Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9-5-1945 - 9-5- 2025): Người vô danh & Chiến công bất tử

Không chỉ nước Nga mà nhiều quốc gia trên thế giới đang kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít. Tâm trạng hẳn có nhiều cung bậc. Bởi chiến tranh Thế giới lần thứ hai thực sự không dài, nhưng quy mô và sự khủng khiếp của nó, chắc chưa có cuộc chiến nào sánh kịp. Bởi, nước Nga hiện tại vẫn đang có... chiến tranh!

Tượng đài nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov. Ảnh: Q.H

Tượng đài nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov. Ảnh: Q.H

Tôi đã đến nước Nga, cụ thể là Moscow, một thành phố rộng hơn một ngàn cây số vuông, dân số 12 triệu người, có lịch sử gần 900 năm, trước lễ kỷ niệm 74 năm Chiến thắng phát xít hơn 10 ngày. Nhưng thật may mắn cho tôi, trong thời gian ngắn ngủi, có phần vội vàng nữa, lại được đến tận nơi những địa danh mà không chỉ người Nga gọi đó là “trái tim”, “tâm hồn” của nước Nga. Và, ngay ở nơi được gọi là “tâm hồn” Nga, có một “Ngọn lửa Vĩnh Cửu”, qua bao mưa nắng, bão giông vẫn không bao giờ tắt! Tôi đã nhìn và cố gắng hiểu nước Nga qua những biểu tượng ấy...

Tâm hồn Nga

Khi nói về đặc trưng của một dân tộc, người ta thường định danh ý nghĩa tiêu biểu nhất của nó. Nước Pháp với Paris, kinh đô ánh sáng, xứ sở văn minh. Nước Mỹ với Washington, nơi cờ hoa rực rỡ… Còn nước Nga, một biểu tượng lại rất… tượng trưng: Tâm hồn Nga!

Nhưng tâm hồn Nga không hề tượng trưng, mà lại mang dáng vẻ, hình ảnh cụ thể, sống động. Đó là con phố cổ Arbat ở ngay trung tâm Moscow.

Từ khi ngôi mộ được lập, hàng ngày luôn có hai quân nhân trẻ túc trực bên mộ, hai tiếng đồng hồ được thay phiên một lần. Cuối năm 1997, Tổng thống Nga ra Sắc lệnh đặt Vọng gác danh dự số 1 bên cạnh Mộ Người chiến sĩ vô danh.

Đến Arbat, đã chiều muộn. Mọi người hơi tiếc. Hóa ra nhầm. Âm thanh từ những cây kèn, tiếng đàn của các nghệ sĩ đường phố mỗi lúc một rộn ràng hơn. Từng nhóm người đi bộ thong dong ngắm nhìn hoặc ghé lại các quầy tranh, ảnh, quầy sách một nhiều hơn.

Nằm giữa Moscow ồn ào, náo nhiệt, Arbat như một góc riêng, yên bình, thanh thản. Con phố dài 1.200m, thẳng tắp, giữa các tòa nhà mang dáng dấp cổ, chỉ để du khách từ khắp nơi trên thế giới đi bộ, nhìn ngắm và cảm nhận sâu lắng một phần văn hóa và lịch sử nước Nga.

Tuổi đời của phố Arbat trên năm trăm năm, chính xác là 532 năm. Ban đầu nó chỉ là một khu phố cổ, so với khu Kremlin, là vùng ngoại ô. Tên gốc của nó có thể xuất phát từ tiếng Ả Rập arbad, có nghĩa ngoại ô, do các thương gia phương Đông du nhập vào. Cũng có giả thuyết khác, tên phố được lấy từ chữ arba (xe kéo) của người Tatar.

Năm 1736, phố Arbat bị hỏa hoạn, được xây dựng lại. Từ đó, các nhà quý tộc Nga bắt đầu chuyển tới đây sinh sống. Arbat dần trở thành con phố của văn chương, âm nhạc, bởi nhiều văn nghệ sĩ kỳ tài của Nga từng sinh sống như: Pushkin, Gogol, Tolstoy, Saltykov-Shchedrin, Chekhov...

Các nhà quý tộc làm nên sự hào hoa một thời của Arbat. Còn các văn nghệ sĩ đã lưu danh Arbat qua hội họa, âm nhạc và văn chương.

