Thương nhau mà sống – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Mai xuống sân bay vào lúc chiều muộn, chị không vội về quê mà bắt taxi về nhà cũ. Nhà cũ của chị nằm trong một con phố nhỏ, bình yên. Hai bên đường là hàng cây bàng, thỉnh thoảng sẽ thấy dưới gốc cây người ta bày bán một thức quà gì đó đủ để gây thương nhớ. Ngồi trên xe lòng dạ Mai bồn chồn không yên. Vừa muốn xe chạy thật nhanh để được gặp con gái, lại vừa mong chậm lại vì sợ phải đối diện với một người đàn bà khác. Khi nãy Quân gọi điện dặn: “Em cứ đến đón con. Anh phải đi công tác đột xuất, có Loan ở nhà”. Vẫn là người đàn ông ấy, nhưng cuộc gọi của bốn năm sau thì đã khác xưa rồi. Mai đứng trước căn nhà từng là mái ấm của mình, lần chần bấm chuông. Chị tưởng tượng người đàn bà ấy có thể đang thu quần áo trên sân thượng, nghe tiếng chuông cửa vội vã chạy xuống ba tầng nhà. Ngày trước vừa chạy Mai vừa đếm, hai mươi ba bậc cả thảy. Vuốt lại mái tóc cho gọn gàng, Mai vội vàng mở cửa. Nhưng hôm nay người đứng bên trong cánh cửa ấy không phải là Mai. Chị đứng bên ngoài, nở sẵn một nụ cười ngượng ngạo khi cánh cửa mở ra.

- Chị à. Em mời chị vào nhà.

- Chị là mẹ của bé Phượng. Chị qua để đón bé về quê.

- Vâng. Em có nghe anh Quân nói. Cháu Phượng đang tắm chị ạ, chắc là sắp xong rồi. Biết mẹ về cháu cứ mong ngóng mãi.

Mai nhìn quanh căn nhà cũ một lượt, mọi thứ gần như không thay đổi. Bộ bàn ghế, chiếc bình hoa vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ có chị là vị trí đã khác xưa. Loan đon đả giục Mai ngồi, rót mời chị một tách trà hoa cúc. Nhìn tách trà hoa cúc bốc hơi trước mặt chẳng hiểu sao Mai thấy ngậm ngùi.

- Anh Quân nói chị thích trà hoa cúc đường phèn mật ong, nên em pha đợi chị. Dù có thể bây giờ khẩu vị của chị đã khác xưa.

- Trà hoa cúc thanh nhiệt, mát gan tốt cho sức khỏe. Nhưng em nói đúng, thời gian trôi qua mọi thứ dần thay đổi. Đã lâu rồi chị không còn thói quen uống trà nữa. Có thể vì bận quá, mỗi lần khát chỉ cần một cốc nước lọc thôi là đủ.

- Cũng phải, càng đơn giản sẽ càng thấy nhẹ nhàng chị nhỉ? Vợ chồng em thì tối nào cũng pha một ấm trà nhâm nhi. Có gì thì pha đó, hương vị không quan trọng. Thật ra cũng chỉ là cái cớ để ngồi lại bên nhau.

- Anh Quân giờ cũng thích uống trà ư? Trước kia mỗi khi thấy chị pha trà hoa, anh ấy thường nói câu “bày vẽ”.

Loan tủm tỉm bảo:

- Thế mà bây giờ anh ấy là người ưa bày vẽ nhất nhà. Chắc tại già rồi đổi tính đấy chị ạ. Chị ngồi chơi đợi em một lát. Em lên xem cháu chuẩn bị đồ đạc còn thiếu gì không ạ.

