cả nước… Petrovietnam cung cấp dịch vụ vận tải dầu khí, dịch vụ khoan dầu khí, dịch vụ xây lắp, chế tạo các công trình dầu khí, dịch vụ cho điện gió ngoài khơi trong nước và vươn ra thế giới… Các trung tâm, cụm công nghiệp dầu khí lớn của Petrovietnam tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Quảng Ngãi… là những điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp hàng đầu cho sự phát triển và thu ngân sách của địa phương, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp liên quan trong cả vùng, cụm công nghiệp.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ từng nhận định: “Petrovietnam thực sự đã hoàn thành xuất sắc mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Điều này không chỉ đúng về mặt thực tiễn, mà còn đúng về mặt tinh thần: ngành dầu khí đã vươn mình từ một ý tưởng thành một biểu tượng của bản lĩnh và khát vọng Việt Nam.
"Những đóa hoa lửa" dâng Bác – khi tinh thần Baku thắp sáng công trường
Tháng 5/2025, khi cả nước hướng về dịp sinh nhật Bác và kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam, trên khắp các công trường, xí nghiệp của Tập đoàn, không khí thi đua lao động rộn ràng, hừng hực khí thế.
Tại Dự án phát triển mỏ Đại Hùng – Giai đoạn 3, đội ngũ kỹ sư, công nhân đã hoàn thành vượt tiến độ 20 ngày. Ngày 7/5/2025, giàn đầu giếng WHP-DH01 chính thức đón dòng dầu thương mại đầu tiên. Đây là dự án được triển khai trong điều kiện địa chất – khí hậu phức tạp,vùng nước sâu xa bờ với yêu cầu kỹ thuật khắt khe bậc nhất. Giữa vùng biển phía Nam, ngọn lửa rực cháy trên giàn đầu giếng WHP-DH01 như một đóa hoa lửa giữa đại dương, dâng lên Bác trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam.

Vào lúc 18 giờ 50 phút ngày 7/5/2025, Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 chính thức đón dòng dầu thương mại đầu tiên (FO) với lưu lượng 6.000 thùng/ngày - về đích sớm 20 ngày so với kế hoạch.
Trong khi đó, trên đất liền, không khí tại các công trường Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 cũng sục sôi từng giờ. Ngày 18/5, Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 đã hoàn thành mốc kỹ thuật chạy liên tục 24 giờ ở mức tải nền với công suất tối đa 812MW, là cột mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị vận hành thương mại. Nhơn Trạch 4 cũng đang tăng tốc về đích, dự kiến đốt lửa lần đầu vào giữa năm 2025. Các công trình điện khí, với không khí căng thẳng và quyết tâm, là lời thề từ thế hệ lao động dầu khí hôm nay, tiếp tục khẳng định vai trò của ngành đối với đất nước.
Petrovietnam không chỉ xây dựng công trình kỹ thuật, mà còn đồng hành cùng các hoạt động văn hóa – xã hội. Từ vùng biên viễn Hà Giang, Điện Biên, đến những hòn đảo xa như Trường Sa, Côn Đảo, các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nhà đại đoàn kết, trạm y tế, tài trợ học bổng cho học sinh nghèo… đều in dấu chân người dầu khí. Thư viện cộng cộng Cổ Loa, do Petrovietnam và Vietsovpetro tài trợ vừa được khánh thành, cũng như bao công trình khác, chính là “năng lượng mềm” mà Tập đoàn vun đắp cho xã hội – bền bỉ, thầm lặng nhưng lan tỏa lâu dài.

Lãnh đạo Petrovietnam và Vietsovpetro trao biểu trưng tài trợ 5 tỷ đồng xây dựng công trình “Thư viện công cộng Cổ Loa”
Từ dầu khí đến hệ sinh thái công nghiệp – năng lượng quốc gia
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở dầu khí. Tư tưởng lớn của Người là phát triển đất nước dựa trên nền tảng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trong đó năng lượng là huyết mạch.
Petrovietnam hôm nay không chỉ vận hành trong lĩnh vực dầu khí truyền thống mà đang tiên phong dẫn dắt cuộc dịch chuyển năng lượng của quốc gia. Từ tập đoàn dầu khí, Petrovietnam dần định hình lại thành một tập đoàn công nghiệp năng lượng tích hợp, tập trung phát triển đồng bộ cả 5 lĩnh vực hoạt động chính và 3 trụ cột chiến lược gồm Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ, với Năng lượng là trụ cột cốt lõi. Tập đoàn đã chủ động đầu tư vào hạ tầng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), khai nhiều dự án điện khí sử dụng LNG, góp phần giữ ổn định an ninh năng lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh. Bên cạnh những bước tiến đầu tiên vào chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu thông qua những dự án cơ khí chế tạo cho thị trường quốc tế, Petrovietnam cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư cho dự án thí điểm về năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

