Trường Sa vững vàng giữa biển Đông
Bài cuối:
XANH HÓA TRƯỜNG SA
BPO - Giữa trùng khơi bao la biển Đông, quần đảo Trường Sa không chỉ là biểu tượng thiêng liêng khẳng định chủ quyền của Tổ quốc mà còn là nơi ghi dấu hành trình bền bỉ, sáng tạo của những người lính đảo kiên cường.



Đảo Song Tử Tây được bao phủ bởi màu xanh cây cối
Trải qua bao mùa nắng mưa, giữa điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, từng đảo nhỏ ở Trường Sa hôm nay như khoác lên mình chiếc áo mới, màu xanh của cây cối, rau màu đang vươn lên mạnh mẽ từ cát trắng và san hô. Những mảng xanh giữa đại dương không chỉ tiếp thêm sức sống cho đảo mà còn thắp lên niềm tin cho hành trình giữ vững biển đảo quê hương.
Mầm xanh nơi đầu sóng
Giữa trùng khơi mênh mông, huyện đảo Trường Sa không chỉ là biểu tượng bất biến của chủ quyền thiêng liêng mà còn là nơi chứng kiến hành trình đặc biệt: hành trình “xanh hóa” biến những dải san hô khô cằn thành vùng đất tươi mát màu xanh. Ở nơi mà thiên nhiên khắc nghiệt, sóng to gió lớn gần như quanh năm, khí hậu mặn mòi và đất đai bạc màu tưởng chừng không thể gieo trồng, thì những hàng cây bàng vuông, phong ba, phi lao, mù u… vẫn ngày ngày lớn lên. Không chỉ là cây, đó còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của con người nơi đầu sóng ngọn gió.

Màu xanh của đảo Sinh Tồn Đông
Để có được màu xanh hôm nay, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã phải trải qua không ít thử thách. Họ tận dụng từng mét vuông đất, từng giọt nước ngọt quý như vàng để trồng cây, cải tạo đất, chăm từng luống rau, gốc cây như chính sinh mệnh của mình. Lá cây rụng được gom lại tạo mùn, kết hợp với đất màu từ đất liền chở ra; cây non được che chắn bằng lưới để tránh gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam quật ngã.

Cây xanh trên đảo góp phần chắn gió, tạo bóng mát, điều hòa khí hậu, là nơi cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi sau những giờ huấn luyện
Trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức thu gom lá cây, kết hợp với đất mùn mang từ đất liền ra để tạo lớp đất canh tác. Khi cây mọc lên thì dùng lưới che chắn gió để đảm bảo không bị gió quật ngã. Cứ thế, từng gốc cây, từng chồi xanh lớn dần lên giữa nắng gió đại dương”.


Hành trình xanh hóa Trường Sa đang được vườn ươm giống của các đảo triển khai với quy mô hàng ngàn cây giống mỗi năm
Không chỉ dừng lại ở việc phủ xanh đơn thuần, các đảo còn xây dựng vườn ươm để chủ động nguồn cây giống tại chỗ. Ở đảo Song Tử Tây, vườn ươm có thể đáp ứng từ 4.000-6.000 cây giống, góp phần nhân rộng sức sống xanh cho các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Cây xanh không chỉ tạo cảnh quan, bóng mát mà còn có vai trò chiến lược trong bảo vệ đảo: giữ đất, chắn gió, hạn chế xâm thực, điều hòa khí hậu, làm dịu đi cái nắng gay gắt đặc trưng của biển cả.
Chung tay từ đất liền, vì một Trường Sa xanh
Hành trình xanh hóa Trường Sa không chỉ là công sức, tâm huyết của những người lính đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng mà còn là nghĩa tình từ đất liền. Mỗi chuyến tàu ra đảo mang theo không chỉ lương thực, nhu yếu phẩm mà còn là cây giống, hạt giống, phân bón, đất trồng và trên hết là tình yêu Tổ quốc của đồng bào cả nước gửi gắm.


