Cần đào tạo nghề giúp việc gia đình cho người lao động
Những năm gần đây, nghề giúp việc gia đình luôn có mức thu nhập ổn định, được nhiều người lao động hướng đến. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị chức năng nào mở lớp đào tạo, hướng dẫn làm nghề giúp việc gia đình để giúp những người có nhu cầu làm nghề nâng cao kỹ năng, từ đó có cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn.
Là người có nhu cầu thuê người giúp việc nhà, chị Nguyễn Thu Phương (ở phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), chia sẻ: Trong vòng 4 tháng, tôi phải thay tới hai người giúp việc, người lâu nhất được hơn hai tháng và người còn lại chưa được một tháng. Có nhiều lý do để tôi phải liên tục thay người giúp việc, nhưng chủ yếu là do người giúp việc ngại việc và không biết việc. Ngoài hai vợ chồng, gia đình tôi còn có bố mẹ già và hai con nhỏ. Người giúp việc cho gia đình được giao làm những công việc như: nấu nướng, trông trẻ, lau dọn nhà cửa. Tuy nhiên, có người chủ nhà bảo gì làm nấy, đến khi bàn giao công việc nhiều một chút họ lại tỏ ra không thích hoặc làm việc qua loa, không hoàn thành nhiệm vụ; có người không biết nội trợ, nấu cơm thành cháo, lúc luộc rau lại thành món ninh nhừ... Hướng dẫn, chỉ bảo một thời gian nhưng người giúp việc vẫn không tiến bộ, tính kỷ luật chưa cao khi thường xuyên xin nghỉ bất ưng, không sử dụng được một số thiết bị như: máy giặt, lò vi sóng... Cuối cùng, tôi đành phải cho nghỉ và tìm người khác.

Chị Lưu Thị Loan (phường Lam Hạ) đã sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử khi làm nghề giúp việc gia đình.
Chị Lưu Thị Loan, 50 tuổi (phường Lam Hạ) đã có 7 năm làm nghề giúp việc cho một gia đình. Vốn sẵn yêu quý trẻ con, lại thạo việc nhà, vì vậy chị chọn gắn bó với công việc này. Hằng ngày, chị lo lau dọn nhà cửa, nấu ăn, trông bé 14 tháng tuổi. Theo chị Loan, công việc cũng không quá vất vả, không cần phải ở cùng gia đình chủ, hằng tháng chị được trả mức lương 5 triệu đồng… Chị Loan tâm sự: Những ngày đầu đi làm giúp việc, tôi cũng cảm thấy khá bỡ ngỡ do chưa quen với công việc và nếp sinh hoạt của gia chủ. Tuy nhiên, tôi luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những người bà con họ hàng đã có nhiều năm làm nghề giúp việc; đồng thời, trong lúc rảnh rỗi thường xuyên tự lên mạng tìm hiểu những kĩ năng về nấu ăn, chăm trẻ để trau dồi thêm kiến thức, từ đó dần thạo việc hơn, được chủ nhà tin tưởng, quý mến.
Hiện nay, nhiều gia đình ở thành phố có nhu cầu thuê người giúp việc, nhưng số gia đình tìm được người làm ổn định không nhiều. Một phần nguyên nhân do gia đình nhà chủ yêu cầu công việc nhiều, đòi hỏi khắt khe, nhưng một phần cũng do người giúp việc không thạo việc, ứng xử chưa phù hợp trong gia đình nhà chủ. Dạo một vòng qua các nhóm tuyển dụng người giúp việc trên mạng xã hội facebook, chúng ta không khó để bắt gặp những mẩu tin, như: tìm người giúp việc nhà, chăm trẻ, chăm người già… Việc tìm kiếm người giúp việc chủ yếu qua các kênh thông tin tự phát, từ người quen, người nhà, mạng xã hội…, còn thông qua các đơn vị chuyên cung cấp người giúp việc thì chưa nhiều.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chia sẻ: Những năm gần đây, số lượng người lao động đến đăng ký làm giúp việc gia đình nhiều, tuy nhiên tìm được người đạt yêu cầu với chủ nhà cũng không dễ. Nghề giúp việc tuy không đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng yếu tố thái độ lại quyết định chất lượng dịch vụ. Thế nhưng, thị trường này lại chưa có một quy chuẩn cụ thể nào về chất lượng. Người lao động vẫn còn tâm lý "thích thì làm, không thích thì nghỉ". Sự kỳ vọng của khách hàng lại rất cao, trong khi nghề giúp việc lại không được đào tạo đúng tiêu chuẩn. Thực tế cho thấy, những năm qua, ở tỉnh ta vẫn chưa có những lớp đào tạo về nghề giúp việc gia đình do chưa có được đội ngũ chuyên môn, cũng như kĩ năng đào tạo. Việc đào tạo bài bản nghề giúp việc là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người lao động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của chủ nhà. Đến nay, chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng người lao động đi làm giúp việc gia đình, song có thể dễ dàng nhận thấy, xu thế này ngày càng gia tăng. Phần lớn phụ nữ trung niên và một số ít người trẻ cũng đã bắt đầu tham gia vào công việc này.
Với nhu cầu và tốc độ phát triển xã hội như hiện nay, thị trường giúp việc nhà chắc chắn còn rất nhiều tiềm năng rộng mở. Giúp việc gia đình là một nghề, nên cần hướng đến sự chuyên nghiệp. Do vậy, thiết nghĩ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm đến việc đào tạo nghề giúp việc gia đình, nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Bởi, chỉ bằng cách này thì những người làm nghề giúp việc gia đình mới mong có được sự chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao được giá trị của bản thân, để từ đó có điều kiện và khả năng gắn bó lâu dài, hiệu quả, tránh tình trạng người lao động bị cho thôi việc do không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của chủ nhà...