Ở giữa lòng trung tâm kinh tế, thương mại của cả nước, phố Arbat cổ có nhiều kiốt bán hàng, nhưng chỉ là hàng lưu niệm, tranh ảnh, sách báo. Không gian thương mại đã lui xuống hàng thứ hai, nhường chỗ cho không gian văn hóa. Chủ nhân thực sự của Arbat là những tượng đài, các họa sĩ ký họa chân dung, những nghệ sĩ biểu diễn ca, múa dân gian truyền thống của nước Nga. Phố cổ Arbat là một trong số ít những con phố lâu đời nhất còn sót lại tại Nga hiện nay, mang đậm phong cách kiến trúc và dấu ấn văn hóa cổ xưa của người dân bản địa. Từ đầu thế kỷ XX, người ta đã ví Arbat như cửa sổ để nhìn thấy cuộc sống bên trong của Moscow. Còn bây giờ, đến với Arbat cổ, bạn như lạc vào một thế giới khác, thế giới của hội hè với tiếng đàn, câu hát, điệu múa mang đậm tính cách Nga. Và, biết đâu, trong những giây phút quý giá này, bạn có thể rũ bỏ âu lo thường nhật và những muộn phiền không đâu bởi sức lan tỏa âm thầm mà bền bỉ của sức sống Nga, tâm hồn Nga?

Ngọn lửa Vĩnh Cửu trong Trái tim Nga

Hôm tôi đến Quảng trường Đỏ ở Moscow cũng muộn như hôm đến Arbat, đã hơn 5 giờ chiều. Thêm một điều không may! Để chuẩn bị lễ kỷ niệm Chiến thắng Phát xít (9-5-1945 - 9-5-2019), từ giữa tháng tư, Quảng trường Đỏ đóng cửa, chỉ cho phép khách tham quan vào sau 7 giờ tối. Cũng không sao, từ bên ngoài, cách xa hàng trăm thước, chúng tôi vẫn chụp được vô số ảnh về các công trình kỳ vĩ ở đây, từ Nhà thờ thánh Basil có các vòm hình củ hành, Điện Kremlin với các tháp vút cao, hình tượng độc đáo, Nhà thờ Kazan đã phục chế, Đài kỷ niệm điêu khắc duy nhất trên Quảng trường Đỏ đặt tượng đồng Kuzma Minin và Dmitry Pozharsky, những người đã đưa Moskva ra khỏi cuộc chiếm đóng của người Ba Lan năm 1612…

Tác giả bên tác phẩm điêu khắc “Pushkin và Natali” trên phố Arbat.

Tác giả bên tác phẩm điêu khắc “Pushkin và Natali” trên phố Arbat.

Người ta đã ví Arbat là tâm hồn Nga, còn Quảng trường Đỏ với điện Kremlin là trái tim của nước Nga quả không sai. Quảng trường này có chiều dài khoảng 695m và rộng khoảng 130m. Năm 1990, Quảng trường Đỏ đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới. Khi đã thực sự được vào bên trong, tận mắt nhìn thấy mới thực sự hiểu rằng, mỗi một công trình tại đây đều có thể coi là huyền thoại. Lăng Lenin, người sáng lập ra Liên Xô, sau biến cố 1991, dù sau đó có xảy ra những cuộc cãi vã, thi hài của Vladimir Ilyich Lenin vẫn được đặt ở đấy và vẫn có những người lính canh! Dù đã sẫm tối, nhưng nhiều du khách ai cũng tranh thủ chụp một tấm hình.

