Truyện ngắn: Mùa moan trắng

Ông có nhà nhưng chẳng dám về vì sợ như cái lần nghe lời bà già về nhà ngủ cho đỡ lạnh, nửa đêm có người đau bụng đi đẻ cần sang thị trấn vào viện gấp, gọi í ới mà chẳng thấy lái đò đâu. May lần đấy ông già chạy ra đưa sang kịp. Bác sĩ nói chỉ cần chậm một chút thôi là cả mẹ lẫn con đều không qua khỏi.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sông Sương bốn mùa luôn đầy nước - thứ nước chẳng trong xanh như mọi con sông khác mà nhờ nhợ một màu đỏ quạch. Nhờ phù sa sông Sương bồi đắp mà những luống bắp, bãi khoai của xóm Lèn luôn xanh ngút tầm mắt. Ở cái xóm nhỏ biệt lập trên mô đất giữa lòng sông, người ta không biết ai là người đầu tiên đến đây, cũng chẳng biết cái tên Lèn từ đâu mà có. Chỉ biết một điều: Cái mô đất nhỏ này vô cùng rộng lượng. Nó cưu mang đủ mọi cảnh đời.

Dù người ta lặng lẽ đến với những vết thương lòng để lánh đời hay ồn ã với khát vọng đổi đời, nó đều đón nhận. Để rồi khi vết thương lành, khi giấc mơ giàu sang thành hiện thực hoặc tan vỡ, họ bỏ nó ra đi, xóm Lèn vẫn nhẹ nhàng vỗ những con sóng ì oạp chia tay. Cuối cùng, bám trụ lại nơi xóm nhỏ đìu hiu là vỏn vẹn hai mươi nóc nhà.

Ông già bó gối ngồi thu lu trong chiếc lán kê dưới cây sung cổ thụ với phần thân đổ nghiêng về mé sông. Bên cạnh ông là tờ báo nhàu nát mới được đứa cháu đi thị trấn mua về, mang ra cho ông lúc cơm tối.

Xóm Lèn từng một thời nổi tiếng khắp vùng với giống cá trắm trứ danh. Thời đó, người dân làng trên xóm dưới nô nức kéo về xóm Lèn dựng bè, làm lồng thả cá. Giống cá này chẳng xa lạ gì nhưng chỉ mỗi ở xóm Lèn, cá mới đen tuyền, thịt chắc nịch và không hề bị tanh như ở những nơi khác.

Ngày ấy, những chuyến đò chở người từ thị trấn về xóm Lèn lấy cá, rồi người xóm Lèn đi thị trấn mua hàng hóa cứ nườm nượp hai bên bờ sông Sương. Dù đến tận bốn, năm người lái đò mà người ta vẫn cứ phải chen chúc nhau mới có chỗ. Ông già làm nghề lái đò từ cái thời ấy, tính ra cũng ngót nghét gần 30 năm.

Bên bờ sông Sương có một loại cỏ dại mọc tua tủa từng bãi đan xen nhau thành những tấm thảm xanh rộng lớn. Mùa xuân, loại cỏ này nở những bông hoa trắng li ti rung rinh trong những cơn mưa phùn. Người dân xóm Lèn gọi loại cỏ này là moan. Ngoài làm thức ăn cho cá, chúng không còn tác dụng gì khác. Người dân xóm Lèn từng đau đầu tìm cách phá bỏ cỏ moan nhưng đành bất lực trước khả năng sinh sôi và phát triển của nó. Có người nói cỏ moan như người dân xóm Lèn - tuy mỏng manh nhưng cứ bám lấy nhau mà sống kiên cường giữa vùng sông nước. Ấy vậy mà từ khi bị phát hiện là nhân tố chính giúp thịt cá trở nên đặc biệt, cỏ moan bị cắt bỏ ráo riết, triệt hạ không thương tiếc. Một ngày, người xóm Lèn ra bãi ngỡ ngàng khi thấy nơi bờ sông, đám cỏ moan đã biến mất như chưa từng hiện diện.

