Trung Quốc tiến hành hạ lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc
Các động thái giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa được công bố đều nằm trong một gói kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ mà Bắc Kinh công bố vào đầu tháng 5...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc ngày 20/5 hạ một loạt lãi suất chủ chốt trong bối cảnh đồng nhân dân tệ tăng giá và chiến tranh thương mại với Mỹ xuống thang giúp mang lại dư địa rộng hơn cho Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm về 3% từ 3,1% trước đó. Lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm cũng giảm tương tự, về 3,5% từ 3,6%.
Đây là đợt giảm lãi suất LPR đầu tiên của PBOC kể từ đợt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 10 năm ngoái, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất LPR - thường áp dụng đối với các khách hàng uy tín nhất của các ngân hàng thương mại - được tính toán hàng tháng dựa trên mức lãi suất đề xuất mà các ngân hàng thương mại trình lên PBOC. Lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm ảnh hưởng nhiều đến các khoản vay cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm được xem là mốc tham chiếu cho lãi suất cho vay thế chấp nhà.
Đợt giảm lãi suất này diễn ra đồng thời khi một loạt ngân hàng thương mại của Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối đa 0,25 điểm phần trăm. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm bảo vệ biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại, mở đường cho việc giảm các lãi suất chủ chốt.
Theo nhà kinh tế trưởng Zichun Huang của công ty nghiên cứu Capital Economics, PBOC có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách. Ông Huang dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm 0,4 điểm phần trăm nữa trước cuối năm nay.
Các động thái giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nói trên đều nằm trong một gói kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ mà Bắc Kinh công bố vào đầu tháng 5. Ngoài ra, lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà được cấp bởi một quỹ nhà nước cũng giảm 0,25 điểm phần trăm trong đợt này.
Mặc áp lực giảm giá từ chiến tranh thương mại với Mỹ, tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giữ ổn định trong thời gian gần đây. Sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 7,4287 nhân dân tệ đổi 1 USD vào tháng trước, đồng tiền này đến nay đã tăng giá 2,8% - theo dữ liệu của LSEG.
Nhà kinh tế Allan von Mehren của ngân hàng Denske Bank đã nâng dự báo tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục sau 12 tháng lên 7,15 nhân dân tệ/USD từ mức 7,35 nhân dân tệ/USD trước đó, do căng thẳng thương mại dịu đi và “quan điểm rõ ràng của Bắc Kinh là muốn tiền tệ ổn định”.
Ông Huang cho rằng việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất ở mức khiêm tốn như vậy có thể không mang lại một sự kích thích mạnh mẽ nhu cầu vay vốn và thúc đẩy nền kinh tế trên diện rộng. Nhà kinh tế này lưu ý rằng “gánh nặng kích thích nhu cầu vẫn đang chủ yếu đặt vào chính sách tài khóa”.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có vẻ không muốn mở rộng hơn nữa chính sách tài khóa khỏi kế hoạch ngân sách đã công bố trong năm nay, nhất là sau khi đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” thương mại trong 90 ngày với Mỹ - ông Huang nói thêm.
Việc Bắc Kinh và Washington đạt thỏa thuận thương mại tạm thời đã khiến một loạt ngân hàng đầu tư nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay, đồng thời giảm bớt kỳ vọng về việc có thêm biện pháp kích thích chủ động.
Ngân hàng Nomura nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 Trung Quốc lên 4,8% từ 3,7% trước đó, trên cơ sở các số liệu kinh tế vững vàng của nước này trong tháng 4. Đồng thời, Nomura cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm lên 3,7% từ 3,5% trước đó. Tuy nhiên, mức dự báo mới này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm “khoảng 5” mà Bắc Kinh đề ra.
Báo cáo của Nomura cũng thận trọng rằng “mức độ rủi ro cao của nền kinh tế đang đương đầu với áp lực kép” từ khủng hoảng bất động sản kéo dài và nguy cơ bị Mỹ tăng thuế quan trở lại.
Số liệu công bố gần đây cho thấy giá bán buôn ở Trung Quốc trong tháng 4 giảm mạnh nhất 6 tháng và giá tiêu dùng giảm tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy sức ép giảm phát còn dai dẳng trong nền kinh tế. Dù vậy, giới kinh tế học cho rằng nếu có thêm các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa, Bắc Kinh sẽ chỉ triển khai nhỏ giọt với tốc độ chậm chạp.
Trong một báo cáo ngày 19/5, ngân hàng Morgan Stanley nhận định các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung có thể sẽ “nhẹ hơn và bị trì hoãn vì thuế quan đã giảm”. Nhưng dù giảm tạm thời, tổng thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc hiện vẫn ở mức khoảng 40%, cao hơn nhiều so với mức 11% trước khi ông Trump nhậm chức - theo ước tính của Morgan Stanley.
“Giảm phát có thể kéo dài, xét tới thuế quan còn cao và chính sách chủ yếu chỉ mang tính phản ứng thay”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận xét, nói rằng thuế quan cao sẽ gây suy yếu nhu cầu của thị trường bên ngoài sau một khoảng thời gian xuất khẩu tăng mạnh trước khi thuế quan có hiệu lực. Khi đó, vấn đề dư thừa công suất trong nước của Trung Quốc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.