Trường ĐH GTVT nêu lý do đề xuất miễn, giảm học phí cho SV đường sắt tốc độ cao
Đề xuất miễn, giảm học phí cho SV khá, giỏi không chỉ là biện pháp hỗ trợ tài chính, mà còn là chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn.
Vừa qua, trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về đào tạo nguồn nhân lực đường sắt và thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải có đề xuất: “Với học sinh, sinh viên khi học các chương trình đại học chuyên ngành liên quan đến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị được miễn 100% tiền học phí nếu đạt học lực giỏi và được giảm 50% học phí nếu đạt học lực khá”. [1]
Ngành học có nhu cầu đào tạo lớn, cần nguồn nhân lực chất lượng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải đã có những chia sẻ về tình hình đào tạo ngành đường sắt tại nhà trường.
“Trường Đại học Giao thông vận tải là cơ sở đào tạo hàng đầu trên cả nước về nguồn nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho lĩnh vực đường sắt và đường sắt tốc độ cao.
Ngay từ khi thành lập vào năm 1962, nhà trường đã thực hiện đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực đường sắt như: xây dựng hạ tầng đường sắt, phương tiện đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt, hệ thống điện đường sắt, khai thác và tổ chức vận tải đường sắt.
Đến nay, nhà trường đã đào tạo nhiều kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc lĩnh vực đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đường sắt.
Về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà trường đã hợp tác với nhiều trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn lớn về lĩnh vực đường sắt trong và ngoài nước nhằm nâng cao và phát triển về đào tạo ngành học. Trong đó, có một số trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt như Trường Đại học Đường sắt Mátxcơva (Nga), Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc).
Năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển 240 chỉ tiêu các ngành/chương trình liên quan đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị”, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà thông tin.
![Tiến sĩ Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_231_51493509/3cc268d2449cadc2f48d.jpg)
Tiến sĩ Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC.
Lý giải về đề xuất của nhà trường về việc miễn học phí cho sinh viên giỏi, giảm 50% học phí cho sinh viên khá thuộc chuyên ngành liên quan đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà cho hay: “Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ ngành đường sắt được dự báo rất lớn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, số lượng dự án đường sắt mới được thực hiện chưa nhiều. Đồng thời, thu nhập hiện nay của kỹ sư đường sắt vẫn còn thấp, trong khi công việc đòi hòi yêu cầu cao, nên chưa thu hút được nhiều sinh viên giỏi theo học ngành đường sắt. Cùng với đó, các trường đại học đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đường sắt cũng chưa có chính sách riêng cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh do chưa đủ nguồn lực.
Vì vậy, đề xuất miễn học phí cho sinh viên giỏi và giảm 50% học phí cho sinh viên khá không chỉ là biện pháp hỗ trợ tài chính, mà còn là chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Đây là một bước đi cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Trưởng phòng, Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho biết, đề xuất trên của nhà trường nhằm giải quyết hai vấn đề then chốt gồm: nâng cao sức hút của ngành đường sắt và thu hút nhân tài; đồng thời, cải thiện chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Cụ thể, việc miễn, giảm học phí sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, tạo điều kiện cho sinh viên có năng lực nhưng gặp khó khăn về kinh tế có cơ hội theo học các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đường sắt. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tăng số lượng sinh viên đăng ký vào các chương trình đào tạo của ngành, từ đó, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các dự án đường sắt có quy mô quốc gia.
Bên cạnh đó, đề xuất cũng góp phần cải thiện chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ. Khi không còn lo lắng về áp lực tài chính, sinh viên sẽ có thể dành nhiều thời gian và tâm huyết hơn cho việc học tập, nghiên cứu và thực hành. Điều này không chỉ nâng cao thành tích học tập, mà còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề trong môi trường thực tế, từ đó, trở thành các chuyên gia có năng lực cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, an toàn đường sắt…
Đặc biệt, việc thu hút những sinh viên ưu tú, có năng lực, trình độ chuyên môn cao sẽ tạo ra một thế hệ kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia có khả năng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia có nền đường sắt phát triển, giúp Việt Nam dần làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại.
