Ngành ngôn ngữ Anh: Có lỗi thời khi hội nhập?

Có ý kiến cho rằng tiếng Anh đã phổ biến đến mức bão hòa, không còn là lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động...

Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong một dự án hợp tác quốc tế. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Ánh Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong một dự án hợp tác quốc tế. Ảnh: NVCC

Trong xu thế toàn cầu hóa, tiếng Anh luôn là ngôn ngữ phổ biến, thông dụng, được sử dụng để giao thương, kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở nhiều lĩnh vực quan trọng... Tuy nhiên, cũng chính vì quá thông dụng, hiện nay có ý kiến cho rằng tiếng Anh đã phổ biến đến mức bão hòa, không còn là lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động.

Ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới

Ngôn ngữ Anh không chỉ là một kỹ năng bổ trợ mà đã trở thành một ngành nghề có một vị thế riêng trong thời đại toàn cầu hóa. Minh chứng rõ nhất là hầu hết các nhà tuyển dụng đều đánh giá rất cao và luôn có những ưu tiên riêng cho các ứng viên có vốn tiếng Anh tốt. Theo một công bố của Tổ chức Giáo dục quốc tế EF Education First vào năm 2023, Việt Nam xếp thứ 58 trên tổng số 113 nước trong bảng xếp hạng trình độ thông thạo tiếng Anh của người trưởng thành toàn cầu.

Theo báo cáo Dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023, được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia, độ tuổi thi IELTS (chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế - PV) của người Việt Nam ngày càng trẻ.

Cụ thể, vào năm 2018, hơn 50% người thi IELTS có độ tuổi trên 23. Chỉ gần 1,5% người thi IELTS thuộc độ tuổi 16 - 18, hơn 13% trong nhóm 19 - 22 tuổi. Sau 5 năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16 - 22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%.

Dù tiềm năng là vậy, nhưng ngành nghề này hiện nay vẫn vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng tiếng Anh hiện nay đã phổ biến đến mức bão hòa, không còn là thế mạnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã phát triển vượt trội, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch thuật. Các công cụ như ChatGPT, Gemini hay Copilot giúp mọi người vượt qua rào cản ngôn ngữ trong đời sống, học tập và công việc.

Bạn Nguyễn Khánh Trang (20 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, hai năm trước, khi biết Trang chọn học ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Hà Nội, nhiều người thân và bạn bè đã ngăn cản.

“Mọi người nói với tôi rằng tiếng Anh bây giờ ai chẳng biết mà còn phải học, thậm chí không biết thì vẫn có thể dùng các công cụ dịch thuật. Có người lại khuyên nếu thích học ngành ngôn ngữ thì nên chọn các ngôn ngữ như tiếng Trung, Hàn Quốc… thay vì tiếng Anh (vì đã quá phổ biến, khó cạnh tranh. Ngay cả bố mẹ cũng nghĩ rằng tôi nên cân nhắc, học một ngành nghề thiết thực hơn. Về ngoại ngữ, chỉ cần học để lấy các loại chứng chỉ bổ trợ là được. Những ý kiến này khiến tôi có chút lo lắng”, Khánh Trang chia sẻ.

“Giải oan” cho ngành học tiềm năng

Tuy nhiên, sau khi tự trải nghiệm ngành học này, Khánh Trang nhận thấy những quan điểm như trên là không đúng. Không chỉ được học kiến thức tiếng Anh đơn thuần, ngành ngôn ngữ Anh còn cung cấp những kiến thức nghiên cứu và sử dụng thứ tiếng này chuyên sâu và bài bản.

Sinh viên được nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người của các quốc gia sử dụng tiếng Anh trên thế giới. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phân tích và giải quyết vấn đề, giúp họ làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi phải sử dụng tiếng Anh.

Khánh Trang khẳng định, với những kiến thức chuyên môn sâu rộng ấy, sau khi ra trường, cô tự tin sẽ có thể thử sức với rất nhiều ngành nghề khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội, cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao) cho biết, ngành học này đã mở ra cho cá nhân chị nhiều cơ hội việc làm.

Cụ thể, ngay từ khi còn học đại học, với ưu thế sử dụng tốt ngoại ngữ này, chị Ánh Ngọc đã thử sức với công việc trợ giảng tại Trung tâm Luyện thi IELST. So với các công việc bán thời gian khác, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đánh giá, mức lương cho công việc này cao.

Sau khi ra trường, chị Ánh Ngọc đã ứng tuyển vị trí nhân viên truyền thông đối ngoại, phụ trách truyền thông và quan hệ công chúng của một tổ chức phi chính phủ.

“Công việc của tôi là tạo dựng và phân phối nội dung truyền thông nhằm thu hút sự chú ý và hỗ trợ mục tiêu kinh doanh hoặc chính trị của tổ chức ở các thị trường quốc tế. Lúc này, tôi mới cảm thấy những kiến thức mà ngành học cung cấp thật sự hữu hiệu. Cụ thể, chúng tôi được học cặn kẽ, chi tiết từ những cái nhỏ nhất như tại sao từ này lại được phát âm thế này, từ vựng này được hình thành như thế nào... Hay là, cùng sử dụng tiếng Anh giống nhau, nhưng văn hóa của các vùng lãnh thổ khác nhau thế nào?

Nhờ những việc tưởng như rất nhỏ, tôi đã rút ngắn khoảng cách với các đối tác nước ngoài, tạo ra những dự án hiệu quả nhằm thu hút vốn đầu tư. Đó là những kiến thức không phải người nào biết tiếng Anh cũng thành thạo. Những người học trái ngành có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu”, chị Ánh Ngọc đánh giá.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Think Pro nói: “Khi giao thương quốc tế ngày càng được mở rộng thì mức độ bao phủ của tiếng Anh sẽ ngày càng lớn. Hiện nay, tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc đối với người lao động ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp, tại cùng một vị trí, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ ưu tiên những người có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Những nhân viên này sẽ được xem xét mức lương cao hơn so với người không biết tiếng Anh”.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-ngon-ngu-anh-co-loi-thoi-khi-hoi-nhap-post720047.html
Zalo