'Truyền cảm hứng để thế hệ trẻ gìn giữ và phát triển di sản áo dài'

Chỉ mới hoạt động một năm nhưng câu lạc bộ (CLB) Di sản Áo dài Việt Nam TP.HCM đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo tồn, quảng bá, gắn kết thế hệ trẻ với di sản quý báu của dân tộc. Bà Phùng Thị Thu Thủy, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam TP.HCM, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phú Trường Quốc tế đã có cuộc trò chuyện với vai trò người 'đứng mũi chịu sào' các hoạt động của CLB trong năm qua và các chặng đường sắp tới.

CLB Di sản Áo dài Việt Nam TP.HCM vừa kỷ niệm một năm thành lập, bà có thể chia sẻ một năm qua, CLB đã làm được những gì?

CLB được thành lập với sứ mệnh gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa giá trị của áo dài, một biểu tượng văn hóa, tinh thần và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trải qua một năm hoạt động, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo tồn, quảng bá và gắn kết thế hệ trẻ với di sản quý báu này; xác định việc bảo tồn và phát huy di sản dân tộc luôn phải gắn kết từ thế hệ trẻ, từ đó tiếp tục lan tỏa hình ảnh và thông điệp, để thế hệ trẻ hiểu và tham gia thực hiện sứ mệnh nhằm đưa tấm áo dài Việt Nam thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Làm thế nào để đề cao giá trị văn hóa áo dài trong dòng chảy hiện đại và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy di sản dân tộc là điều mà những người đi trước như chúng tôi luôn trăn trở.

Bà Phùng Thị Thu Thủy nhận sự vinh danh từ Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam.

Bà Phùng Thị Thu Thủy nhận sự vinh danh từ Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam.

Chúng tôi cũng xác định vai trò và tầm quan trọng của hình ảnh áo dài trong nhận diện và quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế, việc quảng bá di sản văn hóa thông qua truyền thông số là tất yếu. Chuyển đối số có nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta trong việc đưa những giá trị di sản và văn hóa dân tộc ra thế giới.

Chúng tôi đã dành nhiều phần quà, học bổng cho các em sinh viên nhằm khuyến khích và kêu gọi thế hệ trẻ cùng chung tay đóng góp kiến thức, kỹ năng về công nghệ tham gia cùng CLB trong nhiều hoạt động. Thế hệ trẻ và công nghệ số sẽ là điều mà CLB đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới vì đây sẽ là tương lai của sự phát triển, quảng bá hình ảnh áo dài. Muốn áo dài đi xa hơn, không thể thiếu hai yếu tố này.

Tôi cũng vui mừng vì thời gian hoạt động ngắn ngủi nhưng CLB đã tạo dựng được lòng tin với các tổ chức xã hội, các nhà hoạt động văn hóa, trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân. Họ sẵn sàng đóng góp ý kiến, tư vấn cho hoạt động của chúng tôi.

Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức được tọa đàm về việc tôn vinh áo dài trên nền tảng số với sự tham gia của bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó giám đốc thường trực Quỹ Bảo tồn văn hóa Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài Việt Nam; ông Trần Hữu Tài - kỷ lục gia sưu tầm các ấn phẩm Truyện Kiều cùng sự tham gia của nhiều khách mời, doanh nhân.

Thật vinh hạnh tôi cũng vừa nhận được sự vinh danh từ CLB Di sản Áo dài Việt Nam cho những nỗ lực thời gian qua. Đây là sự khích lệ rất to lớn cho tôi, ban chủ nhiệm và toàn thể hội viên CLB Di sản Áo dài Việt Nam TP.HCM.

Bà có thể nói rõ hơn kế hoạch phát triển nền tảng số trong việc bảo tồn, phát triển di sản áo dài?

Việc số hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp chúng ta lưu trữ thông tin, từ đó có thể dễ dàng lan tỏa hình ảnh áo dài ở cấp độ quốc tế, hướng đến thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ am hiểu số hóa nên có thể làm việc hiệu quả trong quảng bá đồng thời rút ngắn khoảng cách địa lý giúp người dân trong nước, du khách quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản được xác định phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ. Vì thế, lan tỏa tình yêu áo dài trong thế hệ này cần được chú trọng, nâng cao.

Trong thời gian tới, CLB sẽ phát triển không gian văn hóa Việt tại một số trường quốc tế để quảng bá các chương trình văn hóa độc đáo, tổ chức tọa đàm hàng quý về bảo tồn di sản, thưởng thức biểu diễn thời trang áo dài, phát triển Vietnam Heritage Ao Dai Club.

Vợ chồng bà Phùng Thị Thu Thủy và ông Bill Chua Eng Siang.

Vợ chồng bà Phùng Thị Thu Thủy và ông Bill Chua Eng Siang.

Là một doanh nhân bận rộn, bà không ngại “dấn thân” trong các lĩnh vực khác bên cạnh doanh nghiệp của mình, từ thương hiệu áo dài Peony trước đây, đến lĩnh vực mỹ thuật với vai trò cầu nối cho nhiều họa sĩ, và bây giờ là “đầu tàu” của CLB. Vì sao bà không chọn sự an nhàn?

Tôi cảm thấy mình có sứ mệnh, trọng trách với xã hội, với cộng đồng. Nếu chỉ chăm chăm lo cho doanh nghiệp của mình, gia đình và con cái của mình thì ai sẽ gánh vác những việc như điều hành CLB. CLB cần có các hoạt động để kết nối nội bộ và kết nối với các tổ chức xã hội, văn hóa khác. Với tôi, áo dài là khái niệm lớn hơn vẻ đẹp bên ngoài.

Vẻ đẹp đó là tình yêu, niềm tự hào, văn hóa của mỗi người phụ nữ Việt Nam, đúng như slogan chúng tôi đã đưa ra: Áo dài Việt Nam, khí chất Việt Nam, vươn tầm thế giới. Hoạt động của CLB sẽ luôn luôn hướng đến mục tiêu là lan tỏa vẻ đẹp của áo dài, văn hóa Việt, làm cho mọi người yêu mến, trân trọng, từ đó góp phần vào việc UNESCO công nhận áo dài là di sản phi vật thể của nhân loại. Sẽ có nhiều người cho rằng giấc mơ của tôi quá xa vời nhưng tôi tin mình có nhiều cơ sở thuận lợi để nghĩ về mục tiêu lớn lao này.

Không có một giấc mơ nào tự nhiên trở thành hiện thực. Chúng tôi có tình yêu, có trách nhiệm, đường hướng hoạt động ngày một rõ ràng, nhất là luôn có sự dẫn dắt của CLB Di sản Áo dài Việt Nam, sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của ban chủ nhiệm, các hội viên, chúng tôi sẽ làm được!

Đứng sau hoạt động của CLB Di sản Áo dài Việt Nam TP.HCM là sự hỗ trợ của Công ty Richfield Group, nơi bà Phùng Thị Thu Thủy và chồng là ông Bill Chua Eng Siang đang điều hành công việc. Richfield Group vừa kỷ niệm 30 năm thành lập, hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Bài: Phạm Vi - Ảnh: CTV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/truyen-cam-hung-de-the-he-tre-gin-giu-va-phat-trien-di-san-ao-dai-46925.html
Zalo