Trung Quốc: Nới lỏng chính sách tiền tệ trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 7/5 đã báo hiệu về việc cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, cùng một số biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác nhằm giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nhân viên kiểm đồng Nhân dân tệ tại ngân hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên kiểm đồng Nhân dân tệ tại ngân hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Thông báo này được đưa ra ngay sau khi giới chức Mỹ và Trung Quốc cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thụy Sỹ vào cuối tuần này để đàm phán.

PBoC sẽ giảm lãi suất các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (lãi suất tiêu chuẩn) 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1,40%, có hiệu lực từ ngày 8/5. Các mức lãi suất khác sẽ giảm tương ứng theo lãi suất chủ chốt này.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) - lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ - cũng sẽ được cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, đưa mức RRR trung bình xuống 6,2%. Tại một cuộc họp báo, Thống đốc PBoC Phan Công Thắng cho biết đợt cắt giảm RRR đầu tiên kể từ tháng Chín năm ngoái này sẽ giải phóng 1.000 tỷ NDT (tương đương 138 tỷ USD) vào hệ thống. Ông Phan Công Thắng cũng cho biết PBoC sẽ tăng cường một số công cụ cho vay theo cơ cấu.

Các nhà phân tích cho biết, mặc dù giới hoạch định chính sách đã có ý định nới lỏng tiền tệ từ cuối năm 2024, nhưng họ vẫn trì hoãn do lo ngại dòng vốn tháo chạy khi đồng NDT chịu áp lực giảm giá. Gần đây, đồng NDT đã tăng giá nhẹ, tạo điều kiện cho PBoC hành động.

Ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, nhận định đồng USD suy yếu mang lại cho Trung Quốc nhiều dư địa hơn để điều chỉnh chính sách tiền tệ hơn. Chuyên gia này không kỳ vọng nhiều vào tác động tín dụng của những biện pháp nói trên, nhưng ông cho rằng chúng sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của thị trường, từ đó hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Mức thuế ba chữ số của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hoạt động chế tạo đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng, trong khi hoạt động của ngành dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng chậm nhất trong bảy tháng vào tháng Tư.

Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho rằng Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ông Xing nhận định nền kinh tế trong nước phải đủ mạnh trước khi Trung Quốc bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán thương mại kéo dài nào.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-noi-long-chinh-sach-tien-te-truoc-them-dam-phan-thuong-mai-voi-my-20250507114117359.htm
Zalo