Trường công lập chất lượng cao tại Hà Nội có mức học phí thế nào?

Hà Nội hiện có 17 trường công lập chất lượng cao. Những trường này gần như phải tự chủ chi thường xuyên (lương, sửa chữa cơ sở vật chất...), được tuyển trái tuyến, có thể thi tuyển. Sĩ số lớp đạt chuẩn (35-45 học sinh, tùy bậc học).

Theo Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐND, mức học phí thấp nhất là 1,81 triệu đồng/tháng, áp dụng với khối 10 và 11 Trường THPT Hoàng Cầu, khối 12 thu 1,97 triệu đồng/tháng. Các trường còn lại đều thu học phí trên 2 triệu đồng/tháng, trong đó Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cao nhất với 6,1 triệu đồng/tháng.

Mức thu học phí cụ thể của các nhà trường được công khai như sau:

Với riêng Trường THCS Chu Văn An, TP. Hà Nội giao cho UBND quận Long Biên quyết định mức thu dựa trên mức trần cho phép là 5,3 triệu đồng/tháng, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết cũng quy định, mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp. Áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.

Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến, căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị đó để áp dụng mức thu học phí của tháng đó.

Trong trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức thu học phí tương ứng đã được quy định.

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 30/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Bộ GD&ĐT nêu rõ phương thức tuyển sinh THCS theo hình thức xét tuyển. Như vậy học sinh không phải thi tuyển vào lớp 6 như mọi năm, kể các các trường chất lượng cao.

Theo Bộ GD&ĐT, Thông tư 30/2024 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những nội dung phù hợp của Thông tư số 11/2014, bổ sung quy định mới phù hợp với bối cảnh giáo dục và xã hội. Thông tư mới xây dựng theo 3 nguyên tắc:

Thứ nhất, không gây áp lực tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội; với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT.

Thứ hai, có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng. Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá định kì; phù hợp với xu thế đổi mới.

Thứ ba, bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô; xây dựng được những quy định thống nhất trong toàn quốc; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các địa phương, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truong-cong-lap-chat-luong-cao-tai-ha-noi-co-muc-hoc-phi-the-nao-169250109211455523.htm
Zalo