Nhìn bóng Loan đi khuất cầu thang, Mai thả lỏng ngả người dựa vào ghế. Lúc này chị mới có thời gian để ý kỹ hơn mọi thứ xung quanh. Chiếc rèm cửa đã thay mới, vải rèm hình hoa lá trông mát mắt. Ngoài ban công cây cối tốt tươi, vài bụi hoa khoe sắc. Cửa ban công mở sẵn đón những ngọn gió trời. Mai đứng dậy bước ra ngoài, chị để ý thấy đất trong những chậu cây còn ẩm ướt. Con bọ cánh cam ẩn mình sau tàu lá mướt xanh rón rén bò. Đâu đó một con châu chấu từ cánh đồng ngoại ô nào đó lạc giữa phố trong khu vườn bé nhỏ này đang thập thò nhìn Mai. Vẫn bàn trà năm xưa chính tay Mai mua đặt ngoài ban công nhưng giờ đã không còn phủ bụi. Trên bàn trà đặt một hộp đựng kim chỉ, cúc áo, chiếc khăn thêu dở dang, hộp mứt gừng, bộ ấm trà sạch bóng và tờ báo thể thao có lẽ đang đọc dở. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy chủ nhân của nó hàng ngày vẫn ngồi đây thảnh thơi, sum vầy sau một ngày làm việc. Mai bất giác mỉm cười…

Trước kia, lúc mới về làm chủ nhân nhà này, Mai háo hức như tất cả những người đàn bà khác. Chị đã rong ruổi nhiều chợ cây chở về rất nhiều chậu hoa ưng ý. Nhưng chị bận bịu tối ngày không chăm sóc được nên cây cối héo khô. Chồng cũ thường càu nhàu mỗi khi thấy chị mang một chậu cây khô đi vứt. Hai người vì sao mà ly hôn? Nhiều người từng hỏi Mai như thế. Không có lý do gì to tát cả, hôn nhân của chị cũng giống như những chậu cây. Một người bận bịu không tưới tắm, còn một người thờ ơ chẳng chịu vun trồng. Bị bỏ mặc quá lâu, đến lúc nhận ra thì đã không còn ai muốn cứu vãn cuộc hôn nhân ấy nữa. Mai chọn cách ra đi…

Tiếng bước chân khấp khởi trên từng bậc cầu thang đưa Mai về thực tại. Phượng ùa tới, dụi mái tóc vẫn còn ướt nhẹp vào lòng mẹ, thổn thức:

- Con chờ mẹ mãi.

- Xem này, con gái lớn quá. Sắp cao bằng mẹ đến nơi rồi.

- Con ngoan lắm chị ạ. Đi học về còn biết giúp cô làm việc nhà đấy ạ.

- Đó là vì cháu Phượng được cô yêu thương, dạy bảo tận tình.

Hai người đàn bà thoáng chạm phải ánh mắt của nhau, thấu hiểu, cảm thông chẳng cần nói nhiều lời. Bốn năm trước khi rời khỏi cuộc hôn nhân này, Mai để con cho chồng chăm sóc để sang Úc làm việc. Bốn năm bươn chải xứ người kiếm đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt, chị chỉ mong đến ngày về để chu toàn lo cho bé Phượng. Chị biết suốt mấy năm qua trong hành trình khôn lớn của con có công lao, bóng dáng của Loan. Hằng ngày, hai mẹ con vẫn gọi facetime cho nhau. Trong câu chuyện thỉnh thoảng con vẫn nhắc đến cô Loan. Từ những bức ảnh con chụp gửi cho chị, thấy nem cuốn khéo quá, rau luộc xanh ngon quá, mấy bông hoa cà rốt con tỉa sao mà xinh thế? Con gửi một icon mặt cười kèm lời nhắn “cô Loan dạy con đấy mẹ ạ”.

