Nữ sinh Sư phạm sáng tạo trong Giáo dục Đặc biệt và ứng dụng công nghệ hỗ trợ trẻ tự kỷ
Với niềm đam mê dành cho Giáo dục Đặc biệt, Hoàng Khánh Ly (sinh năm 2003) không chỉ đạt thành tích xuất sắc trong học tập mà còn tiên phong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Điểm bảo vệ khóa luận cao nhất hội đồng 9.7, đồng thời là Co-founder dự án Humanity Resource Organization in Vietnam, Khánh Ly đã ghi dấu ấn với những công trình khoa học có giá trị thực tiễn, góp phần mở ra cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ đặc biệt.
Hành trình trưởng thành từ những thử thách
Hoàng Khánh Ly - nữ sinh viên năm cuối vừa tốt nghiệp Khoa Giáo dục Đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, không nghĩ rằng có ngày mình sẽ gắn bó trọn vẹn với ngành học này. Ban đầu, cô khao khát theo đuổi ngành Kinh tế và đặt đến 15 nguyện vọng cho các chuyên ngành liên quan. Nhưng rồi, một bước ngoặt bất ngờ đã thay đổi tất cả. Khi cánh cửa Kinh tế khép lại, Giáo dục Đặc biệt - ngành học cô chỉ đăng ký như một phương án dự phòng lại dang tay đón cô vào một hành trình mới.

Hoàng Khánh Ly là sinh viên năm cuối vừa tốt nghiệp Khoa Giáo dục Đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ngày biết điểm, Ly từng rất hụt hẫng. Cô chông chênh giữa những hoài bão dang dở và một tương lai chưa từng nghĩ đến. Đã có lúc, cô muốn từ bỏ để làm lại từ đầu. Nhưng rồi, sau những lời động viên từ gia đình, bạn bè, cô quyết định bước tiếp. Và chính lựa chọn ấy đã mở ra một thế giới mà trước đây cô chưa từng nhìn thấy, một thế giới của những đứa trẻ đặc biệt, những trái tim cần được thấu hiểu, những giấc mơ cần được chắp cánh.
Bước vào giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khánh Ly không chỉ đối mặt với khối lượng kiến thức chuyên môn đồ sộ mà còn phải thích nghi với môi trường học tập đầy tính thực tiễn. Đối với sinh viên Sư phạm, việc học không dừng lại ở lý thuyết mà còn gắn liền với thực hành giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa. Nhưng đối với một sinh viên ngành Giáo dục Đặc biệt, thử thách còn nhiều hơn thế.

Khánh Ly đã xuất sắc đạt điểm cao nhất trong Hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với đề tài nghiên cứu về phần mềm SmallTalk.
Khánh Ly nhớ như in những ngày đầu tiên tiếp xúc với trẻ có nhu cầu đặc biệt. Đứng trước những ánh mắt trong veo, những đôi tay nhỏ bé vươn ra tìm kiếm sự kết nối, cô không khỏi bối rối. Làm sao để hiểu được các em? Làm sao để có thể dạy các em một cách hiệu quả khi mỗi đứa trẻ lại có một cách tiếp nhận thông tin khác nhau? Liệu cô có đủ khả năng, đủ kiên nhẫn để đồng hành cùng các em hay không? Những câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn trong tâm trí, khiến cô không khỏi lo lắng về năng lực của chính mình.
Nhưng chính những băn khoăn ấy lại trở thành động lực để cô bước tiếp. Thay vì sợ hãi trước thử thách, Khánh Ly chọn cách đối diện và tìm kiếm giải pháp. Cô tập trung vào nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về từng dạng khuyết tật, từng phương pháp hỗ trợ trẻ. Những giờ học trên giảng đường, những buổi thực hành tại các cơ sở giáo dục đặc biệt, những lần quan sát và học hỏi từ thầy cô, đồng nghiệp đã giúp cô dần vững vàng hơn.

