Trồng thêm nhiều cây xanh ở các thành phố có thể cứu sống hàng triệu người
Một nghiên cứu toàn diện mới phát hiện ra rằng việc mở rộng diện tích cây xanh ở các thành phố có thể cứu sống hàng triệu người.

Tăng cường thảm thực vật xanh ở các đô thị có thể mang lại tác động tích cực cho sức khỏe con người. Ảnh: WOHA Architect
Cây xanh ở các thành phố không chỉ là “điều nên có”, mà chúng còn có tác động rất lớn đến sức khỏe cộng đồng khi giúp chúng ta cảm thấy mát mẻ hơn.
Một nghiên cứu mới tính toán rằng việc tăng 30% diện tích thảm thực vật ở các khu vực đô thị có thể giúp ngăn ngừa hơn 1/3 số ca tử vong liên quan đến nhiệt trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2019. Tổng cộng, 1,16 triệu sinh mạng có thể được cứu sống nhờ việc trồng thêm nhiều cây xanh trong giai đoạn kéo dài 20 năm này.
Mặc dù lợi ích của không gian xanh đối với sức khỏe đã được biết đến rộng rãi, nhưng nghiên cứu này của các nhà khoa học tại Đại học Monash ở Melbourne (Australia) là nghiên cứu đầu tiên ước tính cả tác động làm mát của diện tích cây xanh đối với nhiệt độ hàng ngày và tác động điều chỉnh của các mảng xanh đối với mối quan hệ giữa nhiệt độ và các ca tử vong.
Giáo sư Yuming Guo, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết “điều này giúp chúng ta đánh giá toàn diện hơn về lợi ích của cây xanh trong việc giảm thiểu các ca tử vong liên quan đến nhiệt… Những phát hiện này chỉ ra rằng việc bảo tồn và mở rộng diện tích cây xanh có thể là những chiến lược tiềm năng để hạ nhiệt độ và giảm thiểu tác động của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao đối với sức khỏe con người”.
Tác động của thảm xanh trong thành phố
Sốc nhiệt là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, và mối đe dọa này đang ngày càng tăng do tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra.
Thống kê cho thấy từ năm 2000 đến năm 2019, nhiệt độ cao liên quan đến khoảng 500.000 ca tử vong mỗi năm, chiếm 0,91% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Theo Giáo sư Guo, trong các kịch bản nóng lên toàn cầu khắc nghiệt nhất, ước tính về số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ dự kiến sẽ dao động từ 2,5% tổng số ca tử vong ở Bắc Âu đến 16,7% ở Đông Nam Á vào những năm 2090.
Ngăn chặn khí thải làm Trái đất nóng lên ngay từ nguồn là cách hiệu quả nhất để giảm số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ. Nhưng làm thế nào để tăng lượng cây xanh có thể giúp bảo vệ con người?
Việc nhân rộng các thảm cỏ, cây cối và các loại thực vật khác ở các khu vực đô thị đông đúc có tác dụng làm mát. Những thảm thực vật này che phủ bề mặt, làm chệch hướng bức xạ từ mặt trời và tăng thoát hơi nước - tức nước bốc hơi từ mặt đất và thực vật, từ đó thúc đẩy sự đối lưu không khí. Quy trình này làm mát nhiệt độ môi trường xung quanh, dẫn đến giảm số lượng người bị sốc nhiệt.
Giáo sư Guo cho biết cũng có bằng chứng mới cho thấy sắc xanh của cây cỏ có thể thay đổi nguy cơ tử vong liên quan đến nhiệt, có khả năng là nhờ cải thiện sức khỏe tâm thần, thúc đẩy sự tham gia xã hội và tập thể dục, đồng thời giảm ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tăng diện tích thảm thực vật lên 10%, 20% và 30% đã làm giảm nhiệt độ trung bình hàng ngày lần lượt là 0,08°C, 0,14°C và 0,19°C. Điều này có thể đã giúp ngăn ngừa được lần lượt 0,86 triệu, 1,02 triệu và 1,16 triệu ca tử vong, chiếm 27,2%, 32,2% và 36,7% tổng số ca tử vong liên quan đến nhiệt từ năm 2000 đến năm 2019.
Theo mô hình nghiên cứu trong giai đoạn trên, tác động tích cực của việc có thêm nhiều cây xanh hơn phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, bao gồm loại khí hậu và thành phần kinh tế xã hội, cũng như tình trạng nhân khẩu học của một thành phố cụ thể.
Nếu diện tích thảm thực vật tăng 30%, ước tính trung bình 396.955 người đã được cứu sống khỏi các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao từ năm 2000 đến năm 2019 ở châu Âu. Trong cùng kỳ, châu Á chứng kiến nhiều mạng sống được cứu nhất, ở mức 527.989 người. Và cụ thể hơn, các khu vực đô thị ở Nam Á, Đông Á và Đông Âu chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao.