TS. Lưu Bình Nhưỡng: Dân số cán mốc 100 triệu người - đừng để vuột mất cơ hội dân số vàng

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với dân số 100 triệu người, nước ta có đến hơn 51 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Đây là cơ hội vô cùng lớn bởi không có nguồn lực gì bằng nguồn lực con người.

TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng là cơ hội vô cùng lớn.

TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng là cơ hội vô cùng lớn.

Tháng 4 này, dân số nước ta cán mốc 100 triệu người. Cơ hội thị trường trăm triệu dân mở ra nhưng cũng không ít thách thức khi hàng chục triệu lao động chưa được đào tạo trở thành rào cản với việc cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập. Theo ông, dân số cán mốc 100 triệu người sẽ mang đến cơ hội và thách thức gì?

Việt Nam là một trong những nước có dân số cao thuộc loại bậc nhất thế giới. Với dân số 100 triệu người, nước ta có đến hơn 51 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước. Trong đó, nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng.

Rõ ràng, đây là cơ hội vô cùng lớn bởi không có nguồn lực gì bằng nguồn lực con người. Đặc biệt, nước ta có dân số phát triển, chứ không phải dân số theo nghĩa thông thường là số đông. Cho nên, điều này càng chứng tỏ sức mạnh của một quốc gia có lượng dân số lớn như nước ta.

Tuy nhiên, dân số lớn cũng mang lại nhiều thách thức cho đất nước. Thứ nhất, sức ép về những vấn đề liên quan đến đời sống của con người, dịch vụ, việc làm, an ninh trật tự…

Thứ hai, trong vấn đề an sinh xã hội, người già là một trong những sức ép lớn và tốc độ già hóa dân số đang rất cao. Người ta vẫn đang lo ngại thời kỳ dân số vàng liệu có thể hiện được tính vượt trội hay là thời kỳ già hóa dân số còn nhanh hơn tốc độ tận dụng thời kỳ dân số vàng?

Thứ ba, chúng ta không chỉ dựa vào con người thông thường, dựa vào số đông mà quan trọng nhất là làm thế nào để chất lượng dân số càng ngày càng cao.

Thứ tư, sức ép của các vấn đề an sinh xã hội như quỹ hưu trí, quỹ tuổi già. Có nghĩa, dân số mang lại rất nhiều lợi thế lớn nhưng đồng thời cũng là sức ép rất lớn đến vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…

Chúng ta có lợi thế gì so với các nước trong khu vực với quy mô dân số như hiện nay, theo ông?

Nước ta có rất nhiều lợi thế, đó là lợi thế dân số đông, người Việt Nam cần cù, thông minh. Đất nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế trên cơ sở sử dụng lực lượng lao động. Chúng ta có tiềm năng không chỉ vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ mà còn có tiềm năng về nông nghiệp. Nói đúng hơn, chúng ta có nhiều dư địa để ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, thông minh, bền vững, có hiệu quả và trở thành một trong những cường quốc về nông nghiệp.

Chúng ta sử dụng lực lượng lao động nông nghiệp tại chỗ, ứng dụng khoa học công nghệ, cộng với đầu tư, có lợi thế vô cùng lớn trong thời đại cạnh tranh hiện nay.

Một trong những rào cản trong việc nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động hiện nay là trình độ, kỹ năng lao động chưa cao. Vậy cần làm gì để cải thiện trình độ, kỹ năng, tăng thu nhập cho người lao động?

Để cải thiện trình độ và kỹ năng cho người lao động, vấn đề đầu tiên phải bàn đến là chiến lược. Chiến lược dân số và lao động là hai chiến lược có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Chiến lược lao động phải dựa trên cơ sở chiến lược dân số, đồng thời dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo con người.

Giáo dục đào tạo con người ở đây không phải đơn thuần chỉ đào tạo, giáo dục các kiến thức xã hội hay khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà còn phải trau dồi kỹ năng cho con người - lực lượng lao động đang trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, đặc biệt ở quá trình sản xuất đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật cao.

"Cần phải có chiến lược đầu tư về tất cả các nguồn lực, kể cả nguồn lực con người hay vào các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải hiện đại. Tránh tình trạng 'ăn đong', nay dạy cái này, mai dạy cái khác hay cơ sở giáo dục nghề nghiệp quá nghèo nàn, không đảm bảo theo kịp xu hướng phát triển".

