Hành trình sưu tầm những kỷ vật thiêng liêng về Người
Để sưu tầm những hiện vật vô giá về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ sưu tầm của Bảo tàng mang tên Người nhiều năm qua đã miệt mài trên mọi nẻo đường, ở trong và ngoài nước, đặc biệt, họ đã đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh, tìm gặp những con người bình dị, lần theo dấu vết từng hiện vật thiêng liêng.

Phù điêu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được chế tác tại Công binh xưởng B4 Trần Phú, năm 1948
Phía sau mỗi hiện vật là hành trình biết bao tâm sức, mồ hôi, là những chặng đường không ngưng nghỉ, để những câu chuyện về Bác được chuyển tải tới người dân và bạn bè quốc tế một cách giản dị, trọn vẹn và chân thành.
Theo dấu chân Người…
Gần 20 năm gắn với công tác sưu tầm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Hoa Đình Nghĩa, Phó Trưởng phòng sưu tầm dành một chiều tháng 5 để chia sẻ với chúng tôi về hành trình hết đỗi thiêng liêng và tự hào này. Để có được “tài sản” vô giá là những hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ kính yêu, công tác sưu tầm của các thế hệ cán bộ bảo tàng là một hành trình dài không ngơi nghỉ, khởi đầu từ thời điểm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chuẩn bị cho quá trình xây dựng và khánh thành bảo tàng mang tên Người.
Những chuyến đi theo suốt chiều dài đất nước, theo dấu chân Người đã giúp tìm được nhiều tài liệu, hiện vật vô cùng giá trị, từ những tháng ngày đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Có thể kể đến một số hiện vật như sổ đăng ký các con tàu ra vào thương cảng Sài Gòn tháng 6.1911; Thuyền tán thuốc và một số sách giới thiệu các bài thuốc chữa bệnh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…
Trong suốt hành trình sưu tầm, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều nhân vật. Dù họ là ai thì điều chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất chính là tình yêu họ luôn dành tặng vị cha già kính yêu. Vì tình yêu đó, họ sẵn sàng trao tặng bảo tàng những kỷ vật thiêng liêng đã được gìn giữ trong suốt cuộc đời.
(Ông HOA ĐÌNH NGHĨA, Phó Trưởng phòng sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Những năm 1970-1980, vừa trực tiếp sưu tầm, bảo tàng kêu gọi các tổ chức trong nước và kiều bào quốc tế đóng góp tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày. Nhiều đoàn khách đã tặng hiện vật cho bảo tàng với nhiều hiện vật gốc quý hiếm. Cao điểm của công tác sưu tầm là hai năm 1989-1990, cán bộ bảo tàng được huy động đi sưu tầm hiện vật ở nhiều địa điểm khác nhau. Đến năm 1990, sau gần 20 năm, Bảo tàng đã sưu tầm và tiếp nhận rất nhiều hiện vật, tài liệu, phim ảnh giá trị về Người.
Từ giai đoạn 1990 đến nay, công tác sưu tầm chủ yếu thực hiện qua các chuyến đi, bổ sung qua các triển lãm chuyên đề, tiếp nhận tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân trao tặng. Nhiều hiện vật vô giá đã được các cá nhân trao tặng bảo tàng, đặc biệt phải kể đến những hiện vật đặc biệt giá trị như tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh do nghệ sĩ điêu khắc người CH Công Gô - KonongoBenoit trao tặng; tượng đồng bán thân do NĐK Vũ Cao Đàm trao tặng…
Những năm này, bảo tàng còn tổ chức các đợt sưu tầm ở nước ngoài như tại Liên Xô, Pháp, Trung Quốc, bổ sung tài liệu, hiện vật cho các thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong các năm 1923-1930, 1931-1938, 1938- 1940. Năm 2003, Phòng Sưu tầm của bảo tàng chính thức thành lập, trước đó là một bộ phận trực thuộc phòng Kiểm kê, Bảo quản. Hành trình sưu tầm tiếp tục được nối dài, với nhiều hiện vật gốc giá trị như: 5 cuốn sổ ghi chép của Bác trong thời gian 1950-1962, nhiều tài liệu có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện vật mà Người tặng cho các nhân chứng lúc sinh thời như bức tranh thêu tặng Đại tá Mỹ StephenL.Nordlinger năm 1945; đài, áo len tặng cụ Nguyễn Thị Tố; bộ quần áo lụa Bác tặng nhà giáo Nguyễn Lân…
Ông Đình Nghĩa chia sẻ, những năm gần đây, sưu tầm hiện vật về Bác Hồ gặp nhiều khó khăn do số lượng tài liệu, hiện vật ngày càng ít đi, các nhân chứng lịch sử đã mất, tuổi cao và không còn minh mẫn. Bên cạnh đó là những tác động của nền kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tiếp cận thông tin, sưu tầm hiện vật.
