Tết ở Kẻ Chợ

Tuy không nằm trong văn bản hành chính chính thức của Nhà nước nhưng cái tên 'Kẻ Chợ' từ lâu đã trở thành một danh từ quen thuộc để chỉ đất kinh kỳ: Thăng Long - Hà Nội. Ngày Tết ở chốn Hà thành, phố phường xưa có gì đặc biệt, khác với thôn quê?

Kinh kỳ tấp nập

Theo TS. Đào Thị Diến thì những tư liệu phương Tây xuất hiện sớm nhất (khoảng thế kỷ thứ 17) thường dùng từ “Ca Chơ” hay “Ke Chơ” còn những tư liệu xuất hiện muộn hơn (khoảng thế kỷ thứ 19) thì thường dùng từ “La Ville Marchande” (khu phố buôn bán) để mô tả khu phố cổ của Hà Nội.

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma năm 1651 đã có từ “Kẻ Chợ” độc đáo này. Mục từ “Kẻ” được A. de Rhodes giải nghĩa: “Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh”.

Tuy chỉ là một cách nói lưu truyền, phổ biến trong dân gian song danh từ Kẻ Chợ đã phản ánh chân thực một hoạt động quan trọng, chủ yếu, phổ biến của đất kinh kì Thăng Long từ xưa đến nay, chính là sản xuất, buôn bán, lưu thông các sản phẩm hàng hóa… nhộn nhịp, sầm uất: Chàng về Kẻ Chợ thăm thầy/Nhớ mua cau đậu trầu cay cho nàng (ca dao).

William Dampier năm 1688 trong “Một chuyến du hành đàng ngoài” mô tả: Kẻ Chợ, thủ đô của vương quốc, cách biển chừng 80 dặm, nằm về bên phía tây con sông, trên một địa hình thuận lợi, cũng gần rừng và không có thành lũy, đê hay hào. Tại Kẻ Chợ có khoảng 20.000 nóc nhà. Những ngôi nhà này thường thấp, tường trát bùn và mái lợp rơm. Tuy vậy, cũng có một số ngôi nhà xây bằng gạch và lợp ngói. […] Những đường phố chính ở Kẻ Chợ đều rất rộng rãi cho dù vẫn có một vài con đường chật hẹp.

Theo mô tả của phần lớn các tư liệu, đường phố ở Hà Nội (thế kỷ 17 - 19) có sự khác biệt giữa các khu phố người Hoa và các khu phố người Việt. Ở các khu phố của người Hoa, lòng đường đều được lát đá lớn. Còn các con phố trong khu người Việt thì không được lát đá, không có vỉa hè và đầy bùn mỗi khi có mưa xuống, rất khó khăn trong việc đi lại.

Một góc chợ bán đào, quất nhộn nhịp kẻ mua, người bán. (Ảnh: TL)

Một góc chợ bán đào, quất nhộn nhịp kẻ mua, người bán. (Ảnh: TL)

Nhà cửa ở Hà Nội xưa đều lợp bằng gianh, thấp, gian trước thường để bán hàng, có tấm phên cột chặt ở bên trên, ban ngày thì chống lên bằng hai cây sào, ban đêm lại chụp xuống. Chính vì nhà toàn lợp gianh, lại chưa có điện, toàn dùng dầu để thắp sáng nên hỏa hoạn thường xuyên xảy ra.

Các phố phường của Hà Nội xưa, với đặc trưng mỗi phố một loại hàng hóa tiêu biểu - để rồi trở thành tên gọi đã được các tác giả phương Tây ghi nhận: “Tất cả các loại hàng khác nhau đều được bán” và “mỗi phố bán một loại hàng riêng, hoàn toàn theo cách các công ty hoặc các phường hội trong các thành phố châu Âu” (Revue Indochinoise, 1914).