Ở nước Nga, nơi đâu cũng có các tượng đài. Mỗi tượng đài là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và duy nhất. Tượng đài nhà văn thiên tài P.M. Dostoievski là dáng vẻ một người đàn ông đau đớn, lưng còng gập xuống, mặt ngước nhìn về phía trước, như đang muốn nói điều gì. Phải chăng tác giả của Tội ác và trừng phạt đang hét to với thế gian rằng, Chỉ có cái Đẹp mới cứu rỗi con người chăng? Tượng đài nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov, người 4 lần được phong tặng Anh hùng Liên Xô, nhân vật thứ hai sau lãnh tụ Stalin trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đặt ở Quảng trường Đỏ, hùng dũng, oai phong trên lưng ngựa, nhưng hướng nhìn về phía tây. Hỏi ra mới biết, tượng đài này vốn đặt ở một địa điểm khác, nhưng sau này, được đưa về đây.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, hơn 70 triệu người đã chết. Đó là cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay. Riêng Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, hơn 8,6 triệu người lính tử trận, trong đó hơn 3 triệu người chết trong khi bị quân phát xít Đức bắt làm tù binh. Tổng cộng, đất nước này mất đi 26,6 triệu người, nhiều hơn dân số nước Việt chúng ta thời bấy giờ.

Bên cạnh tường thành Kremlin ở Moscow có một Đài kỷ niệm đặc biệt. Đó là ngôi mộ Chiến sĩ vô danh để người Nga và toàn nhân loại sống và nhớ lấy hàng triệu người lính Hồng quân đã ngã xuống cho hòa bình.

Ở nước Nga và nhiều nơi trên thế giới, có những đài kỷ niệm chiến sĩ vô danh. Nhưng ngôi mộ ở Quảng trường Đỏ là độc nhất vô nhị.

Vào năm 1966, vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày đánh tan quân phát xít bao vây Moscow (năm 1941), hài cốt của một chiến sĩ Hồng quân, không rõ danh tính, hy sinh khi tham gia trận chiến đẫm máu này trên xa lộ Leningrad, cách trung tâm thủ đô Moscow 41 km, đã được tìm thấy. Đến ngày 3-12 năm đó (về sau, ngày 3-12 hàng năm được gọi là Ngày Chiến sĩ vô danh), vào lúc 11h45, chiếc quan tài đựng hài cốt của người chiến sĩ vô danh được trang trọng đưa từ chiến trường xưa trên xa lộ Leningrad vào nội thành, trên chiếc xe kéo pháo. Đội quân danh dự trang nghiêm bồng súng bước đều chầm chậm hai bên cỗ quan tài. Đằng sau là các cựu binh Chiến tranh Vệ quốc đi thành đoàn, vừa đi vừa lau nước mắt. Sau khi quan tài được hạ huyệt bên cạnh tường thành Kremlin, một loạt đại bác vang lên để tiễn đưa. Hôm đó, tất cả mọi hoạt động trên toàn cõi Liên bang Xô Viết đều dừng lại trong ba phút để mọi người mặc niệm.

Theo nghị định của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao khi ấy, người ta đã lập một ngôi mộ bằng đá hoa, bên trên đắp nổi ngôi sao 5 cánh. Bên cạnh ngôi mộ, trên bờ thành cao chừng nửa mét là lá cờ Chiến thắng và một chiếc mũ sắt Hồng quân được đúc bằng đồng. Ngày 8-5-1967, tổ hợp kiến trúc Mộ chiến sĩ vô danh được chính thức khánh thành. Ngọn lửa vĩnh cửu được thắp lên từ tâm của ngôi sao trên mộ, vốn được truyền về thủ đô từ Đài tưởng niệm Marsov ở Saint Petersburg.

Trên mặt đá của ngôi mộ có khắc dòng chữ: Anh là chiến sĩ vô danh, nhưng chiến công của anh là bất tử. Tác giả dòng chữ là nhà thơ S. Mikhalkov. Ở bức tường đá bên trái ngôi mộ có dòng chữ: Đời đời nhớ ơn những người đã hi sinh vì Tổ quốc.

Đến tháng 5 này, đã 80 năm ngày Hồng quân Liên Xô chiến thắng hoàn toàn phát xít Đức, thắng lợi mang ý nghĩa quyết định dẫn đến kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hàng chục năm trôi qua, danh tính của người lính có thi hài đặt bên cạnh tường thành Kremlin vẫn là vô danh. Anh là chiến sĩ vô danh, nhưng chiến công của anh là bất tử như lời thơ của S. Mikhalkov khắc trên mặt đá của ngôi mộ.

BÙI QUANG HUY

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/ky-niem-80-nam-ngay-chien-thang-phat-xit-9-5-1945-9-5-2025-nguoi-vo-danh-chien-cong-bat-tu-38c2ff8/
Zalo