Ở đây không chỉ kỹ năng sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ mà còn để ứng xử trong lao động, đó là văn hóa công nghiệp, các kỹ năng giao tiếp… Việc đặt ra vấn đề như vậy cho thấy, chúng ta phải có nhiều hoạt động, từ khâu giáo dục đào tạo con người ngay lúc ngồi trên ghế nhà trường đến việc phải tính toán làm sao để người ta thâm nhập vào thị trường lao động. Đây là vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc.

Theo tôi được biết, mô hình giáo dục đào tạo, dạy nghề của Nhật Bản là một trong những mô hình đáng để học tập. Bởi nó đã có sự tiếp nối, liên thông hết sức chặt chẽ và hiệu quả giữa quá trình giáo dục đào tạo với giáo dục nghề nghiệp cho người lao động. Từ đó, họ có thể tự tin bước vào thị trường lao động để đảm bảo cho sự phát triển.

Cần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề phát triển nguồn nhân lực. (Nguồn: Lao động)

Cần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề phát triển nguồn nhân lực. (Nguồn: Lao động)

Lúc này, những việc làm cụ thể để tận dụng thời kỳ dân số vàng là gì?

Đầu tiên, chúng ta phải cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Tất cả các nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đều xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những bước đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề này không chỉ đơn thuần đưa vào Luật dân số hay Luật lao động mà còn có cả luật về khoa học công nghệ, đất đai, tài chính ngân hàng, giáo dục, đào tạo đại học… Bởi tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến chiến lược về phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, trên cơ sở các quy định pháp luật về giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, cần phải có cơ chế pháp lý, để triển khai một cách hiệu quả các quy định của pháp luật trong thực tiễn. Tránh tình trạng chỉ có quy định trên giấy mà không xử lý được vấn đề thực tế.

Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược đầu tư về tất cả các nguồn lực, kể cả nguồn lực con người hay vào các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải hiện đại. Tránh tình trạng “ăn đong”, nay dạy cái này, mai dạy cái khác hay cơ sở giáo dục nghề nghiệp quá nghèo nàn, không đảm bảo theo kịp xu hướng phát triển.

Tiếp theo, cần phải có một chiến lược để phát triển kỹ năng, quá trình quản lý nhà nước về dân số, về giáo dục đào tạo và về giáo dục nghề nghiệp. Đây là ba lĩnh vực quản lý quan trọng để chúng ta có thể phát triển hiệu quả.

Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia nhưng điều quan trọng là làm sao để phát triển được yếu tố con người?

Muốn phát triển được yếu tố con người, trước hết phải sử dụng yếu tố con người đầu tiên. Có nghĩa, chỉ có những con người có đầy đủ tư chất, kỹ năng, trình độ quản lý cao thì mới phát huy được nguồn lực con người. Nói cách khác, theo như đại biểu Lê Thanh Vân, chỉ có những người tài mới biết sử dụng những người tài.

Thứ hai, phải sử dụng các nguồn lực khác như tài chính, đầu tư cho con người là đầu tư có lãi nhất, bền vững nhất, hiệu quả nhất. Đây là phương châm đúng đắn nhất, nếu chúng ta biết đầu tư một cách thông minh sẽ hiệu quả và thắng lợi.

Thứ ba, phải có sự kết nối hình thức đào tạo ở trong nước, giữa trong nước với quốc tế. Chúng ta phải học tập kinh nghiệm, phương thức, phương pháp giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của các nước tiên tiến đi trước. Xem người ta đã đúc kết khoa học về con người, quyền của người lao động. Đồng thời, biết ứng dụng thành tựu của thế giới vào điều kiện của Việt Nam.

Phát huy được yếu tố nguồn lực con người có nghĩa chúng ta sẽ có một chiến lược để phát triển dân số và phát triển nguồn nhân lực nói chung. Trong đó, phát triển lực lượng lao động có tay nghề, lực lượng lao động tinh hoa của đất nước trên cơ sở có sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tôn trọng và biết sử dụng con người một cách đúng đắn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-luu-binh-nhuong-dan-so-can-moc-100-trieu-nguoi-dung-de-vuot-mat-co-hoi-dan-so-vang-224733.html
Zalo