Giảng viên ĐH Bách khoa nói về thách thức đối với giáo dục sau đại học

PGS.TS Nguyễn Phi Lê, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ trẻ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên AI và chia sẻ thực trạng việc phát triển nguồn nhân lực.

Tại Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024 do Báo VietNamNet tổ chức, PGS.TS Nguyễn Phi Lê, điều hành Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội) đã chia sẻ về thực trạng và thách thức trong việc đào tạo và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI).

PGS.TS Nguyễn Phi Lê cho hay, trước khi có thể làm những công việc liên quan đến AI, cần phát triển nguồn nhân lực thành thạo các kiến thức liên quan đến lĩnh vực này. “Đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất, nếu thiếu, chúng ta không thể làm được gì”, bà Lê nói.

PGS.TS Nguyễn Phi Lê, điều hành Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông.

PGS.TS Nguyễn Phi Lê, điều hành Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Bà Lê lấy dẫn chứng việc đào tạo và nghiên cứu tại ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung vào 3 trục chính: Đào tạo các kiến thức về AI; nghiên cứu chuyên sâu về AI; chuyển giao các công trình nghiên cứu ra thực tế.

“ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới việc đào tạo nhân lực liên quan đến AI ở các mức độ khác nhau. Không phải người tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội sau này đều trở thành những chuyên gia sâu ở lĩnh vực AI, mà có thể làm ở nhiều cấp độ sử dụng AI khác nhau.

Trong đó cấp độ cơ bản nhất là chỉ cần sử dụng AI một cách thành thạo trong công việc của mình; cấp độ thứ hai là các kỹ sư AI có thể tạo nên các sản phẩm có ứng dụng AI; cấp độ chuyên sâu nhất là nghiên cứu chuyên sâu về AI”, bà Lê phân tích.

Theo bà, để đạt mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực với nhiều cấp độ như vậy, chương trình đào tạo tại nhà trường tuân theo mô hình hình tháp. Trong đó, ở tầng cấp độ cơ bản, thay vì chỉ cung cấp cho sinh viên các kiến thức phần ngọn liên quan đến AI, nhà trường chú trọng đến đào tạo, cung cấp cho người học kiến thức nền tảng về toán và công nghệ thông tin.

“Đây là những điều quan trọng nhất. Trong công nghệ, AI thay đổi hằng ngày và vô cùng nhanh chóng. Để bắt kịp, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải có một nền tảng rất vững chắc, trong đó nền tảng toán và tin học (thuật toán, cơ sở dữ liệu, các ngôn ngữ lập trình...) là những thứ cần thiết đối với bất kỳ người nào muốn sử dụng AI. Nếu không có nền tảng này, chúng ta sẽ không có được cái nhìn chuyên sâu và không có khả năng học được những kiến thức mới”, bà Lê nói.

Nữ giảng viên cho hay, kiến thức về Toán (bao gồm các môn giải tích, thống kê, đại số tuyến tính...) được trang bị cho tất cả sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, không chỉ riêng sinh viên ngành Công nghệ thông tin.

“Đối với những sinh viên ngành Công nghệ thông tin, chúng tôi cung cấp các kiến thức nền tảng về AI như quản lý, xử lý dữ liệu, trực quan hóa dữ liệu và các kiến thức cơ bản về học máy, học sâu... Sau đó, nhà trường có những chương trình đào tạo chuyên sâu về AI. Sinh viên thuộc ngành cử nhân khoa Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo sẽ được cung cấp kiến thức nâng cao và mới nhất trong lĩnh vực AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, AI tạo sinh...”, bà Lê nói.

PGS.TS tiết lộ, Hội đồng đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã thông qua việc cập nhật chương trình đào tạo, sẽ đưa các kiến thức về học máy và các mô hình học sâu đơn giản vào khối kiến thức nền tảng cho toàn bộ sinh viên.

Ngoài chương trình đào tạo cử nhân, ĐH Bách khoa còn có chương trình đào tạo thạc sĩ về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (chương trình nối tiếp của bậc cử nhân).

Tuy nhiên, nữ giảng viên cho hay, điều đáng buồn với đào tạo đại học nói chung ở Việt Nam, là tỷ lệ sinh viên học tiếp lên sau đại học rất thấp, nếu so với thế giới.

“Những trường đại học nghiên cứu lớn của thế giới như ĐH Tokyo (Nhật Bản), tỷ lệ học viên sau đại học của họ khoảng ngang bằng với số lượng sinh viên đại học. Thế nhưng, ở Việt Nam tỷ lệ này vô cùng thấp".

"Trong khi nếu chúng ta muốn giải quyết những bài toán khó, chuyên sâu thì không thể nào chỉ dựa vào lực lượng nguồn nhân lực được đào tạo cử nhân 4 năm, bắt buộc phải có nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu”, TS Lê nói và cho rằng đây là một thách thức lớn đối với giáo dục Việt Nam.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giang-vien-dh-bach-khoa-noi-ve-thach-thuc-doi-voi-giao-duc-sau-dai-hoc-2363295.html
Zalo