Trường Marie Curie mang yêu thương gửi tới chiến sĩ, thầy trò ở Trường Sa

Khi bắt đầu thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/15, trường Marie Curie (Hà Nội) tìm hiểu rất kỹ thông tin về đời sống ở đây để chuẩn bị món quà tặng phù hợp.

Sáng 2/5, tàu Hải quân 561 nhổ neo từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), bắt đầu chuyến hải trình 7 ngày đêm vượt trùng khơi đưa đoàn cán bộ, giáo viên của Hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) tới thăm quần đảo Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng ở cực Đông của Tổ quốc.

Quà tặng từ trái tim của các “cư dân” Marie Curie

Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, đoàn công tác lần lượt được đặt chân đến 5 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thấy đồng bào ở đất liền ra thăm, những người lính tỏ rõ niềm vui. Những cái bắt tay thật chặt, những chiếc ôm nồng ấm đã được mọi người trao cho nhau.

 Đoàn cán bộ, giáo viên của Hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) tới thăm quần đảo Trường Sa

Đoàn cán bộ, giáo viên của Hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) tới thăm quần đảo Trường Sa

Đón nhận quà tặng là những bức tranh của các MCer, chiến sĩ Tấn Tiến (đảo Cô Lin) say sưa ngắm nhìn từng nét vẽ. Người lính trẻ 22 tuổi chia sẻ: “Tôi nhận thấy học sinh Marie Curie phối màu rất đẹp. Dù chưa đặt chân đến quần đảo Trường Sa nhưng các em đã có ý tưởng vẽ tranh rất hay và sinh động. Cảm ơn các em đã dành tình cảm nồng thắm và sự trân trọng cho những người lính hải quân! Chúng tôi sẽ giữ gìn những bức tranh này thật cẩn thận. Đặc biệt, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, không phụ lòng tin yêu của mọi người”.

Chiến sĩ Thái Bình (đảo Đá Đông B) háo hức mở hộp quà trái tim chứa đựng những lá thư tay và hạc giấy của các “cư dân” Marie Curie. Chú Bình dừng lại khá lâu, rưng rưng xúc động khi đọc những dòng chữ nắn nót của Tuệ Minh (lớp 8I4): “Dù chưa một lần đặt chân tới Trường Sa nhưng hình ảnh về nơi ấy luôn hiện lên trong tâm trí cháu - là biển xanh rộng lớn, là màu áo lính giữa trùng khơi, là những đôi mắt sáng rực niềm tin và tình yêu đất nước…

Cháu thường tự hỏi, điều gì khiến các chú mạnh mẽ như thế. Cháu tin rằng, đó chính là lòng yêu nước sâu sắc; là lời thề sắt son với Tổ quốc; là niềm tin mỗi tấc biển, tấc đất nơi đảo xa đều là máu thịt thiêng liêng của Việt Nam. Các chú chính là biểu tượng chân thực của tinh thần Việt Nam - âm thầm mà bất khuất, giản dị mà cao cả…”.

 Hộp quà trái tim chứa đựng những lá thư tay và hạc giấy, bức tranh của các “cư dân” Marie Curie gửi tới các chiến sĩ ở đảo Trường Sa

Hộp quà trái tim chứa đựng những lá thư tay và hạc giấy, bức tranh của các “cư dân” Marie Curie gửi tới các chiến sĩ ở đảo Trường Sa

Chú Bình tâm sự:“Lần đầu tiên, chúng tôi nhận được cùng lúc rất nhiều thư tay của học sinh gửi cho, được để trong chiếc hộp rất đẹp. Ở đây, lúc thấy nhớ đất liền thì những lá thư như vậy tiếp thêm rất nhiều động lực để các chiến sĩ vững lòng, vững ý chí bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.

Sau khi đón nhận những món quà từ đoàn công tác Marie Curie, thầy Văn Truyền (giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa) phấn khởi treo luôn những bức vẽ lên tường rồi cùng các học trò ngắm nghía hồi lâu. Thầy vô cùng bất ngờ khi biết trường Marie Curie - Hà Nội có 2 cổng được đặt tên là Trường Sa và Hoàng Sa. Thầy càng hạnh phúc hơn khi xem video thầy Nguyễn Xuân Khang kể cho các MCer nghe về sự ra đời của cổng Trường Sa cùng lời chúc yêu thương gửi tới đảo xa của thầy trò Marie Curie.

