Tái hiện hành trình giác ngộ của Đức Phật bằng ngôn ngữ kịch múa

Nhân dịp Đại lễ Vesak 2025 và xá lợi Đức Phật được rước đến Việt Nam, đoàn nghệ thuật Ấn Độ biểu diễn vở 'Hành trình của Đức Phật' tại Hà Nội, mang thông điệp giác ngộ, từ bi và khoan dung.

Vở diễn tái hiện hành trình giác ngộ của Đức Phật Thích Ca. (Ảnh: ĐSQ)

Vở diễn tái hiện hành trình giác ngộ của Đức Phật Thích Ca. (Ảnh: ĐSQ)

Nhận lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, Đoàn nghệ thuật múa truyền thống Ấn Độ gồm 14 thành viên do bà Purnima Roy làm trưởng đoàn sẽ có biểu diễn vở vũ kịch "Hành trình của Đức Phật" vào ngày 12/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ, vở diễn có thời lượng 60 phút, là sự kết hợp của múa đương đại và cổ điển Ấn Độ.

Phật Thích Ca có thế danh là Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), sinh ra ở Kapilavastu. Cha ngài, Vua Suddhodana, là thủ lĩnh của một bộ tộc lớn tên là Shakya (Thích Ca). Mẹ ngài, Hoàng hậu Maya, qua đời không lâu sau khi sinh ngài. Một ngày nọ, vì tò mò, Hoàng tử Siddhartha yêu cầu người đánh xe đưa mình đi dạo quanh vùng quê. Những thực tế khắc nghiệt của tuổi già, bệnh tật và cái chết khiến ngài kinh hoàng. Một thời gian sau, Hoàng tử quay lại cung điện nhưng không còn tìm thấy niềm vui. Ngài nhận ra rằng mình không thể sống cuộc đời của một hoàng tử nữa. Đêm đó, ngài rời khỏi cung điện và bắt đầu hành trình tìm kiếm sự giác ngộ.

 Thông qua ngôn ngữ kịch múa, người xem sẽ cảm nhận được thông điệp của sự giác ngộ, tỉnh thức. (Ảnh: ĐSQ)

Thông qua ngôn ngữ kịch múa, người xem sẽ cảm nhận được thông điệp của sự giác ngộ, tỉnh thức. (Ảnh: ĐSQ)

Thông qua ngôn ngữ kịch múa, người xem sẽ cảm nhận được những thông điệp về sự từ bi, khoan dung và giải thoát.

Chẳng hạn, trong vở diễn có nhân vật Kisa Gotami, một người mẹ trẻ mất đi đứa con duy nhất của mình. Trong cơn đau buồn, cô ôm xác con đi khắp nơi, van xin mọi người cho thuốc để cứu sống con.

Khi cô đến gặp Đức Phật, ngài dịu dàng nói: “Ta sẽ giúp con, nhưng trước tiên con hãy mang đến đây một nắm hạt cải từ ngôi nhà chưa từng có ai chết.”
Đầy hy vọng, Kisa Gotami gõ cửa từng nhà trong làng, nhưng mọi nhà đều từng mất đi người thân - cha mẹ, vợ/chồng, con cái. Dần dần, cô nhận ra rằng cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống và nỗi đau của mình không hề đơn độc. Cô quay lại gặp Đức Phật, tâm hồn nhẹ nhõm và chấp nhận lẽ vô thường. Sau đó cô gia nhập Tăng đoàn và cuối cùng đạt đến sự thức tỉnh tinh thần./.

Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 6-8/5, xá lợi Đức Phật đã được cung thỉnh từ thánh địa Sarnath - nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên đến Việt Nam để Nhân dân và Phật tử chiêm bái.

Xá lợi Phật Thích Ca là Bảo vật Quốc gia Ấn Độ. (Ảnh: ĐSQ)

Chi tiết lịch trình lễ cung rước xá lợi Phật - Bảo vật Quốc gia Ấn Độ về chùa Quán Sứ (Hà Nội) trong khuôn khổ Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2569 cụ thể như sau:

Lúc 15h ngày 13/5, xá lợi Phật sẽ được rước từ sân bay Nội Bài, đi qua các tuyến đường: Cầu Nhật Tân-Võ Chí Công-Đào Tấn-Kim Mã-Lê Duẩn-Trần Nhân Tông-Trần Bình Trọng-Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô rồi an vị tại chùa Quán Sứ.

Vào 18h ngày 13/5, nghi lễ cung rước xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ đi qua các tuyến phố: Lý Thường Kiệt-Hàng Bài-Đinh Tiên Hoàng-Hồ Hoàn Kiếm-Bà Triệu-Lý Thường Kiệt và trở lại chùa Quán Sứ.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tai-hien-hanh-trinh-giac-ngo-cua-duc-phat-bang-ngon-ngu-kich-mua-post1037687.vnp
Zalo