6 nhóm người nên thận trọng và hạn chế ăn cá

Cá là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp protein, omega-3, vitamin và nhiều khoáng chất quan trọng. Tuy nhiên, có một số nhóm người không nên ăn cá hoặc cần thận trọng khi ăn cá.

Nội dung

1. Người có triệu chứng bị dị ứng khi ăn cá

2. Người mắc bệnh gout

3. Người bị rối loạn chức năng máu

4. Người bị rối loạn tiêu hóa

5. Người bị tổn thương gan, thận nặng

6. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần lưu ý về hàm lượng thủy ngân trong cá

Cá là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn ít nhất hai phần cá mỗi tuần.

Cá là nguồn protein hoàn chỉnh, chứa tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể cần nhưng không tự tổng hợp được. Protein rất quan trọng cho việc xây dựng và phục hồi các mô, tế bào trong cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch và nhiều chức năng khác... Cá cũng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất như vitamin D, B12, selen, i-ốt, canxi…

Tuy nhiên, 6 nhóm người dưới đây cần thận trọng hoặc thậm chí nên tránh ăn cá vì những lý do sức khỏe khác nhau:

1. Người có triệu chứng bị dị ứng khi ăn cá

Bất kỳ loại cá nào cũng có thể gây dị ứng với người dị ứng cá.

Bất kỳ loại cá nào cũng có thể gây dị ứng với người dị ứng cá.

Dị ứng cá là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch đối với protein có trong cá. Khác với ngộ độc thực phẩm do ăn cá ươn hay nhiễm khuẩn, dị ứng cá là phản ứng của hệ miễn dịch, có thể xảy ra ngay cả khi ăn cá tươi và được chế biến kỹ.

Các triệu chứng dị ứng có thể từ nhẹ (phát ban, ngứa, buồn nôn) đến nghiêm trọng (khó thở, sốc phản vệ, có nguy cơ đe dọa tính mạng). Bất kỳ loại cá nào cũng có thể gây dị ứng nhưng một số loại thường gặp hơn bao gồm: Cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm…

Phòng ngừa dị ứng cá nên đọc kỹ nhãn mác thực phẩm để kiểm tra thành phần để tránh các sản phẩm có chứa cá hoặc các thành phần từ cá. Khi ăn ở ngoài, hãy thông báo cho nhân viên nhà hàng biết về tình trạng dị ứng để họ chuẩn bị món ăn an toàn. Một số thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa protein cá mà không biết. Tốt nhất, nếu đã từng bị dị ứng với cá, hãy tránh tất cả các loại cá và các sản phẩm từ cá.

2. Người mắc bệnh gout

Cá chứa purin, một chất khi chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo thành acid uric. Nồng độ acid uric cao trong máu là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Do đó, người bệnh gout nên hạn chế ăn các loại cá chứa nhiều purin như cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá cơm, cá thu…

Ngay cả với các loại cá có hàm lượng purin thấp, người bệnh gout cũng nên ăn với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều trong một bữa hoặc ăn quá thường xuyên. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về lượng cá phù hợp với tình trạng bệnh. Việc tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để kiểm soát bệnh gout và ngăn ngừa các cơn đau cấp.

3. Người bị rối loạn chức năng máu

Những người mắc các bệnh rối loạn chức năng máu và có tính chất xuất huyết như giảm tiểu cầu, thường xuyên bị chảy máu mũi, xuất huyết trong nên ăn ít hoặc tránh ăn cá. Một số chất trong cá có thể ức chế tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu.

Acid béo omega-3 (EPA và DHA) có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích… có nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch nhưng chúng cũng có tác dụng làm loãng máu, ức chế sự kết tập tiểu cầu. Tiểu cầu là những tế bào máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, giúp hình thành máu đông để ngăn chặn chảy máu. Khi tiểu cầu bị ức chế, máu sẽ khó đông hơn, làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là ở những người đã có sẵn rối loạn chức năng máu.

Một số loại cá chứa vitamin E (cá hồi, cá trích, cá tuyết…), một chất chống oxy hóa cũng có tác dụng làm loãng máu. Mặc dù vitamin E là một chất dinh dưỡng thiết yếu mang lại nhiều lợi ích nhưng đối với người bị rối loạn chức năng máu, việc tiêu thụ quá nhiều vitamin E, đặc biệt là từ cá cần được cân nhắc cẩn thận.

4. Người bị rối loạn tiêu hóa

Việc lựa chọn và tiêu thụ cá một cách thông minh là rất quan trọng.

Việc lựa chọn và tiêu thụ cá một cách thông minh là rất quan trọng.

Những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích nên thận trọng khi ăn cá. Một số loại cá có thể gây khó tiêu, đầy bụng hoặc làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn như các loại cá béo giàu omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ…). Chất béo omega-3 mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa so với protein và carbohydrate. Khi hệ tiêu hóa đang bị rối loạn, khả năng tiêu hóa chất béo bị suy giảm, dẫn đến các triệu chứng khó chịu.

5. Người bị tổn thương gan, thận nặng

Chức năng gan và thận suy giảm có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý và đào thải các chất từ cá, đặc biệt là protein và các chất độc hại như thủy ngân. Do đó, người bị tổn thương gan, thận nặng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn cá để đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

6. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần lưu ý về hàm lượng thủy ngân trong cá

Mặc dù cá là nguồn cung cấp omega-3 quan trọng cho sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú cần đặc biệt lưu ý về hàm lượng thủy ngân trong một số loại cá. Nên tránh các loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá thu vua, cá kình, cá mập. Nên ưu tiên các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá rô phi.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) khuyến nghị cho phụ nữ mang thai và cho con bú:

Nên ăn 2-3 khẩu phần (khoảng 227-340 g) cá mỗi tuần từ các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp.
Hạn chế ăn cá ngừ trắng (albacore) xuống khoảng 170 g mỗi tuần.
Tránh hoàn toàn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao.

Bảo Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-nhom-nguoi-nen-than-trong-va-han-che-an-ca-169241228131222163.htm
Zalo