Theo Paul Bourde, phóng viên của tờ Thời báo thì vào khoảng năm 1883, cả thành phố biến thành một cái chợ lớn ngoài trời mỗi khi có chợ phiên và chợ phiên đó cứ 6 ngày lại họp một lần. Trong những phiên chợ đó, những người buôn bán và thợ thủ công đủ loại từ các làng lân cận kéo vào thành phố. Những người bán lụa thì tập trung ở phố Hàng Đào, những người thợ kim hoàn thì tập trung ở phố Hàng Đồng, những người thợ làm nón thì tập trung ở phố Hàng Nón… Người dân quê ngồi ngay ngoài phố, hàng hóa đặt trong một miếng vải hay trong một cái giỏ, nào hoa quả, thịt thà, hàng xén, thuốc men, hàng gốm, hàng cá… Cứ đến các ngày phiên chợ hàng tơ (ngày mùng 1 và mùng 6 âm lịch), “phố Hàng Đào bỗng trở nên lộng lẫy, rực rỡ hẳn lên như chốn hang động của Alibaba”.

Còn Hocquard - người cho rằng “thủ đô xưa của Bắc Kỳ” là “một trong những thành phố thú vị nhất trên trái đất này” thì thích thú với phố Hàng Đường - “du Sucre”. Ông mô tả đó là “một con phố nhỏ lúc nào cũng đông trẻ nhỏ ngây người trước các cửa hàng” bởi là nơi tập trung của những người làm bánh kẹo và làm mứt. Cả một loạt kẹo bánh bày làm nhiều tầng trên những tấm ván có giá đỡ bên dưới. Có những chiếc thúng to và tròn đựng đường cát đầy có ngọn, sản phẩm của xứ này. […] Các hàng mứt bán cả đường phèn trắng hoặc vàng, mứt quả, kẹo nu-ga nâu dùng hạt lạc thay hạnh nhân, mứt hạt sen…[…] Người An Nam làm rất khéo kẹo thơm, kẹo mật và một loại kẹo lạc rất giống kẹo nu-ga đào lạc của Montélimar”.

Hocquard chắc đã có dịp thưởng thức nên cho rằng “Bánh quy An Nam ngon”. Ông mô tả về loại bánh này, “được làm bằng bột gạo với đường, dùng con lăn bằng gỗ cán mỏng trên mặt phiến đá, được nướng rất nhỏ lửa. Bánh được cắt thành miếng nhỏ, dùng giấy trắng in tên và biểu tượng cửa hiệu bên ngoài, gói thành từng gói bốn hoặc sáu chiếc”.

Tết ở phố!

Ngày Tết ở Kẻ Chợ đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người phương Tây có dịp chứng kiến. William Dampier cho biết: Người Đàng Ngoài có hai đại lễ trong năm. Dịp lễ chính vào dịp tuần trăng đầu tiên của năm mới. Năm mới của họ bắt đầu vào tuần trăng mới thứ nhất, tức là sau trung tuần tháng Giêng dương lịch, bởi nếu không như thế thì tuần trăng này lại thuộc về năm trước. Trong thời gian ấy, họ rong chơi mất 10 hay 12 ngày và lúc này người ta không làm việc, mỗi người đều ăn mặc hết sức sạch sẽ có thể được, nhất là hạng dân thường. Những người này bỏ thì giờ ra để đánh bạc hay chơi mọi trò chơi và người ta thấy ngoài đường phố đông nghịt những người. Có những người đem dựng những cây đu ở ngoài phố và lấy tiền của những ai muốn lên đánh đu.

Đó là những ghi chép của người phương Tây, còn tác giả Viên Mai Nguyễn Công Trí (1906 - 1988), trong “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” cũng mô tả chi tiết về ngày Tết ở phố phường Thăng Long, trong bối cảnh thời Lê mạt. Ông kể: Tục xưa, ăn Tết lớn, hay nghỉ Tết Nguyên đán đầu năm, từ mùng một đến mùng bảy tháng Giêng âm lịch. Ngày ba mươi Tết, mọi nhà trồng cây nêu, ra Giêng, mùng bảy mới hạ nêu, kể từ đây coi là hết Tết.

