Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế

Thành phố Huế lưu giữ nhiều dấu ấn thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 10 năm Người đã sinh sống và học tập. Trong những ngày này, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu, nhiều di tích về Bác Hồ liên tục đón các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu, tri ân...

Lễ rước hoa sen và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ngày hội làng Dương Nỗ

Lễ rước hoa sen và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ngày hội làng Dương Nỗ

Hôm nay, ngày 19.5, Sở VHTT thành phố Huế khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế. Gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật được giới thiệu đến người xem, góp phần làm sâu sắc hơn về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế.

Đó là hệ thống di sản vật thể vô cùng quý giá với gần 20 di tích, địa điểm di tích; trong đó có 4 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp thành phố. Triển lãm cũng giới thiệu các di sản phi vật thể về Người ở Huế như: Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc vùng cao ở thành phố Huế; Thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, tại triển lãm, công chúng sẽ được tham gia vào không gian tái hiện thực hành nghi lễ đặt họ Hồ năm 1969 do các nhân chứng lịch sử, nghệ nhân tại huyện A Lưới thực hiện. Cùng với đó là được nghe các nghệ sĩ, nghệ nhân cất lên những khúc ca dao, dân ca ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu truyền tại Huế trong những năm kháng chiến và còn mãi đến hôm nay.

Bên cạnh đó, còn có khu trưng bày những sản phẩm thủ công truyền thống với đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ở đó, bên cạnh sự tài hoa của các nghệ nhân còn là tấm lòng kính yêu đối với Người. Di sản văn hóa phi vật thể về Người qua quá trình hình thành và phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong các loại hình văn hóa phi vật thể trên mảnh đất Cố đô.

Không gian gốm nghệ thuật giới thiệu 40 tác phẩm gốm nghệ thuật mang chủ đề “Huế với Bác Hồ” được hơn 20 họa sĩ, nhà điêu khắc của Hội Mỹ thuật Huế và Trường Đại học Nghệ thuật Huế sáng tác trong 2 tháng qua. Mỗi tác phẩm về Người là những góc nhìn nghệ thuật đặc sắc, sự thăng hoa trong sáng tác, cùng với kỹ thuật nung gốm, nhúng men, tạo màu…

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế cho biết: Huế vinh dự và tự hào là nơi in đậm dấu ấn 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người từng sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước qua hai giai đoạn (1895-1901 và 1906-1909). Lịch sử vùng đất này đồng thời khắc ghi vai trò lãnh tụ Hồ Chí Minh trong phong trào cách mạng ở Huế, đặc biệt là tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho quân và dân nơi đây, cũng như tình cảm của nhân dân Huế đối với Người.

Bên cạnh hệ thống di tích, địa điểm di tích lưu niệm gắn bó với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình vẫn đang được tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị thì các di sản văn hóa phi vật thể về Người cũng được Bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm, thống kê trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong hệ thống di sản lưu niệm về Người ở Huế.

Qua đó, góp phần lan tỏa thêm các giá trị tinh thần về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cộng đồng, đóng góp tích cực cho việc xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân hôm nay và mai sau. Trong dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 130 năm Ngày Bác Hồ đến sống và học tập tại Huế (1895-2025), các địa phương tại thành phố Huế cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Từ ngày 17 đến 19.5, Sở VHTT thành phố Huế phối hợp với các đơn vị tổ chức Ngày hội làng Dương Nỗ với chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc. Làng Dương Nỗ là nơi từng gắn bó thời niên thiếu của Bác Hồ, hiện đang có hai di tích cấp quốc gia là đình làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng các di tích Bến Đá, Am Bà. Với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm”, trong ngày 18.5, Ban Tổ chức đã thực hiện Lễ rước hoa sen và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đình làng Dương Nỗ đến ngôi nhà lưu niệm nơi Người từng sinh sống; Lễ dâng hương, dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hoạt động tri ân, tưởng nhớ Người.

Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng đã được tổ chức, phục vụ người dân và du khách trong hành trình trở về Dương Nỗ, như: Biểu diễn Ca Huế; nghệ thuật hô Bài chòi; không gian ẩm thực và nghề thủ công truyền thống làng Dương Nỗ; hội thi vẽ tranh chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm tranh “Thiếu nhi với Bác Hồ”; hoạt động trải nghiệm in tranh và viết thư pháp…

Các hoạt động tại ngày hội là điểm hẹn văn hóa đặc biệt trong hành trình tháng Năm nhớ Bác, góp phần gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn với phát triển du lịch.

SƠN THÙY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/khong-gian-di-san-van-hoa-chu-tich-ho-chi-minh-o-hue-135548.html
Zalo