Nỗi lo ngày càng ít người muốn học tiến sĩ
Chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi mức trợ cấp vẫn giậm chân tại chỗ khiến ngày càng ít sinh viên muốn theo học tiến sĩ tại nhiều nước trên thế giới.
Số người đăng ký chương trình tiến sĩ giảm mạnh tại một số nước trong vài năm qua. Từ Australia và Nhật Bản, tới Brazil, Vương quốc Anh, các mối lo ngại về chi phí sinh hoạt cao, mức trợ cấp thấp và lựa chọn công việc hạn chế sau tốt nghiệp đang làm nản lòng những người muốn theo đuổi bằng tiến sĩ.
Con số suy giảm này nên được coi là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho các quốc gia, theo Cláudia Sarrico, trưởng dự án tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở Paris, Pháp. Bà nhấn mạnh: “Đây là dấu hiệu cho thấy cần cải cách điều kiện làm việc và mở rộng cơ hội nghề nghiệp, nếu không, nguy cơ chảy máu chất xám sẽ gia tăng, khiến tiến bộ khoa học chậm lại”.
Theo số liệu mới nhất do Hội đồng Nghiên cứu đại học và sau đại học Australia công bố vào tháng 1 năm nay, số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ trong nước đã giảm 8% từ 2018 đến 2023, mặc dù dân số quốc gia này tăng hơn 7% trong cùng kỳ.
Cảnh nghèo học tiến sĩ
Tại nhiều quốc gia, một trong những yếu tố lớn nhất khiến sinh viên không muốn theo đuổi bằng tiến sĩ là chi phí sinh hoạt cao so với mức trợ cấp họ nhận được.
Tại Australia, mức trợ cấp trung bình cho nghiên cứu sinh tiến sĩ khoảng 32.000 AUD (tương đương gần 519 triệu đồng). "Mức này thấp hơn cả mức lương tối thiểu", Louise Sharpe, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Sau đại học Australia cho biết (ACGR). Con số này chỉ nhỉnh hơn chút so với ngưỡng nghèo đối với người độc thân, trong khi phần lớn nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Australia ở độ tuổi cuối 30, nhiều người giàu kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực khác và có gia đình, con cái cũng như nặng gánh trách nhiệm tài chính.
Bất ổn tài chính cũng là một trong những mối lo ngại hàng đầu của nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản. Số lượng sinh viên theo học chương trình tiến sĩ tại nước này đã giảm liên tục từ đầu những năm 2000. Năm 2023, số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ trong nước là 15.014, so với mức cao nhất 18.232 vào năm 2003. Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh tiến sĩ trong năm ngoái.
Xu hướng giảm số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng diễn ra ở Brazil, với con số năm 2022 xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính, nhưng không phải lý do duy nhất. Khủng hoảng kinh tế và sự thiếu quan tâm của chính phủ đối với việc tăng ngân sách cho khoa học và công nghệ cũng góp phần lớn vào sự sụt giảm này.
Theo Nature, tình hình đang thay đổi. Năm 2023, chính phủ Brazil đã tăng giá trị học bổng dành cho học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ lên 40% - đây là lần tăng đầu tiên trong một thập kỷ, kéo theo mức tăng nhẹ số lượng ghi danh năm đó.
Tại Canada, dù số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ chưa giảm, nhu cầu tăng cường hỗ trợ tài chính để đảm bảo mức sống cho họ đã thu hút nhiều ý kiến vài năm qua, theo Adam Sarty, Hiệp hội Nghiên cứu sau đại học Canada.
Năm ngoái, chính phủ Canada đã tăng học bổng dành cho sinh viên sau đại học - lần tăng đầu tiên trong hơn hai thập kỷ, nhưng Sarty lưu ý rằng các khoản học bổng này chỉ dành cho sinh viên xuất sắc nhất, và vẫn cần thêm biện pháp để đảm bảo sự ổn định tài chính cho những người không nhận được học bổng.