Tại phố phường Kẻ Chợ, theo lệ, bắt đầu ngày mùng tám mới mở cửa bán hàng, Nhưng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên có nhà chỉ mở hàng một lúc vào buổi sáng mùng tám để lấy ngày, rồi lại đóng cửa, nghỉ thêm dăm bữa, nửa tháng. Tuy nhiên, vào ngày mùng tám, nhiều nhà vẫn chưa mở hàng, họ còn đợi cho được ngày hoàng đạo mới chịu khai trương.

Những cửa hiệu bày bán hàng phục vụ dịp Tết. (Ảnh: TL)

Những cửa hiệu bày bán hàng phục vụ dịp Tết. (Ảnh: TL)

Sáng mùng mười tháng Giêng, suốt hai dãy phố Diên Hưng, tức Hàng Lam cũ, mọi nhà đang còn đóng cửa. Khách qua đường cảm thấy vẫn nguyên phong vị Tết. Đây đó, xác pháo xanh đỏ còn rải rác trên hè đường, mùi thuốc pháo vẫn phảng phất đâu đây. Hàng giấy đỏ hình chữ nhật trên nền trang kim dán ở đầu mỗi tấm cửa lùa trước nhà còn đua nhau khoe thắm. Hai ông tướng, trên hai bức tranh dán tại đôi cánh cổng mỗi nhà, nai nịt giáp trụ, mặt đỏ tía tai, râu hùm, hàm én, tay lăm lăm chiếc đao chống ngược, đứng chầu vào nhau, oai nghiêm canh gác, như cương quyết bảo vệ không khí yên lành nơi phố phường sầm uất nhất đất kinh kỳ.

Cuối ngõ, lối đi của nhiều nhà được mở rộng, những cô, cậu bé quần áo sặc sỡ, xênh xang, chạy ra, chạy vào vui đùa thỏa thích. Nhìn vào trong nhà, thấy đào quất, hồng cúc, thủy tiên vẫn tươi nguyên.

Tác giả vẽ lên cảnh tượng về nếp sinh hoạt ngày sắp Tết của khu vực buôn bán sầm uất ba mươi sáu phố phường: “Nhiều nhà đến sáng ba mươi mới quét vôi, cọ cửa, dọn sạch đồ rơm rác, bày biện nơi bán hàng thành phòng tiếp khách, công việc bù đầu, lau chùi vất vả, nhưng ai nấy đều vui vẻ, họ tin rằng sửa soạn được cái Tết chu đáo, sang năm mới sẽ tăng phúc, tăng thọ, tài lộc bằng năm, bằng mười năm ngoái. Xong các công việc dọn dẹp trang hoàng, già trẻ, lớn bé mới hò nhau tắm tất niên. Ai cũng nghĩ, tắm tất niên để gột bỏ hết những rủi ro của năm cũ. Nên có người kiêng tắm suốt những ngày đông tháng giá, song đến ba mươi Tết, rét chết cò, vẫn nghiến răng, liều mình với nước”.

Câu chuyện đón Tết của gia đình ông phủ Trường Khánh, nhà ở phố Diên Hưng, kinh thành Thăng Long, tức đoạn nằm giữa phố Hàng Đường và Hàng Đào hiện nay, được Viên Mai Nguyễn Công Chí mô tả từ việc sửa soạn đón Tết:

“Sau Tết ông Táo, ban thờ đã được bao sái (lau dọn), toàn bộ nhà thờ cũng được quét dọn sạch bong. Đồ sơn được lau chùi, đồ đồng được đánh bóng, nghi môn, quần màn được trưng lên, chiếu hoa, thảm màu được trải xuống, đèn treo, thể kết đã sẵn sàng. Khi công việc dọn dẹp, trang trí xong xuôi, các cánh cửa bức bàn lại đóng kín, chờ đến ngày đón ông vải về ăn Tết mới được mở ra”.

Trang trí bên ngoài nhà thờ thì có “đôi chậu cúc, bày cân đối hai bên cửa bức bàn, một chùm mảnh đồng hình khánh và cá mắc quanh một vòng tròn nằm ngang treo bên đầu hiên nhà thờ, đung đưa trước gió mà phát ra những âm điệu du dương”.

Minh Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tet-o-ke-cho-post538404.html
Zalo