Mặc dù vậy, bảo tàng vẫn luôn đẩy mạnh việc thu thập tài liệu hiện vật, tổ chức sưu tầm, tiếp nhận nhiều tài liệu hiện vật gốc có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người ở trong và ngoài nước, với nhiều thể loại: Hiện vật gốc, tư liệu âm thanh, hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật, ấn phẩm. Công tác xã hội hóa trong sưu tầm hiện vật cũng được chú trọng nhiều hơn.
Với tấm lòng kính yêu Bác Hồ, nhiều hiện vật gốc quý hiếm đã được các cá nhân trao tặng bảo tàng. Đó là những hiện vật vô giá, như: Đồng tiền bản vị 20 Việt Bác Hồ đã tặng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe vào năm 1948; Sổ tiêm chủng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ gia đình bác sĩ Nhữ Thế Bảo; Thanh gươm, áo trấn thủ Bác Hồ tặng cụ Vương Chí Sình cách đây hơn 70 năm; Tượng bán thân Bác Hồ bằng thạch cao được các chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo bí mật cất giữ; Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh do kỹ sư Võ Quý Huân và Trần Đại Nghĩa tạo hình và đúc năm 1948…

Đồng tiền vàng 20 Việt sản xuất năm 1948
Những kỷ vật sâu nặng ân tình
“Trong suốt hành trình sưu tầm, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều nhân vật. Dù họ là ai thì điều chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất chính là tình yêu họ luôn dành tặng vị cha già kính yêu. Vì tình yêu đó, họ sẵn sàng trao tặng bảo tàng những kỷ vật thiêng liêng đã được gìn giữ trong suốt cuộc đời”, ông Nghĩa xúc động.
Ở tuổi 95, ông Phạm Hữu Quốc, một trong những người trực tiếp chế tác Phù điêu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948 đã dẫn các cán bộ bảo tàng tìm đến những địa điểm lịch sử để hồi tưởng về sự kiện cách đó gần 70 năm, khi ông cùng kỹ sư Võ Quý Huân và các cộng sự đúc thành công bức Phù điêu Chân dung về Người. Bức phù điêu do các kỹ sư Võ Quý Huân, Trần Đại Nghĩa tạo hình sống động, là phần thưởng cho những cá nhân có thành tích nổi bật trong hai phong trào thi đua của ngành quân giới. Ông Quốc vừa là người chế tác, vừa là nhân vật được trao tặng bức phù điêu. Hiện vật giá trị này sau nhiều thập kỷ giữ gìn đã được ông trao cho con gái kỹ sư Võ Quý Huân. Bảo tàng Hồ Chí Minh sau đó đã may mắn có cơ hội tiếp nhận lại hiện vật.
“Điều vô cùng quý giá và cảm động trong quá trình hoàn thiện hồ sơ hiện vật, chúng tôi đã được ông Quốc, khi đó 95 tuổi, đưa đến từng địa điểm thực hiện những công đoạn chế tác Phù điêu năm xưa, thuộc Công binh xưởng B4 Trần Phú (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Người thợ già đưa chúng tôi vào các điểm hang phát điện, hang đúc, hang tạo hình…, nằm trong rừng núi sâu thẳm. Thật xúc động khi được tận mắt nhìn lại nơi những người thợ đã hết lòng tạo nên bức phù điêu về Người trong những tháng năm kháng chiến gian khổ. Những vết tích dù đã dần mờ theo năm tháng nhưng vẫn luôn vẹn nguyên tình yêu sâu nặng với Bác Hồ”, ông Nghĩa chia sẻ.
