Ở lại tết Việt...

Trong căn nhà nhỏ, giai điệu bài Way Back into love (Trở lại với tình yêu) khẽ vang lên, nhẹ nhàng, da diết. Ở phía góc nhà đặt một cành đào bé xinh... Tony Malcolm Sparg hỏi tôi: 'Would you like some coffee?'(Bạn có muốn uống cà phê không?).

Ngày 2/2/2016, anh Tony và chị Hồng Bích đăng ký kết hôn tại UBND TP Thanh Hóa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày 2/2/2016, anh Tony và chị Hồng Bích đăng ký kết hôn tại UBND TP Thanh Hóa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tình yêu từ... chiếc mũ bảo hiểm

Tôi ngồi trong căn nhà nhỏ ấy, một chiều đông, ở 13/30 Cửa Hữu, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa). Nơi đây là tổ ấm của vợ chồng Tony Malcolm Sparg và Hồng Bích. Cả 2 đều là giáo viên dạy tiếng Anh. Tony là người Anh, quốc tịch Nam Phi. Còn Hồng Bích là người Việt Nam, quê Thanh Hóa.

Hôm nay là ngày 30 tháng 11 (âm lịch) nhưng căn nhà nhỏ đã nồng nàn mùi tết. Hồng Bích chỉ tôi cành đào ở góc nhà nhưng mắt thì hướng về Tony với cái nhìn ấm áp. Chị khoe: “Cành đào phai này do chính Tony mang từ trên rừng về. Anh ấy rất thích đào và thích tết cổ truyền Việt Nam”.

Tôi không biết sẽ bắt đầu từ đâu về tình yêu của Tony và Hồng Bích. Có thể từ chiếc mũ bảo hiểm đã gắn kết lại họ với nhau hay đúng hơn như cách nói của Tony: “Với chúng tôi, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh”.

Và tôi, giữa chiều đông này, được nghe câu chuyện tình yêu của một người đàn ông Nam Phi và một phụ nữ Việt Nam để cảm nhận về một chuyện tình đẹp “không biên giới”.

Câu chuyện của 10 năm về trước. Năm 2015, Hồng Bích gặp Tony. Khi đấy, chị đang làm kế toán một công ty máy tính còn Tony là giáo viên ở trung tâm tiếng Anh tại TP Thanh Hóa. Nơi làm việc của họ cạnh nhau. “Chúng tôi cũng thỉnh thoảng gặp nhau và chào hỏi. Tôi từng tốt nghiệp đại học, khoa sư phạm tiếng Anh nên dễ dàng hơn trong trò chuyện. Một lần, tôi và Tony không hẹn mà gặp ở hàng bán mũ bảo hiểm. Tony có nhờ tôi chọn giúp anh ấy một chiếc mũ...”. Hồng Bích bắt đầu câu chuyện tình yêu của họ như thế.

Từ chỗ biết thành quen, sau 3 tháng quen nhau, Hồng Bích được Tony mời cơm để cảm ơn về chiếc mũ bảo hiểm. Sau 8 tháng, Tony ngỏ lời cầu hôn chị. Một người đàn bà đã từng đổ vỡ trong hôn nhân như Hồng Bích, đáng ra phải vui khi đón nhận điều này nhưng ngược lại. Chị đã thẳng thắn nói với Tony: “Em sẽ không mang lại hạnh phúc cho anh vì em không thể sinh con. Em cũng không phải là người kiếm ra nhiều tiền. Em đã ly hôn 7 năm và xác định, không đi bước nữa. Vì vậy, em không thể lấy anh. Phải không Tony, lúc đó em đã nói với anh như thế”. Tony gật đầu, âu yếm nhìn vợ: “Đúng. Nhưng phụ nữ nói không là có. Tôi vẫn tin em luôn dành cho tôi một góc nhỏ trong lòng. Quá khứ của em tôi không quan tâm mà chỉ muốn nhìn thấy em của hiện tại. Tôi cũng đã từng ly hôn vợ 20 năm nên không có lý do gì để tôi không đến được với em”.

Sau lần đó, Tony bay về Nam Phi 2 tuần. 2 tuần của thử thách và... nhung nhớ. Tony gọi điện cho Hồng Bích như một lời khẩn cầu: “Tôi đã bán nhà bên này. Tôi sẽ trở lại Việt Nam. Tôi sẽ chọn Việt Nam là nơi sinh sống và làm việc. Tôi cần có em bên cạnh”. Trái tim Hồng Bích bỗng run rẩy. Chị khóc. Trong lòng chị cũng đang rất nhớ Tony. Sau 7 năm ly hôn và những tưởng chuyện tình cảm đã “đóng băng” nhưng không, tình yêu của Tony đã kéo chị trở lại...

