Tiếp cận Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ công tác kiểm tra học kỳ
Công tác kiểm tra cuối học kỳ I được các trường triển khai nghiêm túc và có sự tiếp cận hợp lý với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) đang tiến sát đến những tuần cuối của học kỳ I (2024-2025). Theo lịch của nhà trường, dự kiến học sinh sẽ làm bài kiểm tra cuối kỳ vào tuần 17 của năm học.
Theo cô Vũ Thị Anh, giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, việc ra đề thi cuối học kỳ I năm nay vẫn tiếp tục thực hiện theo công văn chỉ đạo của cấp trên. Cấu trúc, ma trận đề bám sát hướng dẫn và nội dung được tập huấn, cập nhật theo điều chỉnh của Bộ GD&ĐT. Riêng môn Lịch sử, theo thông tin từ đợt tập huấn mới nhất của Bộ GD&ĐT tổ chức tháng 11/2024, cấu trúc đề kiểm tra gồm 3 dạng thức: câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi trắc nghiệm đúng – sai và tự luận.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường tiếp tục chỉ đạo các lớp ôn luyện và bám sát theo đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Trường tổ chức cho học sinh lớp 12 đăng ký các bộ môn, chuẩn bị thi thử đợt 1 vào đầu tháng 1/2025. Các buổi dạy phụ đạo cho học sinh lớp 12, giáo viên cũng cho học sinh làm các dạng thức câu hỏi để các em làm quen, luyện tập nhằm chuẩn bị tốt nhất không chỉ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT mà các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở giáo dục ĐH tổ chức.
Trường THPT Hương Vinh, TP Huế (Thừa Thiên Huế) sẽ tiến hành kiểm tra học kỳ I từ 2/1 - 8/1/2025. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Trần Quang Trực, hình thức, cấu trúc đề kiểm tra có thể tự luận hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm theo tỷ lệ phù hợp (đảm bảo tối thiểu 20% tự luận) nhằm đảm bảo đánh giá đúng và phát huy được phẩm chất và năng lực của học sinh.
Riêng phần trắc nghiệm sẽ ra câu hỏi theo các dạng thức đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT để học sinh làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Công tác tổ chức kiểm tra, chấm bài bảo đảm nghiêm túc. Thầy Trần Quang Trực cho biết, nhà trường tổ chức kiểm tra cuối kì I năm học 2024 - 2025 theo hình thức trực tiếp, tập trung theo khối, nhóm môn lựa chọn. Học sinh được sắp xếp trong phòng kiểm tra theo thứ tự a, b, c, theo môn/khối và có số báo danh với số lượng tối đa là 24 học sinh/phòng; phòng cuối cùng không quá 28 học sinh (trừ trường hợp đặc biệt do khó khăn về số lượng phòng học). Số báo danh của học sinh được đánh từ 001 đến hết số học sinh theo môn/khối của trường.
Sau kiểm tra, trường thực hiện cắt phách tất cả các khối theo phòng kiểm tra. Với khối 12, tổ chức chấm tập trung tại trường; khối 10, 11 giao tổ trưởng chuyên môn phân công chấm đảm bảo chính xác, khách quan và công bằng. Đối với phần kiểm tra trắc nghiệm khách quan sẽ thực hiện chấm chung toàn trường.
“Ngoài đề thi học kỳ, để giúp học sinh tiếp cận, làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, mỗi trường biên soạn 1 đề/môn theo đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Sở sẽ tổng hợp và dùng ôn tập chung cho học sinh toàn tỉnh”, thầy Trần Quang Trực cho hay.
Tại Hòa Bình, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng ma trận đề, bảng đặc tả, đề kiểm tra cuối kỳ các môn thi tốt nghiệp theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đảm bảo phù hợp với năng lực, nhận thức, đối tượng học sinh.
Các trường tập hợp ma trận đề, bảng đặc tả, đề kiểm tra cuối kỳ các môn thi tốt nghiệp THPT (bản mềm) theo từng khối lớp gửi về Sở trước ngày 6/1/2025.