Trung Quốc áp thuế chống phá giá với nhựa POM nhập từ Mỹ, EU, Đài Loan và Nhật Bản
Trung Quốc vừa thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với nhựa kỹ thuật Polyoxymethylene (POM) có xuất xứ từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Theo thông báo được công bố trên trang web chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc vào hôm qua (18/5), các cơ quan điều tra Trung Quốc đã xác định rằng các sản phẩm nhựa POM nhập khẩu từ Mỹ, EU, Đài Loan và Nhật Bản đang có hành vi bán phá giá trên thị trường Trung Quốc, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc. Ảnh: VCG
Biện pháp áp thuế chống phá giá này sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (19/5) và kéo dài trong 5 năm. Cụ thể, các sản phẩm từ Mỹ sẽ chịu mức thuế chống phá giá cao nhất lên tới 74,9%; các sản phẩm từ EU phải chịu mức thuế 34,5%; trong khi các sản phẩm từ Nhật Bản bị áp mức thuế 35,5%, ngoại trừ các sản phẩm của Tập đoàn Asahi Kasei được hưởng mức thuế ưu đãi riêng là 24,5%. Đối với các sản phẩm từ Đài Loan, mức thuế chung là 32,6%, tuy nhiên, các sản phẩm từ hai tập đoàn lớn là Polyplastics Đài Loan và Formosa Plastics chỉ phải chịu mức thuế lần lượt là 4% và 3,8% do đáp ứng các quy định chống bán phá giá của Trung Quốc.
Được biết, nhựa kỹ thuật POM là loại vật liệu có độ bền cơ học cao, khả năng chống mỏi và chịu biến dạng tốt, có thể thay thế một phần các kim loại như đồng, kẽm, thiếc, chì và được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như linh kiện ô tô, thiết bị điện – điện tử, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng, thiết bị thể thao, thiết bị y tế, hệ thống ống dẫn và vật liệu xây dựng.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiến hành điều tra ban đầu đối với tình trạng bán phá giá các sản phẩm nhựa POM bán tại Trung Quốc từ tháng 1 năm nay và đã thực hiện các biện pháp sơ bộ dưới hình thức ký quỹ bắt đầu từ ngày 24/01.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc chính thức thông báo biện pháp áp thuế chống bán phá giá với Mỹ là quốc gia chịu mức thuế cao nhất ngay sau khi hai nước đạt được thỏa thuận đình chiến thuế quan đã làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.