Ngày 2/2/2016, Tony và Hồng Bích đi đăng ký kết hôn. Đây cũng là cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài đầu tiên đăng ký kết hôn tại UBND TP Thanh Hóa lúc bấy giờ. Ngày 14/6/2016, diễn ra hôn lễ của Tony và Hồng Bích.

“Tôi thích tết Việt nhưng tôi sợ rượu, bia”

Tony Malcolm Sparg từng tốt nghiệp Trường Đại học Kwazulu-Natal (Nam Phi). Tại Thanh Hóa, anh từng làm việc tại Công ty CP Giáo dục Magic English, Công ty TNHH Đào tạo Apple... Hiện anh đang làm giáo viên tiếng Anh tại Công ty TNHH Anh ngữ Vietlish.

Tony Malcolm Sparg chụp ảnh cùng gia đình bên vợ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tony Malcolm Sparg chụp ảnh cùng gia đình bên vợ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

10 năm ở Việt Nam, Tony đã có nhiều chuyến phượt xuyên Việt bằng xe đạp hoặc mô tô. Ở Thanh Hóa, anh đã từng đặt chân đến Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân)... Trong lúc trò chuyện, Tony đã không giấu được cảm xúc. Anh thốt lên: “Việt Nam rất đẹp. Rất an toàn. Thanh Hóa cũng vậy. Tôi thích ở lại đây”. “Và ở lại tết Việt?”. Tôi hỏi. “Hẳn thế rồi. Rất thú vị”. Tony cười sảng khoái, trả lời.

Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ đẻ của chị Hồng Bích, là mẹ vợ của Tony vẫn còn nhớ rất rõ về cái tết đầu tiên của con rể ở gia đình bên ngoại. Tony được mẹ vợ tập cho gói bánh chưng còn vợ dạy cách làm giò thủ. Bà kể: “Cậu ấy đã rất luống cuống nhưng tỏ vẻ thích thú. Khi gói được một chiếc bánh chưng, cậu ấy đã cười rất to vì không tin, bản thân có thể làm được dù nó không hề “vuông thành sắc cạnh...”. Còn Phạm Tiến Nam, một người bạn thân của Tony, hiện đang là giáo viên tại Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ Thanh Hóa đã dí dỏm chia sẻ, rằng: “Tony rất dễ tính, ăn món gì cũng khen ngon. Cậu ấy thích cơm lam, thịt trâu gác bếp... Có cái tết, cậu ấy đi xe đạp từ thành phố lên quê tôi Lang Chánh, chỉ để mong được thưởng thức những đặc sản này”.

Tết Việt, với Tony là một điều gì đó thật đặc biệt. Dường như người đàn ông này rất thích khám phá về tết cổ truyền Việt Nam. Hồng Bích có nhắc đến chiếc áo dài mà chị từng may cho Tony. Nhưng Tony đã gạt tay, xua đi: “Đừng nhắc đến dù tôi rất thích mặc trong ngày tết. Tôi không đủ tự tin vì đã có lần tôi bị học sinh chê béo”.

Một vài cái tết gần đây, vợ chồng Tony không còn ở nhà đón tết mà đi đến một số điểm du lịch tại Việt Nam. Tony bỗng cầm cái cốc ở trên bàn và ngửa cổ, anh giải thích, rằng: “Tôi rất thích tết Việt. Nhưng tôi sợ chúc tụng. Tôi sợ rượu, bia. Và tôi phải “chạy trốn”. Sự thật thà của Tony khiến Hồng Bích bật cười. Cũng vì sự thật thà, đáng yêu ấy đã làm chị mềm lòng khi quyết định đến với anh.

Quay sang Tony, chị cầm lấy bàn tay anh. Cả 2 cùng du dương bài Way Back into love: “I’ve been lonely for so long. Trapped in the past, I just can’t seem to move on/ All I wanna do is find a way back into love/ I can’t make it through without a way back into love/ And if I open my heart again/ I guess I’m hoping you’ll be there for me in the end (Em đã sống cô đơn trong một thời gian dài. Luôn nghĩ về quá khứ, và dường như em không thể sẵn sàng cho cuộc sống mới. Anh chỉ muốn tìm lại được tình yêu của em. Anh không thể sống khi thiếu tình yêu của em. Và nếu anh yêu thêm một lần nữa. Anh hy vọng rằng em sẽ ở bên anh cho đến cuối đời).

BẰNG AN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/o-lai-tet-viet-34828.htm
Zalo