Tuy nhiên, nhiều trường đại học Canada đang gặp khó khăn tài chính do số lượng tuyển sinh vào các chương trình sau đại học chuyên nghiệp, như MBA, giảm sút, do chính phủ giới hạn sinh viên quốc tế từ năm 2024.
Các quốc gia như Anh cũng đã áp dụng quy định tương tự trong những năm gần đây, làm dấy lên lo ngại về khả năng hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ của trường đại học.
Tại Việt Nam, tổng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ từ 5.000 đến hơn 7.000 mỗi năm trong giai đoạn 2019-2024.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, số nghiên cứu sinh các trường tuyển mới đang tăng dần nhưng vẫn chưa năm nào đạt 50% tổng chỉ tiêu. Năm học 2023-2024, các trường tuyển được gần 3.400, đạt 47% tổng chỉ tiêu, năm học 2022-2023 chỉ hơn 2.400, tương đương 42%. Hai năm trước đó tuyển được 25% và 34%.
Các chuyên gia từ nhiều trường đại học nhận định số lượng người học tiến sĩ của Việt Nam hiện quá ít so với yêu cầu thực tế. Điều này gây ra tác động xấu với sự phát triển của giáo dục đại học nói riêng và nền khoa học - công nghệ nói chung.
Công việc bấp bênh dù học xong tiến sĩ
Sự giảm số lượng sinh viên học tiến sĩ là một phần trong xu hướng ngày càng nhiều người rời bỏ con đường học thuật. Vào năm 2021, Sarrico và nhóm nghiên cứu của bà tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã phát hiện rằng các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia cảm thấy, ngay cả ở những nơi số lượng học viên không giảm, việc thu hút tài năng xuất sắc vào các chương trình sau đại học ngày càng khó khăn, do sự bất ổn tăng trong các đơn vị sự nghiệp học thuật.
“Không chỉ là vấn đề về con số, mà còn là chất lượng của những người quan tâm tới chương trình đào tạo”, Sarrico cho biết.
Ở một số khu vực trên thế giới, như Trung Quốc, số lượng người có bằng tiến sĩ ngày càng tăng - đến mức số lượng việc làm cho những người có bằng này đang dần thu hẹp, đặc biệt trong giới học thuật, theo Hugo Horta, nhà nghiên cứu về chính sách và thực tiễn giáo dục đại học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc).
Một phần của vấn đề còn nằm ở quan niệm của công chúng về việc có bằng tiến sĩ. “Có một quan niệm sai lầm rằng chúng ta đang đưa những người trẻ muốn mãi làm sinh viên vào một 'tòa tháp ngà', để họ nghiên cứu những câu hỏi mang tính học thuật cao, không liên quan đến lợi ích xã hội”, Chủ tịch ACGR Australia nói. Nhưng theo chuyên gia này, thực tế hoàn toàn ngược lại. Tại Australia, những người có bằng tiến sĩ thường đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cộng đồng, đặc biệt là ở các lĩnh vực như cơ quan chính phủ.
Đâu là giải pháp cho cuộc khủng hoảng này?
Theo trang Firstpost, để đảo ngược xu hướng giảm sút số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ và cải thiện triển vọng nghề nghiệp cho những người có bằng tiến sĩ, các chuyên gia đề xuất một số chiến lược như: Tăng cường tài trợ từ chính phủ và các tổ chức tư nhân; Thắt chặt mối liên kết giữa học thuật và doanh nghiệp, để mở ra nhiều cơ hội việc làm; Nâng cấp chương trình đào tạo tiến sĩ; Cải thiện chế độ đãi ngộ...
Nếu không có những thay đổi chính sách mạnh mẽ và đầu tư tài chính phù hợp, sức hấp dẫn của việc theo đuổi bằng tiến sĩ có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển nghiên cứu và đổi mới toàn cầu trong tương lai.