Xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành
Việc xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành và nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa vùng đất Ô Diên cổ huyện Đan Phượng sẽ bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử.
Ngày 19/2, huyện Đan Phượng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành.
Hội thảo nhằm khẳng định rõ nét hơn căn cứ lịch sử về thành Ô Diên và vùng đất Ô Diên cổ; nguồn gốc, thân thế và sự nghiệp của Tô Hiến Thành; các định hướng quy hoạch, xây dựng vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản…

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải.
Bảo tồn lâu dài thành cổ Ô Diên
Phát biểu khai mạc, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Đan Phượng là vùng đất cổ, nơi hợp lưu ba sông Hồng, Đáy, Nhuệ, có thành Ô Diên - kinh đô Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế.
Mảnh đất văn hiến này giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, gắn với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo và hệ thống di tích đa dạng: 1 Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp TP; một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ)…
Hội thảo lần này nhằm nghiên cứu, bổ sung, làm cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên; đồng thời phát triển du lịch sinh thái, phát triển không gian văn hóa lịch sử thành công viên văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành, khơi thông dòng sông Nhuệ cổ, phát huy giá trị thành cổ Ô Diên…

Đền Văn Hiến thờ danh nhân, Thái úy Tô Hiến Thành.
Mạng lưới di sản thúc đẩy công nghiệp văn hóa
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hạ Mỗ là vùng đất cổ, có lịch sử hơn 1.500 năm, vị trí ở đầu nguồn sông Nhuệ cổ (còn gọi là sông Từ Liêm) - một phân lưu lớn của sông Hồng. Hạ Mỗ còn là vùng đất địa linh nhân kiệt có nền văn hiến ngàn đời - nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, danh tiếng mà nổi bật nhất là Thái úy Tô Hiến Thành...
Tô Hiến Thành là danh nhân kiệt xuất, có công lớn với đất nước trong tổ chức quân đội, bảo vệ biên cương, mở mang văn hiến, tiến cử hiền tài cho triều đình để dựng xây đất nước.. Việc xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành và nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa vùng đất Ô Diên cổ sẽ bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử.
Theo ông Bài, nguồn lực văn hóa không đứng ngoài kinh tế, nếu có đề án tổ chức tốt các lễ hội đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ... sẽ phát triển du lịch, góp phần hiện thực hóa khát vọng biến Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết những ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ giúp huyện xây dựng kế hoạch tổng thể, đưa vùng đất Hạ Mỗ thành Công viên di sản và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh Tô Hiến Thành, nhân kỷ niệm 850 năm ngày mất của ông (1179-2029).
Ảnh: BTC