Trấn Thành nói 'chưa bao giờ đọc hết cuốn sách' gây xôn xao
Trấn Thành nói anh ít đọc, chưa từng đọc hết một cuốn sách. Cư dân mạng cho rằng nam nghệ sĩ hạ thấp giá trị của sách, coi thường văn hóa đọc.
Trấn Thành lại gây tranh cãi
Dịp ra mắt phim Tết Bộ tứ báo thủ, Trấn Thành cho biết anh làm phim không có chủ đích giảng đạo lý cho ai. Những phát ngôn của anh không đúc kết từ sách vở mà bằng trải nghiệm thực tế trong đời sống.
"Tôi không đãi bôi để kiếm một câu nào đó thật hay trong quyển sách giáo khoa. Mọi người sẽ thấy những thông điệp tôi đưa ra trong phim thì không có sách giáo khoa nào đưa ra. Vì câu đó là của riêng tôi. Với nhận thức của tôi, tôi đúc kết ra mới được như vậy, chứ chưa bao giờ đọc sách. Đó là điều tôi phải thú thật. Ai cũng nghĩ tôi đọc nhiều lắm nhưng tôi chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách. Tôi ít đọc vô cùng", Trấn Thành nói.
Phát ngôn của anh lập tức gây xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều khán giả phản đối, cho rằng Trấn Thành làm màu, hạ thấp giá trị của sách để nâng bản thân lên.
Người dùng mạng bình luận: "Đọc sách kinh khủng đến thế sao, mà nhiều người cứ phải nhấn mạnh chuyện không đọc sách", "Nếu không đọc sách, Trấn Thành lấy kiến thức làm phim ở đâu", "Không phải ai cũng có thói quen đọc sách, nhưng đừng phủi hết giá trị của sách. Trấn Thành đang làm ảnh hưởng đến văn hóa đọc trong cộng đồng".
Có người nhắc nhở Trấn Thành nên tiết chế khi phát ngôn, tránh để cảm xúc, sự tin tin thái quá lấn át.
Thực tế người Việt lười đọc sách
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, một số người đồng tình với Trấn Thành và thừa nhận không có thói quen, thời gian để đọc sách. Họ bênh vực và cho rằng Trấn Thành chỉ nói quan điểm cá nhân, không áp đặt, răn dạy ai.
Thực tế, một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng cho rằng người trẻ, nhất là trẻ em hiện nay có xu thế chọn dùng điện thoại hơn đọc sách. Ông khẳng định mỗi thời có xu thế phát triển khác nhau, nhưng mọi người nên vững tâm trên con đường đến thế giới tri thức.
Anh Vũ Hoàng Hải - người sáng lập Thư viện nhỏ Việt Nhật - cho rằng thay vì tích lũy kiến thức, nhiều người trẻ dễ bị cuốn hút bởi mạng xã hội. Điều này khiến thói quen đọc sách bị lãng quên.
"Không phủ nhận những lợi ích mạng xã hội đem lại nhưng thử nghĩ lại ngày hôm qua, một tiếng ngồi lướt TikTok mình đã học được gì hay tích lũy được gì. Chưa kể những kiến thức, thông tin được tổng hợp trên đó 100% do cá nhân tự thu thập và đăng lên, tính đúng sai phải trái không được kiểm định và được tiếp thu một cách thụ động từ người xem. Trong khi sách được kiểm định uy tín lại không được coi trọng", anh Hải bày tỏ.
Dù có nhiều cách tiếp cận tri thức, rèn thói quen đọc vẫn cần thiết. Các nền tảng mạng xã hội có vai trò cung cấp thông tin, nhưng tính xác thực còn bỏ ngỏ.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc. Trên thế giới, người Việt thuộc nhóm ít dành thời gian đọc sách.
Một thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023 cho thấy sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để hai loại sách này qua một bên, số còn lại chia đều trên số dân thì mỗi người chỉ đọc khoảng một quyển sách/năm.