Du lịch cộng đồng 'gõ cửa' bản Ngày
Bản Ngày, xã Lâm Phú (Lang Chánh) - điểm đến tiềm năng về phát triển du lịch. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng những nếp nhà sàn truyền thống, các trò chơi, món ăn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái.

Dòng suối Đang thơ mộng, là điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng ở xã Lâm Phú.
Từ hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên...
Cách trung tâm huyện Lang Chánh gần 40km, men theo cung đường quanh co, uốn lượn, chúng tôi tìm về bản Ngày vào một buổi sớm mù sương. Bản mang vẻ đẹp riêng độc đáo, với cảnh quan hoang sơ, khí hậu quanh năm mát mẻ cùng những thửa ruộng bậc thang, nếp nhà sàn khép mình dưới những ngọn núi... Ở đây, điểm nhấn nổi bật phải kể đến dòng suối Đang, con suối bắt nguồn từ thung sâu những cánh rừng già, chạy dọc qua các bản Ngày, bản Buốc, bản Tiến rồi chảy ra sông Âm.
Bản Ngày là nơi sinh hoạt của 422 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái. Vài năm trở lại đây, tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên và đặc trưng văn hóa, bản Ngày đang trở thành điểm đến du lịch tiềm năng. Trong đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh đến năm 2030, bản Ngày cũng là điểm quy hoạch du lịch với đủ loại hình như du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay...
Bắt đầu làm du lịch cộng đồng từ năm 2023, đến nay homestay Suối Đang của gia đình ông Phạm Văn Lá (80 tuổi, dân tộc Thái) đã và đang thu hút nhiều du khách. Đây cũng là hộ gia đình làm du lịch đầu tiên và duy nhất ở bản Ngày. Khu homestay này có diện tích hơn 1.800m2, được xây dựng khá bài bản với hệ thống 3 nhà sàn cùng 9 phòng khép kín, có khả năng đón nhận trên 50 khách. Xung quanh khuôn viên, gia đình xây dựng thêm các tiểu cảnh, bể bơi, điểm check-in... Ông Phạm Văn Lá cho biết: "Bên cạnh các dịch vụ ăn, ngủ, du khách đến đây còn được khám phá, tham gia các hoạt động của gia đình như: trồng lúa, tìm hiểu phong tục, tập quán, thưởng thức loại hình văn nghệ dân gian... Trung bình mỗi năm, homestay có khoảng trên 5.000 lượt khách đến du lịch theo hình thức lưu trú ngắn ngày. Trừ chi phí, homestay lãi hơn 300 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động với mức lương 6 - 9 triệu đồng/người/tháng".
"So với làm nông nghiệp, thì du lịch cộng đồng cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, vừa quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào dân tộc đồng thời góp phần đẩy lùi đói nghèo. Tuy vậy, hiện mô hình này cũng chỉ mang tính tự phát, hơn nữa do khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng, người dân thiếu vốn, kiến thức kinh doanh du lịch,... nên chưa khai thác hết tiềm năng", Bí thư chi bộ bản Ngày Phạm Văn Hùng, cho hay.
"Đòn bẩy" giảm nghèo
Lâm Phú là một trong những xã nghèo của huyện Lang Chánh, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, kinh tế mang nặng “tự cung, tự cấp”, chủ yếu dựa vào trồng lúa, luồng, ngô... Xã hiện có 8 thôn/bản với trên 4.600 hộ, trong đó vẫn còn 143 hộ nghèo. Ngoài tài nguyên rừng, địa phương còn được thiên nhiên ưu ái, ban tặng với quần thể cảnh quan hoang sơ, thơ mộng, nhiều thác nước đẹp như: thác Rồng, thung lũng Lang Lung, hồ nước ngọt Lâm Danh, homestay Suối Đang thơ mộng... Với lợi thế đó, những năm qua, xã đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, ban hành cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, nước sinh hoạt. Khuyến khích các hộ dân mạnh dạn cải tạo, mở rộng diện tích nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Duy trì và phát triển các đội văn nghệ truyền thống, bảo tồn nếp nhà sàn,... hướng đến làm du lịch cộng đồng.

Du khách trải nghiệm văn hóa tại homestay Suối Đang.
Ông Hà Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú cho biết: "Với những thế mạnh vốn có, Lâm Phú được huyện đưa vào kế hoạch phát triển du lịch, đây là điều kiện để địa phương khai phá tiềm năng. Hiện, không chỉ bản Ngày, một số hộ dân các bản Nà Đang, Buốc, bản Tiên cũng được chính quyền vận động, tuyên truyền, tập huấn phổ biến để người dân tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ có thêm kiến thức làm du lịch cộng đồng. Nhờ đó, thời gian qua, phát triển du lịch ở xã có nhiều chuyển biến. Riêng năm 2024, địa phương đón khoảng 15.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Đây là tín hiệu tích cực để du lịch mang lại việc làm, thu nhập cho người dân".
Thực tế cho thấy, hiện nay việc phát triển du lịch cộng đồng tại xã Lâm Phú còn nhiều khó khăn, các sản phẩm du lịch tạo ra chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đồng bộ... Để du lịch có thể trở thành “đòn bẩy” giảm nghèo cho địa phương, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của người dân.