Những điểm mới trong phương án tuyển sinh dự kiến

Tuyển sinh đại học năm 2025 chứng kiến nhiều thay đổi với rút gọn phương thức tuyển sinh, bổ sung môn thi trong tổ hợp xét tuyển.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: VNUHCM

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: VNUHCM

Rút gọn phương thức tuyển sinh

Nhiều trường đại học dự kiến rút gọn số lượng phương thức tuyển sinh, chú trọng đánh giá năng lực đầu vào của người học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2025.

ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, trường sẽ áp dụng ba phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM (khoảng 40 - 60% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30% - 50% tổng chỉ tiêu).

Theo ThS Tiến, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh xuất sắc, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường và nhu cầu của thị trường lao động.

 Xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành phương thức tuyển sinh riêng trong năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Lê Mạnh

Xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành phương thức tuyển sinh riêng trong năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Lê Mạnh

Giống như Trường Đại học Kinh tế - Luật, các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ rút gọn phương thức tuyển sinh. Cụ thể, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến còn 3 phương thức xét tuyển (thay vì 5 phương thức như năm 2024).

Trường Đại học Bách khoa dự kiến sẽ sử dụng 2 phương thức tuyển sinh chính: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM; Xét tuyển kết hợp (bao gồm đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, học lực THPT và các yếu tố năng lực khác). Riêng đối với các chương trình chuyển tiếp, liên kết (xét 150 chỉ tiêu), trường sẽ sử dụng phương thức phỏng vấn và xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế.

Các trường thành viên khác của Đại học Quốc gia TPHCM như Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế dự kiến sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh đơn giản hơn.

Tương tự, trong năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến không sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển đại học chính quy. Trường này sẽ áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); Ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10 - 20% chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho hơn 30 ngành (40 - 50% chỉ tiêu mỗi ngành); Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, điểm mới trong năm 2025 là nhà trường đưa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức thành phương án xét tuyển độc lập.

Tại Trường Đại học Nha Trang, PGS,TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, phương hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025 của trường có nhiều điểm mới và tinh gọn so với năm 2024.

Nhà trường sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học.

“Phương hướng này sẽ giúp học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhận thức rõ những ngành nghề mình yêu thích, từ đó biết được những kiến thức, môn học cần chú trọng. Các em sẽ có cách học tập và lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ bây giờ”, ông Phương cho hay.

Đầu vào bám sát chương trình mới

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các trường đại học có nhiều điều chỉnh về phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, mở rộng kỳ thi riêng để phù hợp với sự thay đổi này.

Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự định cải tiến cách thức tuyển sinh năm 2025.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông nhà trường cho biết, điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Công Thương TPHCM là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức.

 Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 18 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tháng 1/2025. Ảnh: Đ.Hiền

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 18 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tháng 1/2025. Ảnh: Đ.Hiền

Về tổ hợp xét tuyển (phương thức xét dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT), nhà trường dự kiến sử dụng tổ hợp 3 môn, trong đó môn Toán bắt buộc để xét tuyển cho hầu hết các ngành (trừ Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Luật kinh tế lấy môn chính là Ngữ văn; Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc lấy môn chính là Tiếng Anh). Hai môn khác trong tổ hợp xét tuyển, nhà trường sẽ nghiên cứu kỹ chương trình lớp 10, 11 và 12 để chọn lựa.

“Trong năm 2025, các ngành học mới sẽ có thêm các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C, như tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử), và D01 (Toán, Ngữ văn, Anh văn), D15 (Toán, Ngữ văn, Địa lý) tạo cơ hội cho các thí sinh có nền tảng về môn khoa học xã hội tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường. Các ngành sử dụng thêm tổ hợp xét tuyển khối C trong xét tuyển năm 2025 gồm Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Luật kinh tế...”, ThS Sơn cho hay.

Thay đổi trong tổ hợp môn xét tuyển, đặc biệt phương thức xét dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT được nhiều trường đại học tính đến khi từ năm 2025, môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên được đưa vào nhóm môn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chuyên gia giáo dục - ThS Hồ Sỹ Anh, nguyên Nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, các trường đại học cần xây dựng thêm các tổ hợp tuyển sinh mới có môn Tin học, Công nghệ để học sinh có định hướng học tập.

Việc công bố sớm các tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ nhằm tăng thêm cơ hội cho học sinh đi vào các ngành nghề STEM (Science - Khoa học; Technology - Công nghệ; Engineering - Kỹ thuật và Mathematics - Toán học).

“Việc đưa vào tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ sẽ giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10 và đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT. Điều này, không chỉ giúp cho các trường đại học thu hút được nhiều sinh viên theo học ngành STEM từ quy mô 500.000-600.000 sinh viên hiện nay lên 1 triệu vào năm 2030, theo quy hoạch phát triển giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà còn tác động tích cực hơn với giáo dục phổ thông”, ThS Hồ Sỹ Anh nhận định.

Lê Mạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-diem-moi-trong-phuong-an-tuyen-sinh-du-kien-post717346.html
Zalo