Một góc cảng PTSC - nay là Trung tâm Công nghiệp năng lượng và Hậu cần kỹ thuật PTSC, TP Vũng Tàu.
Petrovietnam cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ban hành Chiến lược nghiên cứu và phát triển năng lượng hydro, với mục tiêu đến 2035 làm chủ công nghệ sản xuất, lưu trữ và vận hành hệ thống liên quan đến hydrogen xanh. Các nhóm nghiên cứu đang phối hợp với đối tác quốc tế để phát triển mô hình sản xuất amoniac xanh từ nguồn điện gió ngoài khơi, đồng thời xúc tiến thử nghiệm thu gom – lưu trữ carbon (CCS) tại các mỏ đã suy giảm.
Đó là những bước đi bài bản nhằm bảo đảm vị thế Petrovietnam trong tương lai không chỉ là nhà sản xuất năng lượng, mà còn là trung tâm chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ cho mô hình kinh tế carbon thấp. Tất cả đều nằm trong định hướng được xác lập tại Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị: xây dựng ngành dầu khí làm nòng cốt, thúc đẩy mô hình năng lượng – công nghiệp tích hợp và bền vững.
Mốc son biểu tượng của một lời hứa đã thành hiện thực
Ngày 8/5/2025, tại thành phố Baku, nơi Bác từng đứng 66 năm trước, Phòng Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Dầu khí Việt Nam – Azerbaijan được khánh thành. Công trình không chỉ là không gian lưu giữ những sự kiện lịch sử, mà còn là nơi đánh dấu sự hội tụ giữa ký ức và hiện thực – nơi tầm nhìn xa trông rộng của một nhà cách mạng lỗi lạc khơi nguồn cho hành trình kiến tạo một ngành công nghiệp trụ cột mang tầm vóc quốc gia. Đây không chỉ là nơi lưu giữ kỷ niệm, mà là một mốc son biểu tượng của một lời hứa đã thành hiện thực.
66 năm kể từ chuyến thăm Baku lịch sử (1959–2025) và 50 năm hình thành, phát triển Petrovietnam (1975–2025) là những cột mốc tự hào trong hành trình khẳng định vị thế của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam. Mỗi thành tựu hôm nay càng làm sáng rõ tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tầm nhìn đã sớm đặt nền móng cho ngành dầu khí trong tâm thế hội nhập và làm chủ.

Người lao động Petrovietnam chào cờ trên vùng mỏ Bạch Hổ
Từ một câu nói tại Baku, cả một ngành kinh tế trụ cột đã hình thành, lớn mạnh bằng công trình, bằng con người, và bằng tư duy phát triển mang tầm quốc gia. Trên những công trường, trong từng nhà máy, giàn khoan, hàng vạn người lao động dầu khí vẫn đang tiếp tục hành trình ấy – với trí tuệ, trách nhiệm và tinh thần tiên phong của những thế hệ “đi trước mở đường”.
Câu nói của Người, từ năm 1959 vẫn luôn dẫn dắt những bước đi của hôm nay. Tư tưởng ấy trở thành nền tảng định hướng cho một ngành không ngừng chuyển mình, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy hiện đại hóa đất nước. Petrovietnam hiện diện như biểu trưng cho khát vọng của dân tộc: phát triển ngành công nghiệp – năng lượng vững vàng, chủ động, hiện đại và thấm đẫm giá trị nhân văn.
Petrovietnam – từ một mong ước khởi nguồn nơi Baku năm ấy, đã trở thành hiện thực vững chắc của một dân tộc làm chủ vận mệnh năng lượng bằng chính trí tuệ và nội lực Việt Nam.
Trúc Lâm