Những nhà bè nháo nhác tìm đủ loại cỏ thay thế để nuôi cá, thậm chí dùng các loại bột tăng trọng, thuốc để kích thích. Những con cá ăn bột lớn nhanh hơn hẳn nhưng thịt cá nhão nhoẹt, tanh nồng. Nhiều lứa cá bị thương lái trả về, danh tiếng của cá xóm Lèn cũng theo đó mà tàn lụi. Bè bị phá dần, những nhà lồng bỏ không mặc cho nắng mưa. Bến đò dần thưa vắng, những người lái đò nghỉ hết, chỉ còn lại mỗi ông già vẫn miệt mài đón đưa người xóm Lèn đi đi về về hai bên bờ sông Sương.

* * *

Hôm đó, sau những ngày mưa buốt lạnh, cuối cùng mặt trời đã chịu ló dạng, chiếu những tia nắng sưởi ấm xóm Lèn. Đang đung đưa chân sảng khoái tận hưởng những tia nắng ấm, ông già giật mình vì có tiếng gọi đò. Tay ông thoăn thoắt tháo sợi dây thừng đang buộc đò vào gốc cây sung rồi nhảy lên thuyền đẩy về phía bên kia bờ sông. Là một thanh niên trẻ, không phải người xóm Lèn.

Cậu thanh niên đeo chiếc máy ảnh đằng trước bước lên đò, vồn vã hỏi han ông già: "Ông bao nhiêu tuổi? Làm lái đò có đông khách không ông? Khách có áo phao không ạ?"…

Ông già thật thà trả lời những câu hỏi của cậu trai trẻ: "Tôi lái đò cũng gần 30 năm rồi, người đi đò chủ yếu là dân xóm Lèn, hiếm lắm mới có khách lạ như cậu. Xóm Lèn bốn bề là nước sông Sương, trẻ con đẻ ra chưa biết đi đã biết bơi thì áo phao làm gì?".

Chiếc máy ảnh của cậu trai trẻ chụp lia lịa. Ông già giới thiệu về xóm Lèn của mình một cách hào hứng. Thế nhưng, khi ông già đang say sưa kể thì cậu thanh niên nhờ ông đưa ngược trở lại vì có việc đột xuất. Chia tay ông già, cậu ta còn xin được chụp ông một tấm ảnh làm kỷ niệm.

* * *

Nếu không vì trả ơn xóm Lèn thì với số tiền tích cóp được từ thời khách khứa còn đến xóm nườm nượp, ông dư sức mua một miếng đất, xây một căn nhà tiện nghi ở giữa thị trấn tấp nập để tận hưởng tuổi già cùng cháu con. Năm đó, người đàn bà áo quần rướm máu dắt theo một thằng nhóc năm tuổi đã nhảy lên chuyến đò cầu xin người đàn ông lái đò cứu giúp. Anh lái đò còn chưa biết sự tình đã thấy phía xa có ánh đuốc bập bùng cùng tiếng hô hoán giận dữ của đám người đang đuổi theo. Anh nhẹ đẩy sào cho con thuyền trôi ra xa. Hóa ra, người đàn bà đó bị người đàn ông có vợ lừa có con với ông ta, mãi đến khi bà vợ ở nhà mang theo anh em họ hàng đến tận nhà tìm, cô mới hay mình là… người thứ ba.

Đứa bé năm tuổi đó chính là ông già bây giờ. Người đàn ông đó mang hai mẹ con người đàn bà xa lạ về xóm Lèn, cùng bà con chòm xóm dựng cho căn nhà tre và cưu mang họ. Ông già lớn lên với lòng biết ơn dân xóm Lèn và món nợ ân tình mà có lẽ ông dành cả phần đời còn lại cũng chẳng thể trả hết.

Những dòng chữ in đậm nơi tiêu đề bài báo đập vào mắt ông già: "Mối nguy hiểm của những chuyến đò tự phát". Nội dung bài báo phản ánh việc những chuyến đò không được trang bị các phương tiện bảo hộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hành khách qua sông. Câu chuyện và hình ảnh ông già 80 tuổi răng và tóc đã rụng gần hết được in chình ình giữa trang báo như càng khiến mức độ nguy hiểm của những chuyến đò tăng lên bội phần.