Khánh Ly chụp ảnh lưu niệm với Poster trưng bày tại hội thảo quốc tế với thầy giáo Nhật Bản.
“Thách thức luôn đi kèm với cơ hội”, cô tự nhủ. Và đúng như vậy, mỗi lần vượt qua khó khăn, cô lại cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, tự tin hơn với con đường mình đã chọn.
Người gieo mầm yêu thương trong Giáo dục Đặc biệt
Khánh Ly hiểu rằng, nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên Giáo dục Đặc biệt không chỉ là công việc, mà là một sứ mệnh. Một hành trình không dễ dàng, nhưng mỗi bước đi đều đáng giá. Và cô tin rằng, với lòng kiên trì sự tận tâm và tình yêu thương, mình sẽ làm được, không chỉ trở thành một giáo viên giỏi mà còn là người bạn, người đồng hành của những đứa trẻ cần sự thấu hiểu.

Khánh Ly với dự án giáo dục sớm.
Trong lần thực tập tại một trường tiểu học, Ly bắt gặp một cậu bé lặng lẽ ngồi trong góc lớp. Khi bạn bè đều hào hứng làm bài, em chỉ ngồi yên, mắt hướng ra xa, như tách biệt khỏi mọi thứ xung quanh. Ai đó có thể vội vàng kết luận rằng em lười biếng hay chậm chạp, nhưng Ly hiểu rằng đằng sau sự im lặng ấy là những rào cản vô hình mà em đang vật lộn để vượt qua. Khoảnh khắc ấy khiến cô nhận ra: những đứa trẻ đặc biệt không cần sự thương hại, chúng cần sự thấu hiểu. Chúng không muốn bị xem là "khác biệt", mà chỉ mong được công nhận, được hòa nhập và được yêu thương theo cách riêng của mình.

Khánh Ly tham gia cuộc thi HNUE Debate.
Những ngày tiếp xúc với trẻ khiếm thính, khiếm thị, trẻ có hội chứng Down… càng khiến Ly thấm thía hơn về ý nghĩa của hai chữ “giáo dục”. Cô nhìn thấy trong đôi mắt các em không phải bóng tối hay sự lặng lẽ, mà là ánh sáng của sự ngây thơ, của niềm vui và tình yêu thương trong trẻo. Các em đón nhận cuộc sống với những sắc màu rực rỡ riêng, dù thế giới của các em có thể khác biệt với thế giới bên ngoài. Và chính những đứa trẻ ấy đã dạy cô cách yêu thương, cách kiên nhẫn, cách đặt trái tim mình vào từng điều nhỏ bé nhất. "Nhiều khi, chính các em học sinh lại là thầy cô giáo của mình", Ly mỉm cười chia sẻ.
Từ một người từng chênh vênh giữa hai ngã rẽ, Khánh Ly giờ đây đã tìm thấy con đường của mình. Cô không chỉ muốn dạy học, mà còn muốn thay đổi nhận thức của xã hội, để mỗi đứa trẻ đặc biệt đều có cơ hội được học tập và phát triển trong yêu thương. Với cô, trách nhiệm của một sinh viên Giáo dục Đặc biệt không chỉ là tiếp thu kiến thức, mà còn là tận tâm với từng học sinh, từng gia đình. Một người giáo viên không chỉ cần hiểu học trò của mình, mà còn phải đủ kiên trì để đồng hành cùng các em, đủ nhẫn nại để giúp các em vượt qua rào cản, và đủ yêu thương để lan tỏa sự tử tế đến cộng đồng.
SmallTalk: Khi công nghệ mở cánh cửa giao tiếp cho trẻ tự kỷ
Với niềm đam mê dành cho Giáo dục Đặc biệt và mong muốn giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt phát triển kỹ năng giao tiếp, Khánh Ly đã xuất sắc đạt điểm cao nhất trong Hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với đề tài nghiên cứu về phần mềm SmallTalk. Đây không chỉ là một nghiên cứu mang tính học thuật mà còn mở ra những cơ hội thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Khánh Ly với đề tài nghiên cứu về phần mềm SmallTalk.
SmallTalk là phần mềm AAC (Giao tiếp tăng cường và thay thế) mã nguồn mở, được phát triển bởi giảng viên và sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cùng Đại học Công nghệ. Phần mềm này không chỉ giúp trẻ tự kỷ cải thiện kỹ năng giao tiếp mà còn hỗ trợ giáo viên và phụ huynh trong việc lên kế hoạch giáo dục phù hợp với từng cá nhân. Khánh Ly chia sẻ: "Khi kỹ năng giao tiếp của trẻ được phát triển, chất lượng cuộc sống và việc học tập của các em cũng được cải thiện đáng kể".
Không dừng lại ở đó, Khánh Ly tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, viết bài báo về ứng dụng công nghệ trong Giáo dục Đặc biệt. Cô tin rằng công nghệ chính là chìa khóa giúp trẻ em có nhu cầu đặc biệt hòa nhập tốt hơn với xã hội. Những phần mềm giáo dục không chỉ tạo môi trường học tập hấp dẫn mà còn giúp cá nhân hóa nội dung học tập, tăng cường khả năng giao tiếp và phát triển kỹ năng sống.

