Truyện Kiều và Nguyễn Du trong văn hóa Việt

Tọa đàm 'Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt' sẽ diễn ra vào sáng 18/2 tại Bảo tàng CSO (Hội An, Quảng Nam).

Tọa đàm được tổ chức nhằm giới thiệu và tôn vinh giá trị di sản văn hóa thông qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đây cũng là hoạt động ý nghĩa chào đón Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ (International Mother Language Day) vào 21/2 hàng năm - dịp tôn vinh và bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trên toàn cầu, thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ và tôn trọng các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

Một số ấn bản Truyện Kiều tại CSO Gallery. Ảnh: CSO Gallery.

Một số ấn bản Truyện Kiều tại CSO Gallery. Ảnh: CSO Gallery.

Nói về tiếng Việt, nhiều người thường nhắc lại câu nói của học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) được hậu duệ khắc lại trên tấm bia đá đặt ngay trước bia mộ ông (chùa Vạn Phước, TP Huế): “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.

Là tác phẩm chữ Nôm gồm 3.254 câu thơ lục bát, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt khỏi phạm vi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, trong đó tiếng Pháp có trên 10 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc trên 10 bản, tiếng Nhật có 5 bản…

Theo GS Đào Duy Anh, với Truyện Kiều, “Nguyễn Du là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta”.

Giá trị vượt giới hạn thời gian và không gian của Truyện Kiều còn thể hiện qua vị trí của tác phẩm trong đời sống tinh thần người Việt, với nhiều hình thức dân gian như bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều... Truyện Kiều cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điện ảnh,...

Tọa đàm Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt kỳ vọng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn học của tác phẩm cũng như khẳng định tầm ảnh hưởng sâu rộng của kiệt tác này trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và thế giới. Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia sẽ thảo luận về bối cảnh, nội hàm và tầm vóc của Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của việc giữ gìn và phát triển Truyện Kiều trong bối cảnh đương đại.

Tọa đàm có sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu văn học, đại diện gia tộc Nguyễn Du, và những người yêu thích văn học, lịch sử, di sản.

Tọa đàm diễn trong khuôn viên Bảo tàng CSO (CSO Gallery), nơi có bộ sưu tập Truyện Kiều “độc nhất vô nhị”: 1.630 ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và nhiều ngoại ngữ được xuất bản trong nước và một số quốc gia trên thế giới, ấn bản bộ sưu tập Truyện Kiều của thiền sư Thích Nhất Hạnh; 600 ấn phẩm khác liên quan là những bài viết trên các tạp chí, sách báo... xuất bản từ những năm đầu thế kỷ XX như: Nông Cổ Mín Đàm (1916), Nam Phong (1919), Trung Bắc Tân Văn (1924), Nam Kỳ (1942)...; tranh Kiều; hiện vật truyện Kiều (đá nghệ thuật, bình sứ, đĩa CD…), lịch truyện Kiều, truyện Kiều trong thời trang...

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/truyen-kieu-va-nguyen-du-trong-van-hoa-viet-post1531779.html
Zalo