Gần 30 năm nay, ông cứ cặm cụi với cái thuyền con con buộc thêm cái mủng, đưa đón bao nhiêu lượt người xóm Lèn qua khúc sông Sương. Thấy ông già bần thần khi đọc tờ báo, thằng nhỏ kể sáng nay trên chợ thị trấn người ta đồn ầm lên về một ông già gần kề miệng lỗ mà vẫn còn tham tiền, bất chấp tính mạng của hành khách, cơi nới cái thuyền nhỏ xập xệ để chở được nhiều khách sang sông. Nghe đâu ông già đó còn làm luôn cái lều bên bến để canh khách.

* * *

Đêm đó, ông già trằn trọc mãi trong lều. Bao nhiêu năm qua, người ta lần lượt bỏ bến đò hết, chỉ còn lại mỗi ông. Nhiều khi trái gió trở trời, xương khớp ê buốt nhưng có ngày nào ông nỡ để bến vắng đò.

Người xóm Lèn ngày nào cũng ra chợ sớm, đem những trái bắp, củ khoai đổi về ít tiền cho lũ trẻ đóng học phí. Cái thuyền con mỗi chuyến chở được chừng ba, bốn người là chòng chành biểu tình, nếu không có cái mủng chắc bọn con nít xóm Lèn đã bỏ học từ lâu vì ngày nào cũng đi học muộn. Hai ngàn đồng cho hai lượt đi về chẳng đủ tiền cho ông lão mua dầu gió về bôi vào những chỗ đau nhức khi đêm lạnh.

Ông có nhà nhưng chẳng dám về vì sợ như cái lần nghe lời bà già về nhà ngủ cho đỡ lạnh, nửa đêm có người đau bụng đi đẻ cần sang thị trấn vào viện gấp, gọi í ới mà chẳng thấy lái đò đâu. May lần đấy ông già chạy ra đưa sang kịp. Bác sĩ nói chỉ cần chậm một chút thôi là cả mẹ lẫn con đều không qua khỏi. Kể từ đó, ông bám trụ luôn ở bến đò không rời nửa bước. Mắt ông cứ thao láo như vậy đến tận gần sáng thì lồm cồm bò dậy, ôm theo cái đài cát-xét bước từng bước khập khiễng về phía xóm Lèn. Ông già trốn biệt trong nhà, ai hỏi sao cũng không nói.

Bỗng ngoài ngõ, tiếng chó sủa inh ỏi, có người gọi tên ông già. Nghe tiếng ồn, ông già ước chừng phải đến cả chục người. Mấy giây sau, đám người đã nêm chặt căn nhà cấp bốn của thằng con trai ông già, người thì buồng chuối, người thúng gạo nếp, người con gà, người chục trứng… Thì ra dân xóm Lèn sáng nay ra bến đò không thấy ông già đâu, tưởng ông bị ốm nên mang đồ đến thăm. Đám đông vồn vã, người này tranh người kia hỏi xem ông già bị làm sao.

Những câu chuyện từ cái thời xa lắc liên quan đến những chuyến đò của ông già mà ông đã quên từ lâu được họ lôi ra kể và cảm ơn mãi. Rồi họ bảo cũng đã đến lúc ông cần được nghỉ ngơi. Nghe đâu chính quyền sẽ làm một chiếc cầu để bà con đi lại an toàn.

Trưa đó, ăn xong bữa cơm vội với cả nhà, ông già khoác cái áo và xách cái đài chậm rãi đi ra thăm lại bến sông vì nhớ, dù ông chỉ vừa xa nó nửa ngày. Đến gần bến, ông bất ngờ thấy một bông hoa moan bé xíu đang hé nở nơi căn lều của ông. Hóa ra mùa xuân đã về.

Lê Đình Trung

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-mua-moan-trang-20250102154842371.htm
Zalo