Câu chuyện tiếp nhận hiện vật Đồng tiền bản vị đầu tiên từ gia đình cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe cũng để lại nhiều dấu ấn sâu sắc với các cán bộ bảo tàng. Trong cuộc đời của mình, có hai kỷ vật được Bộ trưởng Vũ Đình Hòe nâng niu, quý trọng và gìn giữ đến tận cuối đời. Đó là đồng tiền vàng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông trong những năm kháng chiến gian khổ ở Việt Bắc, cùng chiếc đồng hồ Mô-va-dô có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, quà tặng của Người dành cho ông năm 1957. Khi trăm tuổi, mong ước cuối cùng của ông là được tặng hai kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội và chi nhánh TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Đa, người thương binh ở Bến Tre với bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hiện di nguyện của ông, năm 2013, cụ Nguyễn Thị Trường và ông Vũ Thế Khôi, phu nhân và con trai cố Bộ trưởng đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh với nguyện vọng bảo tàng sẽ bảo quản, phát huy giá trị hiện vật này. “Đồng tiền vàng là hiện vật vô cùng giá trị, khẳng định sự độc lập của hệ thống tiền tệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tấm lòng yêu kính Bác, gia đình cố Bộ trưởng đã trân trọng trao tặng kỷ vật thiêng liêng này. Một sưu tập tài liệu cực kỳ quý giá của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe gồm thư từ, công văn giữa Bác và Bộ trưởng cũng đã được gia đình trao tặng, trong đó có những tài liệu gốc giá trị và chưa từng được công bố…”, ông Nghĩa kể.
Cũng trong hành trình sưu tầm những kỷ vật thiêng liêng về Bác, cán bộ bảo tàng đã nhiều lần rơi nước mắt trước tấm lòng thành kính, tình yêu vô bờ bến của những người dân bình dị luôn hướng đến vị cha già dân tộc. Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh nặng tại xứ dừa Bến Tre là một trong những câu chuyện như vậy. Trong nhiều năm, ông Nguyễn Văn Đa, bà Nguyễn Ngọc Giới tham gia CLB làm theo lời Bác ở phường 1, TP Bến Tre bằng nhiều việc làm cụ thể…
Đặc biệt, hai vợ chồng ông đã dành công sức và đồng lương ít ỏi để sưu tầm, in ảnh Bác Hồ, tặng cho các tổ chức và cá nhân; thêu chân dung Bác Hồ tặng cho các đơn vị có thành tích trong đợt phát động… Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng là địa điểm tới lui của nhiều người dân trong vùng, để được ngắm nhìn những bức ảnh, chân dung Bác Hồ. Sâu trong tâm khảm của họ luôn nâng niu những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với đồng bào Nam Bộ.
Bức tranh thêu chân dung Bác Hồ được người phụ nữ Bến Tre Nguyễn Ngọc Giới thực hiện, khắc họa hình ảnh Người với ánh mắt trìu mến, nụ cười đôn hậu, được hai vợ chồng tâm nguyện, mong mỏi trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Qua cầu nối là CLB Làm theo lời Bác ở phường 1, TP Bến Tre, bức chân dung đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận.
“Trong quá trình thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ hiện vật sau đó tại chính ngôi nhà của đôi vợ chồng, đoàn cán bộ bảo tàng vô cùng xúc động khi nghe họ bày tỏ nguyện vọng được một lần ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo bảo tàng và nguyện vọng đó đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện thực hóa.
Chuyến viếng thăm Người năm đó có lẽ không chỉ là chuyến đi để đời của hai vợ chồng thương binh “tàn nhưng không phế” mà còn là một dấu ấn các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng không thể nào quên trong suốt hành trình nghiên cứu, sưu tầm và đưa đến công chúng những hiện vật vô giá, thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu”, ông Hoa Đình Nghĩa xúc động.