 Thầy trò ở ngoài đảo Trường Sa rất hạnh phúc khi xem video thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) kể cho các MCer nghe về sự ra đời của cổng Trường Sa cùng lời chúc yêu thương gửi tới đảo Trường Sa

Thầy trò ở ngoài đảo Trường Sa rất hạnh phúc khi xem video thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) kể cho các MCer nghe về sự ra đời của cổng Trường Sa cùng lời chúc yêu thương gửi tới đảo Trường Sa

Thầy Truyền nói: “Tôi rất xúc động biết nhà trường lấy tên 2 quần đảo đặt tên cho 2 cổng. Hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa đã luôn được khắc ghi vào tâm trí của giáo viên và học sinh Marie Curie. Việc đặt tên như vậy đã lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biển đảo trong từng thế hệ học trò. Từ biển đảo xa xôi, tôi xin gửi tới thầy cô và học trò Marie Curie lời chúc sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và bình an”.

Chung tay với sứ mệnh “trồng người”

Lâu lâu mới có dịp gặp gỡ những đồng nghiệp từ đất liền ra thăm, các thầy giáo nơi đảo xa vui mừng khôn xiết và dành nhiều thời gian tâm sự về sự nghiệp “trồng người” giữa trùng khơi bao la. “2 năm trước, với mong ước được ra Trường Sa, tôi âm thầm viết đơn xung phong tình nguyện tới đây dạy học. Ban đầu, tôi không dám nghĩ nguyện vọng ấy sẽ được chấp nhận vì tuổi đã khá cao. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi hôm trước, tôi gửi đơn thì hôm sau được thông báo hoàn thiện hồ sơ để sẵn sàng rời đất liền. Khi nhận quyết định, tôi ngỡ ngàng xen lẫn háo hức”, thầy Xuân Hạnh (57 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa) kể.

Theo thầy Hạnh, việc dạy học ở ngoài đảo gặp vô vàn khó khăn như: phương tiện dạy học khó tiếp cận được công nghệ vì không có mạng internet, việc sử dụng điện còn hạn chế vì dùng điện năng lượng mặt trời, học trò ít và ghép lớp nhiều độ tuổi nên khó dạy theo phương pháp thảo luận nhóm… Bởi vậy, thầy Hạnh và thầy Truyền không thể áp dụng cách dạy như trong đất liền mà chủ động thay đổi, chẳng hạn như sử dụng phương pháp hỏi - đáp, trực quan giới thiệu các mô hình để học trò dễ hiểu bài.

“Chúng tôi dạy trực quan những thứ có trên đảo như: nhận biết các loại cây, con vật… Mặt khác, khi được vào đất liền, chúng tôi tranh thủ tải các video về khoa học tự nhiên, động thực vật, lịch sử… vào USB để cắm vào tivi dạy thêm cho các con”, 2 thầy chia sẻ.

Nhằm hỗ trợ thầy trò ở các đảo có thêm phương tiện dạy và học, trường Marie Curie đã tặng các thiết bị điện tử như: tivi, máy tính, máy in… hiện đại, bền đẹp.

“Tivi màn hình lớn, sắc nét sẽ giúp các con thấy rõ hình ảnh để ghi nhớ. Còn laptop giúp các thầy có phương tiện soạn bài, ra đề kiểm tra và dạy các con cách sử dụng máy vi tính để hết lớp 5, trở về đất liền thì không bị bỡ ngỡ với công nghệ”, thầy Hạnh cho biết.

 Trường Marie Curie đã tặng các thiết bị điện tử như: tivi, máy tính, máy in… hiện đại, bền đẹp để thầy trò ở các đảo có thêm phương tiện dạy và học

Trường Marie Curie đã tặng các thiết bị điện tử như: tivi, máy tính, máy in… hiện đại, bền đẹp để thầy trò ở các đảo có thêm phương tiện dạy và học

Thầy Văn Tuấn (giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây A) hàng ngày vẫn miệt mài với vai trò vừa là thầy vừa là người bạn lớn của tụi trẻ nhỏ. Thầy Tuấn chia sẻ rằng: “Ở đây, các con thiếu thốn nhiều thứ trong học tập và vui chơi. Đồ chơi loanh quanh thường ngày là những chiếc lá, viên đá ở đảo. Bởi vậy, khi thầy cô Marie Curie không chỉ mang tới bánh kẹo ngon mà còn tặng cả đồ chơi là thú bông, xe đạp… cho từng bé thì các con thích lắm”.

“Chiếc xe đạp màu hồng rất đẹp. Mình sẽ giữ gìn thật cẩn thận để được đạp xe đi chơi mỗi ngày”, Gia Hân (lớp 1, Trường Tiểu học Đá Tây A) thích thú khoe.

