Giáo dục cấp tiểu học: Đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Tại TP. Huế, việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở cấp tiểu học đã tạo ra những chuyển biến tích cực.
Nâng cao chất lượng dạy học
Để đánh giá thực trạng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế tiến hành khảo sát, trao đổi với 82 cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong dạy học, giáo dục ở nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hầu hết cán bộ quản lý đã nắm bắt đầy đủ hệ thống văn bản và quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung của chương trình giáo dục mới đến giáo viên. Các cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục đã tác động bằng nhiều biện pháp thiết thực để huy động giáo viên tích cực thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Các trường tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn, trong đó chú trọng phát triển hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Đây là hoạt động giúp giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học, không tập trung vào việc đánh giá giờ dạy, xếp loại giáo viên, khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ đó, tìm ra biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia vào quá trình học tập. Điều này cũng giúp giáo viên chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Ông Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho hay: “Qua ý kiến đánh giá khảo sát, một số cán bộ quản lý vẫn còn thể hiện nhiều băn khoăn, nắm bắt thiếu tường minh về một số nội dung trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Công tác chỉ đạo đổi mới đánh giá, dạy học và sinh hoạt chuyên môn tuy được thực hiện, nhưng một số nội dung triển khai vẫn còn mang tính hình thức và còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cơ sở vật chất và phương tiện dạy học ở nhiều trường vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy học của Chương trình GDPT 2018. Phòng học và phòng chức năng vẫn còn thiếu. Thiết bị dạy học tối thiểu cơ bản đáp ứng nhu cầu nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả”.
Theo chia sẻ của một cán bộ quản lý, khâu tập huấn về Chương trình GDPT 2018 và chương trình các môn học chưa hiệu quả. Việc tập huấn theo phương pháp chuyên gia ít nhiều ảnh hưởng đến thông tin khi triển khai đối với cấp cơ sở, tập huấn trực tuyến cũng không thực sự mang lại hiệu quả.
Bồi dưỡng đội ngũ
Ngoài việc nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình GDPT 2018, Phòng GD&ĐT TP. Huế chỉ đạo các trường tập trung làm tốt công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục; yêu cầu các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ chương trình, sách giáo khoa để thực hiện tốt việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch bài dạy phù hợp với đặc điểm tình hình nhà trường và tình hình học sinh.
Theo ông Dương Tuấn Anh, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên được xem là một trong những giải pháp then chốt. Phòng GD&ĐT TP. Huế đã chỉ đạo triển khai kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chặt chẽ, kịp thời, bảo đảm các yêu cầu về nội dung, hình thức, thời gian và đối tượng nhằm đạt được mục tiêu phát triển, hoàn thiện phẩm chất và năng lực của giáo viên.
Các trường tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được học tập nâng chuẩn, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; khuyến khích, động viên các giáo viên tham gia dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, tập huấn chuyên đề, hội thảo liên quan. Đồng thời, tận dụng đội ngũ chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn tỉnh trong bồi dưỡng, chia sẻ, trao đổi chuyên môn, học thuật, kinh nghiệm quản lý, dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thủy Xuân cho rằng, xây dựng môi trường làm việc, môi trường văn hóa sư phạm tích cực thuận lợi cho sự phát triển của giáo viên cũng là cách tạo động lực cho đội ngũ. Cán bộ quản lý luôn thân thiện, cởi mở, cầu thị lắng nghe ý kiến của giáo viên và giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng chính đáng; tạo cơ hội cho giáo viên tham gia các hoạt động, cống hiến, thể hiện tài năng, phát huy vai trò tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục. Ngoài ra, cần quan tâm phát hiện những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kỹ năng tổ chức để xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán. Tạo điều kiện, khích lệ giáo viên sử dụng, áp dụng các thiết bị dạy học hiện đại vào các tiết dạy hàng ngày để giáo viên thực hành và nâng cao kỹ năng, từ đó lan tỏa đến tất cả đồng nghiệp trong trường.
Việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cũng là yêu cầu quan trọng. Các trường tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy học theo đúng yêu cầu chuyên môn, cải tiến thiết bị để sử dụng thuận tiện, hiệu quả hơn. Đồng thời, phát động phong trào làm đồ dùng dạy học trong toàn thể giáo viên.