Khánh Ly tham gia cuộc thi Nghiệp vụ sư phạm.
Chinh phục tri thức qua các cuộc thi học thuật và tâm huyết trong Đoàn - Hội
Hành trình đại học của Khánh Ly không chỉ dừng lại ở những con điểm cao mà còn là sự thử thách bản thân qua các cuộc thi học thuật. Trong đó có các kỳ thi Nghiệp vụ Sư phạm và tranh biện tiếng Anh, nơi cô trau dồi kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và làm việc nhóm. Những cuộc thi này giúp cô rèn luyện khả năng truyền đạt thuyết phục, tư duy logic, nghiên cứu chuyên sâu và ứng biến linh hoạt – những kỹ năng thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục mà cô theo đuổi.
Không chỉ xuất sắc trong học tập, Khánh Ly còn là một người trẻ tràn đầy năng lượng và tâm huyết với các hoạt động Đoàn – Hội, đặc biệt là trong công tác truyền thông và Giáo dục Đặc biệt. Với cô, những nỗ lực này không chỉ là sự cống hiến mà còn là một hành trình lan tỏa giá trị nhân văn.
Điều thôi thúc Khánh Ly dành trọn tâm huyết cho các hoạt động cộng đồng chính là mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về Giáo dục Đặc biệt. Cô luôn khao khát góp phần xây dựng một nền giáo dục hòa nhập, nơi mọi đứa trẻ dù có nhu cầu đặc biệt đều được học tập và phát triển trong môi trường công bằng, hạnh phúc.
Không dừng lại ở vai trò một tình nguyện viên tích cực, Khánh Ly còn là đồng sáng lập dự án Humanity Resource Organization in Vietnam – một tổ chức hướng đến việc phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc, tiếng Anh và tư duy phản biện cho giới trẻ. Dự án đã tạo ra một cộng đồng gắn kết, nơi các bạn học sinh, sinh viên cùng nhau học hỏi và lan tỏa những giá trị nhân văn.

Khánh Ly tham gia hoạt động tình nguyện vùng cao.
Nhận thấy công nghệ có thể mở ra những cơ hội lớn cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt, Khánh Ly đã hợp tác cùng Khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Công nghệ để xây dựng các sản phẩm hỗ trợ giáo dục. Đối với cô, công nghệ không chỉ giúp cá nhân hóa việc học tập mà còn là cầu nối giúp trẻ đặc biệt hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Những ứng dụng hỗ trợ giao tiếp như AAC (Augmentative and Alternative Communication) có thể giúp trẻ tự kỷ biểu đạt suy nghĩ của mình, trong khi các nền tảng học trực tuyến mang đến môi trường học tập linh hoạt, giúp trẻ tương tác dễ dàng hơn với giáo viên và bạn bè. Quan trọng hơn, công nghệ giúp giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh một cách chính xác, từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp hơn.
Với niềm tin mãnh liệt vào giá trị của giáo dục hòa nhập, Khánh Ly không chỉ đang đi trên con đường chinh phục tri thức mà còn góp phần làm thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ đặc biệt bằng cả trái tim và sự tận tụy của mình.