Minh Trí (lớp 5, Trường Tiểu học Sinh Tồn) là học sinh lớn tuổi nhất trường. Cậu rất háo hức khi được tặng xe đạp và nhiều món quà ý nghĩa. Bởi đạp xe quanh đảo ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp vốn là mơ ước của cậu. “Các thầy cô và học sinh Marie Curie rất tâm lý khi tặng chúng mình những món quà phù hợp với độ tuổi và sở thích”, Minh Trí nói.

 Thầy cô Marie Curie không chỉ mang tới bánh kẹo ngon mà còn tặng cả đồ chơi là thú bông, xe đạp… cho từng bé ở Trường Sa

Thầy cô Marie Curie không chỉ mang tới bánh kẹo ngon mà còn tặng cả đồ chơi là thú bông, xe đạp… cho từng bé ở Trường Sa

Cùng trồng cây để xanh hóa Trường Sa

Với những người lính và nhân dân trên các đảo, việc trồng rau để phục vụ bữa ăn gặp không ít khó khăn bởi thiếu nước ngọt; cũng như hơi nước mặn, gió biển ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại rau. Theo cô Kim Vân (người dân ở đảo Đá Tây A), thổ nhưỡng tại đây chủ yếu là cát mặn, san hô nên thời gian đầu ra đảo trồng rau, cô gặp tình trạng “10 cây thì 9 cây chết, 1 cây gật gù”. Sau này, các thuyền vận chuyển đất, phân bón từ đất liền ra cho các hộ dân thì mới trồng được cây. Hiện trên đảo có đa dạng các loại rau: rau cải, rau muống, mồng tơi, rau ngót…; xen canh gối vụ, phù hợp với thời tiết cho từng thời điểm.

“Nhận được những túi hạt giống từ trường Marie Curie, tôi rất mừng vì có thêm hạt gieo trồng rau cho bữa ăn hàng ngày. Cảm ơn nhà trường đã thấu hiểu và tặng chúng tôi món quà vô cùng thiết thực!”, cô Vân nói.

Chiến sĩ Hoàng Nam (nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên) cũng rất phấn khởi khi không chỉ nhận được món quà tinh thần là hạc giấy, thư tay, tranh vẽ từ các MCer mà còn nhận được những quà tặng thiết yếu khác như: quạt tích điện, máy tính, đặc biệt là những túi hạt giống.

 Không chỉ nhận được món quà tinh thần là hạc giấy, thư tay, tranh vẽ từ các MCer mà các chiến sĩ ở Trường Sa còn nhận được những quà tặng thiết yếu khác như: quạt tích điện, máy tính và những túi hạt giống.

Không chỉ nhận được món quà tinh thần là hạc giấy, thư tay, tranh vẽ từ các MCer mà các chiến sĩ ở Trường Sa còn nhận được những quà tặng thiết yếu khác như: quạt tích điện, máy tính và những túi hạt giống.

“Ở đây, tôi đảm nhận nhiệm vụ lo bữa ăn cho các đồng đội. Xa đất liền nên các chiến sĩ chủ động tăng gia sản xuất như: trồng rau, nuôi gia cầm để bữa ăn có thêm dinh dưỡng. Trên nhà giàn, vườn rau nhỏ được gieo trồng, chăm sóc kỹ càng nên rất xanh tốt. Không những vậy, chúng tôi còn tận dụng nhiều góc khác để đặt/treo chậu nhỏ trồng rau thơm như: lá mơ, lá húng, diếp cá…”, chú chia sẻ.

Bên cạnh lượng nước ngọt ít ỏi được vận chuyển từ đất liền ra, người dân và các chiến sĩ trên đảo, cũng như nhà giàn chủ động tích lũy nước mưa để phục vụ sinh hoạt, tưới cây. Vào thời điểm trời ít mưa và nắng nhiều, mọi người tự ý thức dùng nước tiết kiệm nhất có thể, tận dụng nước sau khi tắm để tưới rau.

“Trước khi bắt đầu hành trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/15, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về đời sống ở đây để chuẩn bị những quà tặng phù hợp, trong đó dành nhiều thời gian tìm mua các loại hạt giống rau chất lượng, năng suất cao. Cùng với đó, chúng tôi cũng tặng bà con những túi rau sấy khô để dự trữ lương thực, khi cần thiết có thể mang ra dùng ngay. Cũng nhân chuyến đi này, đoàn công tác trường Marie Curie đã trồng cây bàng vuông trên đảo Đá Tây A để góp phần xanh hóa một phần lãnh thổ thiêng liêng trên vùng biển của Tổ quốc”, cô Vũ Nhung (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay.

Linh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-marie-curie-mang-yeu-thuong-gui-toi-chien-si-thay-tro-o-truong-sa-post251213.gd
Zalo