Bên cạnh màu xanh từ các loại cây đặc trưng như phong ba, phi lao, bàng vuông… đảo Song Tử Tây còn được tô điểm thêm bởi màu xanh của các vườn cây ăn trái, rau xanh
Những chương trình, chiến dịch như “Cây xanh cho Trường Sa”, “Một triệu cây xanh cho biển đảo quê hương”… được phát động, hưởng ứng sôi nổi từ Bắc chí Nam. Học sinh viết thư, vẽ tranh gửi lính đảo; người nông dân gói ghém từng gốc cây, túi đất; các đơn vị quân đội, doanh nghiệp đóng góp công sức, tài lực tất cả cùng hướng về Trường Sa với một niềm tin lớn, biến quần đảo thành “miền xanh” của Tổ quốc.
“Xanh hóa Trường Sa là hoạt động vừa mang ý nghĩa bảo vệ môi trường vừa tạo tiền đề cho việc xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển. Cây xanh góp phần cải thiện điều kiện sống cho bộ đội, nhân dân và tạo thế trận phòng thủ vững chắc giữa đại dương”.
Đại tá NGUYỄN HỮU MINH
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân
Từ năm 2023 đến nay, chương trình xanh hóa Trường Sa được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ đạo quyết liệt. Cũng chính màu xanh đó đã mang lại đời sống tinh thần phong phú hơn cho người lính đảo. Những giờ nghỉ ngơi sau huấn luyện hay công tác, họ quây quần bên vườn rau, luống hoa, cùng chăm sóc cây cối, kể chuyện quê hương, đọc thư bạn bè gửi ra. Những sắc xanh ấy làm dịu đi nỗi nhớ đất liền, bồi đắp thêm lòng kiên cường và niềm tự hào được góp sức gìn giữ vùng trời, vùng biển Tổ quốc. Song song với cây xanh, các đảo còn duy trì hệ thống vườn rau thủy canh, hệ thống lọc nước và tái sử dụng nước sinh hoạt, vừa đảm bảo lương thực tại chỗ vừa làm phong phú đời sống. Từ đó, Trường Sa không chỉ là tuyến đầu về quốc phòng mà đang từng bước trở thành mô hình sinh thái, bền vững giữa đại dương.
Trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây bộc bạch: Mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy màu xanh cây lá, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Vườn rau, luống hoa không chỉ nuôi sống chúng tôi mà còn nuôi lớn tinh thần và tình đồng đội. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, cây cối cũng như con người đều phải bám rễ, vươn lên và kiên cường sống. Chúng tôi tin rằng, với mỗi bàn tay vun trồng hôm nay, mai này Trường Sa sẽ càng thêm xanh, vững vàng giữa đại dương.
“Xanh hóa đảo xa” là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ. Những kết quả đạt được cho thấy giấc mơ phủ xanh Trường Sa không còn là điều xa vời. Mỗi chồi non, mỗi tán lá là minh chứng sống động cho ý chí của con người Việt Nam trước thiên nhiên khắc nghiệt. Không chỉ tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, những mầm xanh giữa trùng khơi còn gửi đến đất liền thông điệp mạnh mẽ: Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc, là nơi vẫn ngày ngày được vun đắp bởi lòng yêu nước, bởi tinh thần đoàn kết và những hành động thiết thực từ mọi miền quê hương.
Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây Cao Văn Giáp cho biết: “Hằng năm, chúng tôi nhận được rất nhiều món quà thiết thực của đồng bào cả nước gửi ra như: hạt giống, phân bón, đất mùn… Đây là những vật liệu để chúng tôi ươm và trồng cây xanh, từng bước xanh hóa đảo”.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với nền tảng đã gây dựng, sự vào cuộc đồng bộ của quân, dân trên đảo và đồng bào đất liền, hành trình xanh hóa Trường Sa chắc chắn sẽ còn tiếp tục, mạnh mẽ và bền vững hơn nữa. Khi những tán cây vươn cao đón nắng gió đại dương, khi từng ngọn sóng vỗ về những rặng phi lao, bàng vuông, ta biết rằng, giữa trùng khơi Trường Sa không đơn độc, bởi nơi ấy có tình yêu và niềm tin của cả dân tộc cùng đồng hành.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng, mỗi mầm xanh trên đảo là kết tinh của biết bao công sức, tình cảm và khát vọng từ đất liền. Đó không chỉ là cây bàng vuông, cây phi lao..., mà là niềm tin vào sự sống, vào tương lai bền vững giữa biển khơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục vun trồng, gìn giữ từng tán lá, từng cành cây như giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.