Mai biết ơn vì lúc mình ở xa có một người đàn bà khác sẵn sàng ôm con vào lòng lúc con buồn. Biết ơn vì cái cúc áo con rơi có người khâu lại. Biết ơn vì khi con ốm sốt có bàn tay sờ lên vầng trán nhỏ, nấu cho con bát cháo nóng còn bốc hơi nghi ngút. Như lúc này Loan cũng là người chu đáo chuẩn bị cho bé Phượng từng viên thuốc say xe. Chị cầm tay Loan thay một lời cảm ơn trước khi hai mẹ con rời đi cho kịp chuyến xe khách cuối cùng về tỉnh. Lúc ra đầu ngõ chị ngoảnh lại vẫn thấy bóng dáng Loan đứng tiễn ở cửa nhà. Quân gọi điện dặn dò: “Hai mẹ con về đến nơi, nhớ nhắn tin cho anh yên tâm nhé”. Con đường quen thuộc dần lùi lại phía sau. Bé Phượng thò tay vào túi áo rồi xòe ra vài viên kẹo ngọt. “Cô Loan nói, lên xe buồn thì ngậm. Mẹ có ngậm không?”. Vị thanh mát của viên kẹo lan ra trong khoang miệng. Từ hôm qua đến giờ chị đã di chuyển suốt một chặng đường dài mỏi mệt. Giờ là lúc chị nắm lấy tay con, ngả người ra ghế, chìm vào giấc ngủ ngắn trong dư vị ngọt ngào.

Chị đưa con về quê ngoại, từ nay hai mẹ con sẽ sớm tối quây quần. Chị sẽ xây một căn nhà nho nhỏ trên mảnh đất được bố mẹ chia cho. Nhà nằm ngay mặt đường quốc lộ nên chị tính dùng vốn liếng tích cóp bao năm để mở một cửa hàng tạp hóa bán cho khách đi đường. Chị chưa nghĩ gì chuyện xa xôi. Bao năm một mình ở xứ người vất vả, khó khăn là thế còn vượt qua, huống hồ giờ có người thân bên cạnh. Hai mẹ con cứ nương tựa vào nhau, chăm chỉ làm ăn chẳng lo không sống tốt. Mọi người hay hỏi chị có tính mở lòng với ai đó nữa không? Chị còn trẻ mà, còn rung động yêu thương với những điều tốt đẹp. Nhưng đi qua những biến cố thăng trầm khiến chị nhận ra, hạnh phúc của một người đàn bà không phải chờ đợi ai đó đến yêu thương mà mình phải thương mình trước hết.

Hôm về nhà mới chị nhận được một món quà đặc biệt. Đó là mấy chậu hoa nhỏ được Loan đặt ship tới nhà. Mai ngồi ngắm mấy chậu cây nở hoa rực rỡ cạnh màu sơn mới mà lòng thấy xôn xao. Có những người đàn bà nhìn hoa mà thấu hiểu nhau. Người đến trước, người đến sau thương nhau mà sống. Hoa có lúc nở ắt phải có lúc tàn. Người đến rồi cũng có thể rời đi. Hiểu được cũng sẽ buông bỏ được những chấp niệm trong lòng. Mảnh vườn rộng trước nhà chị sẽ trồng xuống từng khóm hoa giống, từng bầu cây nhỏ. Một ngày gần thôi cây sẽ mướt xanh, hoa sẽ thắm cành. Biết đâu một ngày nào đó chị sẽ đón Loan tới chơi. Khi ấy hẳn chị và Loan đã đủ thảnh thơi cùng nhau ngồi nhâm nhi một tách trà hoa. Hai người đàn bà hẳn sẽ có biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau. Về những đứa con đang mỗi ngày lớn khôn. Về một bộ phim hay, một cuốn sách đáng đọc. Hoặc vài ba câu chuyện phiếm hết sức đàn bà để được rinh rích với nhau chẳng cần câu nệ. Trong câu chuyện của hai người hẳn sẽ có bóng dáng của Quân. Dù là hình dung thế nào đi chăng nữa, Mai đều thấy nhẹ nhõm trong lòng.

Sáng nay Phượng có buổi hẹn đầu tiên với những người bạn mới. Con mặc chiếc áo trắng tinh khôi, trên ngực có thêu một chùm hoa nho nhỏ. Hình thêu đó quen lắm, Mai đã nhìn thấy một chùm hoa y hệt trên chiếc khăn thêu dở đặt ở bàn trà trong căn nhà cũ. Mai bất giác mỉm cười…

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/324565/thuong-nhau-ma-song-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-vu-thi-huyen-trang.html
Zalo