Châu Âu nắng nóng sớm do biến đổi khí hậu
Nhiều nước châu Âu đang trải qua những ngày nắng nóng ngay trong những ngày đầu tháng 5/2025. Nắng nóng đến sớm ở châu Âu là chỉ dấu cho thấy sự biến đổi của khí hậu đang ngày một rõ nét.
Nước Anh đang trải qua những ngày đầu tháng 5/2025 nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ liên tục tăng vọt, làm gia tăng các cảnh báo về cháy rừng và những nguy cơ tiềm ẩn khi bơi lội ở vùng nước tự nhiên. Trong hai ngày qua, phía Tây Nam thủ đô Luân Đôn ghi nhận nhiệt độ 29,3°C. Đây sẽ là những ngày sớm nhất trong tháng 5/2025 mà Vương quốc Anh chứng kiến nhiệt độ 30 độ C kể từ năm 1860.
“Thật bất thường. Ý tôi là, tôi không nhớ lần cuối cùng trời nóng như thế này là khi nào. Nhưng tôi đang tận hưởng. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Chỉ cần tận hưởng thời tiết cho đến khi nó thay đổi lần nữa", một du khách nói.

Nắng nóng gay gắt ở châu Âu. Ảnh: Reuters
"Trời thật nóng. Cảm giác như đang là mùa hè vậy. Lẽ ra bây giờ thời tiết phải lạnh", một người khác cho biết.
Còn tại Đức, nhiệt độ tăng cao hơn thường lệ đã khiến các bể bơi và bãi biển ở Đức đông kín người trong hai ngày qua. Bãi biển Wannsee lido với cát từ bờ biển Baltic có chiều dài 1,2 km trở thành điểm đến của hàng nghìn du khách vào những ngày này.
“Tôi luôn thích mùa hè. Rõ ràng là với biến đổi khí hậu, chúng ta không biết tình hình năm nay sẽ như thế nào. Tôi hình dung năm nay sẽ nóng hơn năm ngoái", một du khách cho biết.
“Tôi nghĩ hôm nay, các bãi biển sẽ chật kín khách vì mọi người đều muốn ra ngoài trời, tắm mát trong nước và thư giãn trên bãi biển", một du khách khác cho biết.
Tình trạng nắng nóng tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu khác. Theo một báo cáo của Viện Khí tượng Phần Lan nhiều khu vực của Châu Âu trong đó có vùng đất Bắc Âu trải dài qua Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển vừa trải qua mùa Hè nóng nhất trong vòng 2 nghìn năm qua. Nếu không có biến đổi khí hậu, một mùa Hè nóng bức như vậy chỉ xảy ra 1 lần trong khoảng 1.400 năm. Tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu hiện tại, điều này có thể lặp lại sau mỗi 16 năm. Hệ quả là các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn, cháy rừng gia tăng, làm tổn thương nghiêm trọng các hệ sinh thái mong manh và đời sống của các cộng đồng bản địa.
Ông Mathew Willis, quản lý văn phòng thời tiết Anh nhận xét: “Điều kiện thời tiết ở châu Âu cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến chúng ta. Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần làm nhiều hơn nữa".
Trước đó, theo một báo cáo của Cơ quan Thời tiết châu Âu, tháng 3 vừa qua, châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập, trong khi toàn cầu trải qua tháng 3 nóng thứ hai từ trước đến nay.
Trong khi, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 3/2025 cao hơn 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt qua ngưỡng 1,5 độ C - mức tăng nhiệt độ mà các nhà khoa học khí hậu cảnh báo sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu liên tục kéo dài. Tính từ tháng 7/2023 đến nay, hầu như tất cả các tháng đều có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C, cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đang diễn ra một cách liên tục và nghiêm trọng.