Cần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ đặc thù nếu miễn, giảm học phí
Theo Tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trường Đại học Giao thông vận tải hiện có 79 giảng viên, nhà khoa học trực tiếp giảng dạy chuyên môn về lĩnh vực đường sắt. Trong đó, gần 80% giảng viên có học vị tiến sĩ, được đào tạo từ các nước tiên tiến như Trung Quốc, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên, chuyên gia chuyên ngành gần cũng có khả năng chuyển sang giảng dạy về chương trình đào tạo ngành đường sắt khi cần thiết.
“Tuy nhiên, việc thu hút đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trong việc đào tạo các chuyên ngành liên quan đến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị tại nhà trường còn khó khăn, do hiện nay chưa có nguồn tuyển.
Vì vậy, ngoài việc thu hút nhân tài, nhà trường cũng tập trung vào phát triển đội ngũ giảng viên. Trong đó, giảng viên ngành đường sắt của nhà trường đã được cử đi học các chương trình đào tạo dài và ngắn hạn tại các nước có nền công nghiệp đường sắt tiên tiến. Từ đó, đội ngũ giảng viên này có thể chuyển giao tri thức và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên, đảm bảo chất lượng đào tạo luôn được nâng cao”, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà cho biết.
![Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NTCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_231_51493509/763827280b66e238bb77.jpg)
Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NTCC.
Vị Trưởng phòng cũng cho hay, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển nhanh chóng, để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, nhiều kế hoạch đã và đang được nhà trường triển khai trong thời gian qua.
“Nhà trường đã chủ động xây dựng đề án: “Phát triển Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị”, nhằm rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật các xu hướng công nghệ và phương pháp giảng dạy tiên tiến của các trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước phát triển về lĩnh vực đường sắt trên thế giới.
Cùng với đó, nhà trường cũng tăng cường đào tạo thực hành và liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để giúp sinh viên nhanh chóng làm chủ kỹ năng chuyên môn và áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế.
Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình hội thảo và trao đổi học thuật cũng được nhà trường chú trọng. Từ đó, những xu hướng mới nhất của ngành được truyền đạt cho cả giảng viên và sinh viên, tạo cơ hội học hỏi và nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tiếp nhận, tận dụng hợp lý các nguồn lực từ nhà nước, các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp tục đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu đối với ngành đường sắt”, thầy Hà chia sẻ.
Để đề xuất miễn 100% học phí nếu đạt học lực giỏi, được giảm 50% học phí nếu đạt học lực khá với người học các chương trình đại học chuyên ngành liên quan đến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị của nhà trường được triển khai trong thực tiễn, Trưởng phòng, Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải có đề xuất, kiến nghị: “Trước hết, việc bảo đảm nguồn vốn bền vững và quản lý chi tiêu hiệu quả cần được quan tâm hơn. Trong đó, việc miễn giảm học phí đồng nghĩa với giảm nguồn thu từ học phí của nhà trường. Do đó, cần có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ đặc thù để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng đào tạo của trường.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế quản lý và giám sát việc sử dụng nguồn ngân sách này một cách minh bạch, đảm bảo rằng các khoản đầu tư được ưu tiên cho nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị, cập nhật chương trình giảng dạy, đào tạo và thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng....
Nếu việc miễn, giảm học phí được triển khai, cần đồng bộ với cải tiến cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm, mô hình thực hành và hệ thống mô phỏng tiên tiến, nhằm mang lại trải nghiệm học tập sát với thực tiễn. Từ đó, sinh viên có thể nắm bắt kịp thời những công nghệ mới trong lĩnh vực đường sắt hiện đại.
Cùng với đó, cần có các chính sách tăng thu nhập, tạo điều kiện cho giảng viên và nhà khoa học trong nước được học tập, nghiên cứu tại các quốc gia phát triển về đường sắt, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của sinh viên và chuyển giao công nghệ.
Đối với chính sách đảm bảo đầu ra cho sinh viên, ngoài việc hỗ trợ về học phí, cần có cơ chế đảm bảo đầu ra như: hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành để tạo cơ hội thực tập, việc làm và gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-mien-giam-hoc-phi-cho-sinh-vien-nganh-duong-sat-toc-do-cao-post719053.html